Hãng tin Nga Interfax dẫn lời tướng Yuri Yakubov, một quan chức Bộ Quốc phòng Nga nhận định:
"Nếu các trang thiết bị quân sự hạng nặng của Mỹ, bao gồm xe tăng, pháo binh và các thiết bị khác thực sự xuất hiện ở những quốc gia Đông Âu và Baltic, thì đó sẽ là bước đi hung hăng nhất của Lầu Năm Góc và NATO kể từ Chiến tranh Lạnh".
"Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai lực lượng và nguồn lực của mình tại mặt trận chiến lược phía Tây".
Theo ông Yakubov, điều đó có thể bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ triển khai tên lửa Iskander tới Kaliningrad và tăng cường lực lượng của Nga ở Belarus.
"Chúng tôi hoàn toàn có quyền tiến hành các biện pháp trả đũa, nhằm củng cố khu vực biên giới phía Tây".
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin từ chối bình luận với lý do chưa có tuyên bố chính thức từ chính phủ Mỹ.
Những động thái này từ phía Nga diễn ra sau khi hãng tin Mỹ New York Times đã dẫn lời một số quan chức nước này hôm 13/6 cho hay, Mỹ đang cân nhắc đưa vũ khí hạng nặng và khoảng 5.000 binh lính tới các quốc gia Đông Âu và Baltic.
Theo New York Times, các quốc gia đó là Estonia, Latvia, Lithuania, Bulgaria, Ba Lan, Romania và có thể Hungary, với mục tiêu củng cố mối liên kết giữa Mỹ với đồng minh Đông Âu và đề phòng Nga.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren, khẳng định Mỹ "vẫn chưa có quyết định cụ thể" về việc có đưa vũ khí hạng nặng tới Đông Âu và Baltic hay không, và nếu có thì khi nào sẽ tiến hành.
Dù vậy, nguồn tin giấu tên của New York Times tiết lộ, kế hoạch nói trên sẽ được xem xét thông qua trước khi cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO diễn ra ở Brussels (Bỉ) trong tháng này.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak đang sốt sắng muốn Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong vòng vài tuần tới.
"Họ biết điều đó quan trong với chúng tôi thế nào, bởi chúng tôi muốn có được sự hiện diện thường trực của Mỹ, một đồng minh quân sự ở đây, trên lãnh thổ Ba Lan.
Với tôi, những cơ sở, nhà kho chứa trang thiết bị như vậy là một bước đi rất quan trọng để xây dựng sự hiện diện đó".
Theo báo Nga Moscow Times, kế hoạch này của Mỹ có thể sẽ gây ra bất đồng trong nội bộ NATO, khi mà từ trước, Đức cùng một số quốc gia thành viên đã phản đối sự hiện diện thường trực của quân đội NATO ở Đông Âu.