"Không thể nhẫn nhịn" TQ, Nhật có bước tiến mới với Philippines

Hải Võ |

Truyền thông Nhật đánh giá các động thái ủng hộ Philippines ở Biển Đông của nước này nhằm kiềm chế Trung Quốc, trong bối cảnh Tokyo vấp phải nhiều khiêu khích từ Bắc Kinh.

Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) ngày 17/6 đưa tin, chính phủ Nhật Bản đang có ý định ký kết một bản "điều khoản cứu trợ thiên tai" với Philippines, nhằm giúp hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) tại nước này có được sự bảo đảm về mặt pháp lý.

Đây là lần đầu tiên Nhật ký kết một văn kiện có tính chất như trên với nước ngoài.

Về nguyên nhân Philippines là nước "được chọn", báo chí Nhật tiết lộ mục tiêu thực của Tokyo chính là gia tăng sự hiện diện của JSDF tại Biển Đông, từ đó ngăn chặn và kềm hãm các hành vi gây bất ổn của Trung Quốc.

Tờ Sankei của Nhật Bản cho hay, nội dung văn kiện sắp được ký kết sẽ đơn giản hóa trình tự thông quan, cho phép JSDF đưa thiết bị y tế, thực phẩm cùng nhiều vật tư khác vào Philippines, đồng thời liệt kê trình tự pháp luật trong trường hợp JSDF gặp "sự cố ngoài ý muốn".

Theo Sankei, khi Philippines gặp phải "siêu bão" Haiyan năm 2013, Nhật Bản đã điều động 1160 quân nhân hỗ trợ nước này trong công tác cứu hộ.

Theo quy định thông thường, nếu không được LHQ phê chuẩn thì JSDF buộc phải nộp danh sách đăng ký hàng cứu trợ nhập cảnh với Philippines trước khi lên đường.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ)
Đô đốc Harry Harris
Tôi hoan nghênh cơ hội phối hợp chặt chẽ với các tàu và máy bay của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF), cũng như máy bay của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) của Nhật Bản trên khắp khu vực này (Biển Đông-PV). Việc áp đặt (tiềm tàng) một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông sẽ không cản trở được chúng tôi.

Sankei đánh giá, với văn kiện "cứu trợ" mới, Tokyo và Manila không chỉ chuẩn bị ứng phó với các thiên tai mới, mà quan trọng hơn, đây là động thái đẩy mạnh sự hỗ trợ của Nhật đối với Philippines, qua đó kiềm chế hoạt động lấp biển, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cũng theo Sankei, văn kiện này cũng thể hiện quyết tâm của Tokyo trong việc tiến hành viện trợ quân sự cho Manila.

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ hoạt động phòng vệ trên biển của Manila và cho biết sẽ cung cấp tàu tuần tra, hỗ trợ Philippines gia tăng sức mạnh phòng vệ.

Ngoài ra, ngày 23/6 tới đây, Nhật Bản và Philippines sẽ tổ chức tập trận chung ở Biển Đông.

Máy bay của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản giám sát đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Máy bay của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản giám sát đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Động thái cứng rắn hơn của Tokyo đối với Trung Quốc cũng như vấn đề Biển Đông, bên cạnh sự thúc đẩy của Mỹ thì còn do những căng thẳng gần đây "nóng" trở lại ở biển Hoa Đông.

Sankei cho hay, chiếc tàu mang tên Yezhizheng của Sở nghiên cứu địa chất hải dương Trung Quốc hôm 15/6 đã "tiếp tục triển khai hoạt động ở vùng cận hải của đảo Senkaku/Điếu Ngư".

Tờ báo Nhật cũng cáo buộc 3 tàu hải cảnh thuộc Cục hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào tuần tra khu vực 12 hải lý của đảo Senkaku/Điếu Ngư - khu vực mà Nhật và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền - và bị tàu tuần tra của Nhật Bản "đeo bám và giám sát".

Vụ việc này đã khiến chính phủ Nhật phải tuyên bố "phản đối quyết liệt" và yêu cầu Trung Quốc lập tức rút các tàu khỏi vùng biển liên quan. Được biết, các tàu công vụ của nước này đã tuần tra liên tục 13 ngày quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cảnh sát biển Nhật Bản đã tuyên bố "không thể nhẫn nhịn việc tàu khảo sát Trung Quốc không được sự cho phép đã tự ý triển khai hoạt động điều tra trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản".

Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản
Chúng tôi hi vọng sẽ tăng cường liên minh (với Mỹ-PV) để đảm bảo hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

Báo Nhật: TQ "đã lộ đầy đủ ý đồ xâm lược toàn diện"

Trước đó, căng thẳng Trung-Nhật được cho là đã leo thang sau khi thông tin "hải cảnh Trung Quốc muốn lập căn cứ lớn ở Ôn Châu" xuất hiện trên khắp phương tiện truyền thông của Nhật hồi cuối tuần qua.

Ôn Châu là thành phố duyên hải của Trung Quốc đại lục gần với đảo Senkaku/Điếu Ngư nhất. Vì vậy, báo chí Nhật Bản hầu hết đưa ra cùng một kết luận rằng, Bắc Kinh có ý đồ gia tăng hoạt động giám sát đối với Senkaku/Điếu Ngư cũng các tuyên bố chủ quyền của họ tại đây.

Mainichi - một trong những tờ nhật báo lớn nhất Nhật Bản - bình luận, Trung Quốc "đã lộ đầy đủ ý đồ xâm lược toàn diện".

Bình luận trên đã nhận được rất nhiều sự đồng thuận từ dư luận Nhật. Thậm chí, có cư dân mạng kiến nghị "đã đến lúc Nhật Bản đưa Lực lượng phòng vệ lên thường trú đại đảo Senkaku".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại