Vụ thử bom H: Triều Tiên đã tính toán hết sức cao tay?

Hải Võ |

Trang Đa Chiều (Mỹ) phân tích, mục đích cốt lõi của các nhà hoạch định chính sách Triều Tiên đối với sự kiện 6/1 rất có thể không nằm ở vấn đề thử bom có thành công hay không.

Theo thông cáo của chính phủ Triều Tiên, vụ thử nghiệm hạt nhân hôm qua (6/1) mà nước này khẳng định là "thử nghiệm thành công bom khinh khí", là kế hoạch được lãnh đạo tối cao Kim Jong Un ra lệnh tiến hành.

Tuy nhiên, Sputnik News (Nga) cho hay, theo số liệu sơ bộ của Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO), chấn động do vụ thử hạt nhân hôm qua gây ra yếu hơn so với khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tháng 2/2013.

Thư ký điều hành CTBTO Lassina Zerbo cho biết cơn địa chấn ngày 6/1 "có cường độ giảm nhẹ đôi chút (so với 2013)".

Ông đánh giá cường độ chấn động ngày hôm qua vào khoảng 4.8-4.9 độ Richter, trong khi vụ thử nghiệm hạt nhân trước đó gây ra động đất 5.1 độ Richter.


Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố bức ảnh Kim Jong Un hôm 3/1 ký sắc lệnh thông qua việc tiến hành thử bom khinh khí

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố bức ảnh Kim Jong Un hôm 3/1 ký sắc lệnh thông qua việc tiến hành thử bom khinh khí

Giả thuyết "ngày sinh nhật"

Theo Đa Chiều, ngoại trừ lần thử nghiệm hạt nhân thứ 2 diễn ra vào 25/5/2009, thời gian hai lần thử khác được cho là "có quy luật" gắn liền với những ngày lễ lớn của Triều Tiên.

Vụ thử hạt nhân thứ 3 được tiến hành ngày 12/2/2013, tức chỉ 4 ngày trước kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, được Bình Nhưỡng ấn định là Lễ Quang Minh Tinh.

Vụ thử đầu tiên diễn ra ngày 9/10/2006, tức chỉ 1 ngày trước lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên (10/10), ngày lễ lớn nhất trong năm của nước này.

Chính vì vậy, giới quan sát không loại trừ khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cố ý lựa chọn ngày 6/1, tức 2 ngày trước sinh nhật của ông vào 8/1, như một hình thức "tự tặng quà cho bản thân".

Giả thuyết ổn định tình hình đại hội đảng Lao động

Đa Chiều cho hay, kể từ khi trở thành lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 12/2011, ông Kim Jong Un đã hết sức chú trọng đến hiệu quả của những thành tựu đột phá về quân sự đối với việc nâng cao mức độ gắn kết của chính quyền.

Đây là nguyên nhân Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân cùng rất nhiều lần phóng thử tên lửa trong giai đoạn 2012-2013 và sự kiện ngày 6/1 cũng được đánh giá là phục vụ mục đích tương tự.

Hồi tháng 11/2015, quân đội nhân dân Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm nhưng bị nghi là đã thất bại.

Vào tháng 5/2016, nước này sẽ triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 của đảng Lao động. Đây là sự kiện được đánh giá có ý nghĩa trọng đại nhất trong năm 2016 đối với Bình Nhưỡng, bởi sau hơn 30 năm họ mới triệu tập lại Đại hội này.

 
Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc
Trong tình hình Triều Tiên hiện tại, vụ thử nghiệm hạt nhân mới có thể khích lệ tinh thần và gắn kết dân tộc, nhưng đây không phải là kế sách lâu dài. Động thái này chắc chắn sẽ khiến cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép cùng các lệnh cấm vận lên Bình Nhưỡng. Nếu Triều Tiên còn tái diễn hành động như vậy thì rất có khả năng gây tổn hại cho sự ổn định xã hội Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc, đặt ra bài toán khó cho chính phủ Trung Quốc. Bình Nhưỡng cần phải suy xét ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đối với quan hệ Trung-Triều. Còn ứng xử theo lối "đó là việc của Bắc Kinh các vị" thì hết sức thiển cận.

Trong bối cảnh như vậy, một tuyên bố thử hạt nhân thành công có giá trị to lớn đối với ông Kim Jong Un, bên cạnh hiệu quả ổn định tình hình chính trị trong nước thì còn phô trương được khả năng quốc phòng mạnh mẽ của Triều Tiên.

Đa Chiều bình luận, nếu lấy tiêu chuẩn về mức độ gắn kết quốc gia dưới thời lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành là 100, thì thang điểm này ở thời ông Kim Jong Il đã hạ xuống 50-70, và hiện tại còn thấp hơn như thế trong thời đại của Kim Jong Un.

Giáo sư Kim Yong Hyun thuộc Đại học Dongguk, Hàn Quốc đánh giá: "Đại hội đảng Lao động Triều Tiên mới là dấu mốc thực sự mở màn cho thời đại Kim Jong Un. Việc phô bày sức mạnh quân sự có thể giúp ông gắn kết và nâng cao mức độ trung thành của người dân Triều Tiên."

Giả thuyết "Trung Quốc"

Đây là giả thuyết không thể loại trừ khi đánh giá vụ thử hạt nhân ngày 6/1 của Triều Tiên, trong bối cảnh quan hệ Trung-Triều đã trở nên băng giá kể từ tuyên bố đầu tiên về bom khinh khí của Kim Jong Un vào ngày 10/12.

Đặc biệt, trong "tuyên bố trọng đại" vào trưa 6/1, chính phủ Triều Tiên đã xác nhận việc tiến hành thử nghiệm bom khinh khí đã được ông Kim hạ lệnh lần đầu tiên vào ngày 15/12, chỉ 3 ngày sau vụ lùm xùm ban nhạc nữ Triều Tiên Moranbong bỏ diễn ở Trung Quốc.

Các sự cố bất ngờ cùng những mốc thời gian rất gần nhau khiến giới quan sát đánh giá việc tiến hành vụ thử bom hôm qua là một quyết định đột xuất được đưa ra nhằm tỏ rõ thái độ với Trung Quốc.

Nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Bắc Kinh, Hồng Kông
Kiều Tỉnh
[Vụ thử bom H] cũng được xem là một tuyên ngôn khẳng định sự độc lập, tự chủ của Kim Jong Un nhằm vào sự kiểm soát từ Bắc Kinh. Ông Kim muốn Trung Quốc hiểu một điều rằng, cho dù không còn bất kỳ sự viện trợ hay giúp đỡ nào từ nước này nữa thì Triều Tiên vẫn sẽ đi theo hướng của riêng mình và Trung Quốc không thể can thiệp được gì cả.

Trên thực tế, Bắc Kinh vẫn duy trì thái độ cứng rắn với Bình Nhưỡng từ trước vụ Moranbong, trong khi sau sự cố này thì các phát biểu của Bộ ngoại giao Trung Quốc mang nhiều hơi hướng đối đầu hơn và "phớt lờ" loạt bài ca ngợi tiến triển vấn đề hạt nhân mà báo chí nước này đăng trong 2 ngày Moranbong tập luyện ở Bắc Kinh.

Theo Đa Chiều, Bình Nhưỡng đã nhận ra chính Trung Quốc cảm thấy cần gấp rút làm dịu mối quan hệ song phương bằng việc cử Ủy viên thường vụ Bộ chính trị tới thăm Triều Tiên tháng 10/2015. Điều này lý giải cho những hành động không nể nang Bắc Kinh gần đây.

Giả thuyết "nắn gân" nước Mỹ

Mỹ là quốc gia được lãnh đạo Triều Tiên nhắc tới trong hầu hết các tuyên bố lớn mà gần đây nhất là phát biểu của Kim Jong Un tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên 10/10/2015 và lời chúc năm mới của Kim Jong Un 1/1/2016.

Trong thông cáo ngày 6/1, Triều Tiên khẳng định "tiến hành thử nghiệm bom khinh khí nhằm vào thái những đe dọa và uy hiếp về hạt nhân ngày càng quá quắt từ thế lực thù địch do Mỹ đứng đầu, để bảo vệ triệt để chủ quyền và quyền sinh tồn của quốc gia cùng dân tộc..."

Hôm 5/1, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cũng đề cập "Mỹ đã tiến hành hàng loạt cuộc thử hạt nhân trong thập niên 1950, Mỹ mới là thủ phạm thực sự của chiến tranh hạt nhân".

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa
DONALD TRUMP
Trung Quốc có... sự kiểm soát hoàn toàn đối với Triều Tiên và họ cần phải giải quyết vấn đề đó. Nếu không, chúng ta sẽ khiến vấn đề thương mại trở nên "khó nhằn" hơn. Không có Trung Quốc, [Triều Tiên] sẽ không có cái ăn, không có thức ăn, không có gì cả. Chúng ta sẽ "bám" lấy Trung Quốc. Họ đã kiếm được rất nhiều tiền, làm tiêu hao đất nước chúng ta và chơi đùa với ta bằng quân bài Triều Tiên.

Trong khi đó, Nhà Trắng đến nay vẫn tỏ ra hoài nghi và tuyên bố "không thể xác nhận" tính chân thực trong thông báo của Bình Nhưỡng.

Đa Chiều đánh giá, phản ứng này của phía Mỹ đã "bớt rắn" hơn so với những thái độ của Washington trong các lần thử hạt nhân trước của Triều Tiên.

Trong bối cảnh hiện tại, Mỹ đang bị "sa lầy" vào các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), trong khi nguyên nhân ban đầu Mỹ đối địch với Triều Tiên xuất phát từ yêu cầu chiến lược.

Trong thời gian qua, Washington thực tế đã xem xét đến khả năng thúc đẩy các giải pháp đối thoại và Bình Nhưỡng cũng không ít lần đưa ra tuyên bố tương tự.

Nói cách khác, không loại trừ khả năng ông Kim muốn mượn sự kiện bom khinh khí để "tranh thủ" đánh giá mức độ phản ứng và giới hạn của Mỹ.

Giới quan sát cũng cho rằng, giai đoạn trước mắt không phải là thời cơ tốt nhất để Mỹ, Trung Quốc tập trung đối đầu với Triều Tiên.

Khi chiến lược của Mỹ-Trung đối với Bình Nhưỡng bước sang giai đoạn "giằng co" nhưng không chủ động kiềm chế thì Triều Tiên sẽ thấy được lối thoát trong việc "ép" Mỹ-Trung thừa nhận nước này sở hữu hạt nhân, Đa Chiều kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại