Tin tặc dường như đã truy cập được thông tin cá nhân của từng nhân viên liên bang khi hệ thống dữ liệu liên bang của Mỹ bị chọc thủng - một trong những vụ việc lớn nhất trong lịch sử nước này.
Mỗi nhân viên liên bang của Mỹ muốn có được chứng nhận trong sạch về mặt an ninh đều phải điền đầy đủ thông tin vào Bản khai chuẩn 86 (SF86), vốn được coi là một quá trình vô cùng mệt mỏi.
Nhiều người cho hay, bản khai này kỹ càng tới mức có người phải điền hết thông tin cho hơn 150 trang.
Những trang thông tin này rất chi tiết, đề cập tới gần như mọi thứ trong cuộc sống của một nhân viên liên bang. Các thành viên gia đình, bạn đời, hàng xóm...
Không chỉ vậy, bản khai còn đào sâu, kiểm tra thông tin cá nhân về mẹ của người khai báo.
Việc chữa trị tâm lý, các khoản nợ, dùng thuốc phiện, lịch sử quan hệ tình dục cũng như sở thích về tình dục cũng được đề cập.
Tuy nhiên, có một thông tin xấu. Đó là bất cứ ai đột nhập vào Văn phòng quản lý nhân sự có thể biết rõ mọi thông tin cần thiết để tống tiền bất kể nhân viên liên bang nào họ muốn.
"Vô cùng đáng sợ nếu ai đó có thể biết vô số thứ về chúng tôi", một cựu ngoại giao gia của Mỹ đề nghị giấu tên nói với Reuters.
Quan chức này đưa ra ví dụ về một quân nhân 51 tuổi đã về hưu. Khi điền vào bản khai an ninh, ông này cho biết có quan hệ ngoài luồng suốt 20 năm với vợ một bạn cùng phòng hồi đi học.
Trong khi quân nhân này tin tưởng trao toàn bộ thông tin về việc ngoại tình cho chính phủ thì ông này không hề tiết lộ với vợ về chuyện lăng nhăng.
Trong khi giới chức Mỹ cho rằng chính phủ Trung Quốc có liên quan tới vụ tấn công mạng, thì nước này vẫn chưa đưa ra bằng chứng nào để khẳng định.
Bắc Kinh phủ nhận việc có dính líu tới vụ tấn công mạng dữ liệu chính phủ Mỹ.