Báo Mỹ mỉa mai kịch bản Trung Quốc là "nạn nhân" trên Biển Đông

Đức Huy |

Tạp chí National Interest dẫn lại bài viết của tác giả Graeme Dobell thuộc Viện Chiến lược Australia cho rằng Trung Quốc đang dựng lên kịch bản mình là "nạn nhân" trên Biển Đông.

Trong hơn một tháng trở lại đây, những màn đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc thường được ví như "hai người điếc nói chuyện", khi mà mỗi bên đều nói rất nhiều nhưng không bên nào "nghe" được bên kia nói gì.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Dobell, cách ví von này có phần không chính xác. Ông cho rằng, Washington vẫn nghe rất rõ Bắc Kinh nói gì và ngược lại, nhưng việc bên này hiểu sai ý bên kia cũng là chuyện "như cơm bữa".

Điều này, theo ông, xuất phát từ bản chất cách tiếp cận vấn đề của Trung Quốc.

Trung Quốc đóng vai... "nạn nhân" (?!?)

Theo nhà báo Dobell, dù "chiến sự" rõ ràng diễn ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn luôn coi việc bành trướng là một phần chính sách đối nội, nhằm bù đắp lại thời kì "bách niên quốc sỉ" trong lịch sử nước này để "yên lòng dân".

Trong tư duy địa chính trị của chính phủ Trung Quốc, khoảng thời gian từ năm 1839 đến 1949 này luôn được Bắc Kinh nhắc đến hòng đề cao dân tộc chủ nghĩa, cũng như tạo ra một cái cớ để coi việc đẩy mạnh tham vọng bành trướng là "việc riêng của Trung Quốc".

Mặc định coi việc bành trướng là một phần chính sách đối nội, Trung Quốc nghiễm nhiên cho mình cái quyền bỏ qua luật pháp quốc tế. Do đó trên Biển Đông, những UNCLOS hay DoC, thực tế mà nói, không có giá trị đối với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo nhà báo Dobell, sự ngang ngược của Trung Quốc lại đi kèm với những phát ngôn kêu ca phàn nàn của chính phủ Bắc Kinh. Ông mỉa mai:

"Trung Quốc đang đóng vai một 'nạn nhân quả cảm' (?!?). Kịch bản trong đầu Bắc Kinh bây giờ là tất cả đều bắt tay chống lại Trung Quốc, nhưng rồi Trung Quốc sẽ là người vươn lên chiến thắng cuối cùng.

Nhưng phải nói rằng với một quốc gia có mưu đồ khẳng định quyền lực như Trung Quốc, nghe giọng điệu của họ bây giờ chẳng khác nào một đứa trẻ đang tự hỏi bản thân: 'Tại sao ai cũng xử tệ với mình thế này?'"

Ông Dobell cho rằng điểm mấu chốt ở đây là việc Trung Quốc lúc nào cũng đau đáu nỗi lo mình là nạn nhân giữa vòng vây các nước luôn muốn phá vỡ kế hoạch của họ.

"Với suy nghĩ như vậy, cũng không ngạc nhiên khi Trung Quốc luôn phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề và trở ngại, với rất nhiều thế lực chống lại họ" - nhà báo này nhận xét.

Còn đối với việc xây dựng và cải tạo trái phép trên các đảo đá thuộc Biển Đông, cộng đồng quốc tế ai cũng hiểu rằng đây rõ ràng là những hành vi bành trướng phục vụ mục đích cá nhân của chính phủ Bắc Kinh, còn việc "yên lòng dân" âu cũng chỉ là cái cớ.

Cách hiểu theo kiểu "nạn nhân"

Theo ông Dobell, khi Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản nhấn mạnh việc bảo vệ quyền tự do đi lại và luật hàng hải, "nạn nhân" Trung Quốc lại hiểu rằng đây là một động thái kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, một suy nghĩ từ lâu đã đeo đuổi chính phủ nước này.

Nhà nghiên cứu chính sách Trung Quốc
Tạ Diễm Mai
Giới địa chính trị Bắc Kinh dường như vẫn bị "ám ảnh" bởi suy nghĩ rằng Mỹ sinh ra là để kìm hãm Trung Quốc, rằng mỗi chính sách Mỹ đặt ra cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều mang trong nó một điều gì đó bất lợi đối với Trung Quốc.

Còn với mỗi Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á - Thái Bình Dương Shangri-La, theo Giáo sư Quan hệ Quốc tế Evelyn Goh thuộc Đại học Quốc gia Australia, "nạn nhân" Trung Quốc lại coi đó là một buổi "tụ tập" của các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Cuối bài phân tích, nhà báo Dobell nhắc lại cái gọi là "quan hệ cường quốc kiểu mới" giữa Trung Quốc và Mỹ mà Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh trong năm 2014. Theo mô hình này, Trung Quốc và Mỹ sẽ không "giẫm chân" nhau trong các vấn đề quốc tế.

Theo ông Dobell, việc Mỹ tuyên bố không theo phe nào trong vấn đề chủ quyền Biển Đông mà thay vào đó mối quan tâm hàng đầu của Washington là quyền tự do đi lại đã khiến Bắc Kinh như "mở cở trong bụng" và tin rằng Mỹ đang làm theo mô hình họ đề ra.

Nhưng ông chỉ ra rằng ở điểm này, Trung Quốc dường như đã ngộ nhận. Theo nhà báo này, sẽ không có chuyện Hải quân Mỹ, mà cụ thể là Hạm đội 7, để cho Trung Quốc quyền tự do "muốn làm gì thì làm" ở Biển Đông.

"Trong lịch sử, Hạm đội 7 hay rộng hơn là Hải quân có tiếng nói rất lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả những Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương từ trước đến nay của Mỹ đều là người của Hải quân" - ông Dobell cho biết.

Nhà báo này "khuyên" để tránh tiếp tục ngộ nhận, Trung Quốc nên đọc lại bài diễn văn của Đô đốc Harry Harris hồi tháng 3 năm nay, khi ông tỏ thái độ cứng rắn trước những hành vi bành trướng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris phát biểu tại Diễn đàn ASPI. Ảnh: AP

Đô đốc Harry Harris phát biểu tại Diễn đàn ASPI. Ảnh: AP

Trong bài diễn văn này, Đô đốc Harris đã kịch liệt lên án cái gọi là "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép.

Thú vị là ở chỗ, khi Đô đốc Harris đọc bài diễn văn lên án Trung Quốc này, ông giữ chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương.

Còn bây giờ, ông đã là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại