Hội nghị thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển (G7) 2016 sẽ được tổ chức vào tháng 6 năm tới tại thành phố Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản. Chính phủ Nhật hiện đang thảo luận việc tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Nhật tham gia hội nghị này.
Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) hôm 17/6 đưa tin, Tokyo đã có kế hoạch mời ông Putin tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 2016 và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rất có khả năng sẽ trực tiếp gửi lời mời tới Tổng thống Nga.
Theo đó, ông Abe có thể sẽ mời Putin theo hình thức "khôi phục mô hình G8", nhưng Tổng thống Putin cũng có thể được mời trong vai trò quan sát viên.
RFI cho hay, phía Nhật Bản cho rằng, nếu tình trạng đối đầu giữa Nga và phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine tiếp diễn đến sang năm thì sẽ đẩy Nga tới cục diện phải liên minh với Trung Quốc để chống lại Mỹ-đồng minh.
Nếu tình huống này xảy ra, Nhật Bản sẽ là nước chịu thiệt thòi lớn khi lọt vào thế "gọng kìm" giữa 2 cường quốc quân sự Đông Bắc Á là Nga-Trung.
Chính vì vậy, Thủ tướng Nhật gần đây liên tục có những phát ngôn tỏ ý "lôi kéo" Tổng thống Nga Putin.
Phát biểu trên đài NHK cách đây hơn 1 tuần, ông Shinzo Abe đã tái khẳng định kế hoạch thăm Nhật của ông Putin trong năm 2015 "không có gì thay đổi".
Theo RFI, quan chức nội các Nhật Bản tiết lộ, ông Abe đang nỗ lực thúc đẩy việc gửi lời mời chính thức ông Putin đến hội nghị G7 và mong muốn tổ chức hội đàm Nga-Nhật.
Tuy nhiên, khả năng Nhật Bản đạt được mục tiêu "hàn gắn" với Nga được đánh giá là khá mong manh.
Sau khi báo chí Nhật đưa tin rầm rộ về khả năng ông Putin tới Nhật tháng 12 năm nay, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã lên tiếng phủ nhận thông tin này và cho biết "thời gian (thăm Nhật) cụ thể vẫn chưa được xác định".
Trong khi đó, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế người Mỹ Francis Fukuyama đánh giá, Tổng thống Nga Putin dường như đã quyết định tuyên bố với thế giới về những "bước nhảy vọt" mới trong quan hệ Nga-Trung.
Mặt khác, đồng minh của Nhật là Washington vẫn luôn "dè chừng" đối với quan hệ Nga-Nhật, dẫn đến khả năng ông Abe được 6 nước còn lại đồng thuận (trong việc mời Putin đến G7) vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải.
Nga - "nhân tố quan trọng" trong vấn đề Biển Đông?
Việc Nhật Bản "hướng Tây" để cải thiện quan hệ với Moscow được trang JBPress của nước này nhận định là bởi Tokyo "trên thực tế đã bị cuốn vào vấn đề Biển Đông".
"Phương châm hợp tác phòng thủ Nhật-Mỹ" mới sửa đổi cùng với dự thảo luật bảo vệ an ninh mới của Nhật Bản đang đưa nước này tiến vào "giai đoạn chuyển biến lớn".
Theo JBPress, Tokyo đã sẵn sàng để triển khai hành động quân sự đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) sẽ có quyền hạn điều động tàu chiến và máy bay để chi viện cho đồng minh.
Việc Washington "nhiệt tình khích lệ" Nhật và Australia điều máy bay và tàu chiến thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đông đã khiến Trung Quốc vô cùng cay cú.
Tướng "diều hâu" Trung Quốc Doãn Trác từng lên tiếng cảnh cáo Tokyo: "Việc điều tàu chiến hay máy bay tới Biển Đông đối với JSDF mà nói thì rất dễ dàng.
Tuy nhiên, các chính trị gia Nhật Bản nên suy nghĩ kỹ càng về vấn đề này trước khi hành động, bởi tàu chiến Trung Quốc có quyền khai hỏa vào tàu xâm lược trong phạm vi lãnh thổ (khu vực Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp-PV) của mình."
Chính các động thái hiếu chiến và hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, ngược lại, đã giúp nội các của ông Abe có cơ hội thông qua bộ luật về bảo vệ an ninh trước khi Quốc hội nước này bế mạc trong mùa hè. Trước đó, dự luật này đã vấp phải một số phản đối.
Trước "mối đe dọa Trung Quốc" trở nên rõ ràng hơn, Bộ quốc phòng Nhật Bản hôm 29/5 đã công bố báo cáo "Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông", phân tích và tố cáo các hành vi xâm chiếm trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông từ thập niên 1970 của thế kỷ trước.
Việc Nhật Bản nỗ lực tìm kiếm thái độ thiện chí hơn từ Nga trên thực tế có lợi rất lớn cho việc đối phó Trung Quốc của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.
Xung đột giữa Nga và phương Tây chủ yếu xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Và trong bối cảnh liên minh châu Âu (EU) cùng Nhật đều muốn tìm cách "làm hòa" với Nga, thì triển vọng về một sự cải thiện quan hệ Nga-phương Tây vẫn được dự đoán là có thể xảy ra.
Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng luôn tỏ thái độ sẵn sàng đối thoại với các lãnh đạo EU.
Đặc biệt, nếu nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe thành công, cho phép G7 mời ông Putin tới dự hội nghị thượng đỉnh 2016 ở Nhật, thì khả năng phương Tây "xoay trục" được Nga vẫn có hy vọng trở thành hiện thực.
Trong bối cảnh đó, việc phương Tây có "lôi kéo" được Moscow trở lại hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của Mỹ và liệu "Washington muốn đối phó với Bắc Kinh đến mức độ nào"?