Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng "tua lại" luận điệu "muôn thuở" mà nước này vẫn dùng để ngụy biện cho hành vi phi pháp của mình:
"Việc xây dựng ở quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam-PV) là vấn đề trong phạm vi chủ quyền Trung Quốc.
Hoạt động này là hợp pháp, hợp lý, hợp tình, không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào và không hề ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải, hàng không của các nước trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc cũng không phá hoại môi trường sinh thái ở Biển Đông và không thể bị chỉ trích về điều này."
Lục Khảng cũng ngang ngược tuyên bố về việc Trung Quốc sắp hoàn thành hoạt động cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
Ông này thậm chí không ngần ngại che giấu Bắc Kinh sẽ có hoạt động quân sự tại đây và bao biện bằng vỏ bọc "phục vụ hoạt động dân sự".
"Căn cứ theo kế hoạch tác nghiệp, một số dự án cải tạo (phi pháp - PV) các công trình trên đảo đá ở quần đảo Trường Sa sẽ được hoàn thành trong thời gian tới.
Trung Quốc tiến hành cải tạo (phi pháp - PV) ở quần đảo Trường Sa nhằm đáp ứng 'nhu cầu phòng thủ quân sự thiết yếu'.
Bên cạnh đó, mục tiêu chính là để phục vụ nhu cầu dân sự như cứu hộ trên biển, phòng chống thiên tai, nghiên cứu hải dương, quan sát khí tượng..." - Lục Khảng trắng trợn tuyên bố.
Nguy hiểm hơn, Bắc Kinh đã tuyên bố bước tiếp theo sau khi hoàn thành "dự án cải tạo trên bộ", nước này sẽ "triển khai cơ sở hạ tầng và thiết bị để đáp ứng các chức năng liên quan".
Chưa rõ những "cơ sở hạ tầng" mà nước này chuẩn bị triển khai bao gồm những gì, nhưng mới hồi cuối tháng 5, Mỹ đã chụp được hình ảnh 2 khẩu pháo cơ giới xuất hiện trên một trong những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép.
Mới đây, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ - đã nêu rõ Việt Nam quan ngại về diễn biến phức tạp ở Biển Đông hiện nay.
Đặc biệt, hoạt động cải tạo và xây dựng trái phép quy mô lớn của Trung Quốc làm thay đổi tính chất tự nhiên của một số cấu trúc ở Biển Đông, phá hủy môi trường và hệ sinh thái biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.
Đại sứ khẳng định lập trường của Việt Nam rằng các tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.