Sau Nga, Kim Jong Un sắp giáng đòn "đau" vào Bắc Kinh?

Hải Võ |

Sau khi bất ngờ hủy bỏ việc dự lễ duyệt binh tại Moscow hồi tháng 5, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được cho là có thể "tái diễn" điều này với người láng giềng Trung Quốc.

Đài tiếng nói Đức (Deutsche Welle) cho hay, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến sẽ không tham gia đại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít do Bắc Kinh tổ chức vào ngày 3/9.

Một quan chức Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 12/6 trả lời hãng thông tấn Đức Deutsche Presse-Agentur (DPA) về việc ông Kim có nhận lời mời của Bắc Kinh hay không đã cho biết: "Công việc của nguyên soái (Kim Jong Un-PV) rất bận rộn".

Theo đó, trong vai trò Tư lệnh tối cao của lực lượng vũ trang Triều Tiên, ông Kim Jong Un đang bận rộn chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày kết thúc thời kỳ thực dân của Nhật vào tháng 8 và ngày thành lập đảng Lao động vào 10/10.

Theo DW, quan chức này cũng thẳng thừng thừa nhận, quan hệ Trung-Triều giai đoạn hiện tại "không tốt đẹp lắm". Bình Nhưỡng tỏ ra bất mãn với việc Bắc Kinh ủng hộ các hành động trừng phạt gần đây của quốc tế đối với nước này.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có kế hoạch tới vùng Viễn Đông vào đầu tháng 9, tham dự lễ duyệt binh ở Khabarovsk kỷ niệm 70 năm ngày Hồng quân Liên Xô lên đường kháng Nhật tại Trung Quốc và Triều Tiên.

Tại Khabarovsk, ông Kim Jong Un cũng sẽ được mời tham dự nghi thức đặt bia kỷ niệm lữ đoàn 88 - đơn vị bộ đội của lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành. Trang Đa Chiều đánh giá, đây có thể là nguyên nhân cốt lõi khiến ông Kim không thể tới Bắc Kinh.

Bộ ngoại giao Trung Quốc từng khẳng định "chào đón tất cả các nước có thiện chí tham gia" tới lễ duyệt binh và đại lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào tháng 9.

Triều Tiên là quốc gia tham gia kháng chiến chống phát xít trong Thế chiến II, vì vậy bất kể Bắc Kinh có thất vọng hay lạnh nhạt với Bình Nhưỡng, thì lãnh đạo Kim Jong Un chắc chắn vẫn nhận được lời mời tới lễ duyệt binh.

Duyệt binh mừng Quốc khánh Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn năm 2014. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Duyệt binh mừng Quốc khánh Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn năm 2014. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Đa Chiều: Kim Jong Un có đến Bắc Kinh hay không "không quan trọng"

Theo Đa Chiều, Triều Tiên liên tiếp bị Mỹ và đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Trong khi đó, lập trường của Bắc Kinh vẫn luôn là giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Việc Triều Tiên trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, theo Trung Quốc, sẽ trở thành "quả bom nổ chậm" ngay trước "cửa nhà" mà Bắc Kinh không thể kiểm soát nổi.

Nhưng điều khiến Trung Quốc sợ hãi hơn là, động thái của Bình Nhưỡng sẽ cho liên minh Mỹ-Nhật-Hàn có lý do chính đáng để tăng cường và leo thang sự hiện diện của vũ khí hạt nhân phương Tây tại Đông Bắc Á.

Đa Chiều cho rằng điều này mới là nguyên nhân chính Bắc Kinh trở thành nước khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ các vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, và cũng là động lực để nước này bỏ phiếu tán thành trừng phạt Bình Nhưỡng tại LHQ.

Về phía Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong Un đã cứng rắn tiếp tục chương trình hạt nhân kể từ khi ông lên nắm quyền.

Bình Nhưỡng cũng được cho là đã tiến hành một số vụ thanh trừng quan chức cấp cao, điển hình là vụ ông Jang Song Thaek, hay mới đây là Bộ trưởng quốc phòng Hyon Yong Chol, khiến Bắc Kinh lo ngại về sự khó đoán và bất ổn của ông Kim.

Đa Chiều nhận xét Triều Tiên hiện tại "không phải là đối tượng lý tưởng để Trung Quốc xây dựng quan hệ tốt đẹp".

Do đó, nếu Kim Jong Un không tới Bắc Kinh thì đây có thể chính là kết quả mà Trung Quốc mong muốn.

Đa Chiều suy đoán, Trung Quốc có thể đã tính tới việc "giữ thể diện" cho Triều Tiên và cũng do bối cảnh lịch sử Thế chiến II nên đã gửi lời mời tới ông Kim.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng nhận thấy dấu hiệu Kim Jong Un sẽ không nhận được sự đãi ngộ "đặc thù và cao cấp", và hiểu rằng "không đến Bắc Kinh mới là chính xác".

Kim Jong Un có khả năng không tới Bắc Kinh nhưng sẽ gặp Putin tại Nga vào tháng 9?

Kim Jong Un có khả năng không tới Bắc Kinh nhưng sẽ gặp Putin tại Nga vào tháng 9?

Lý do Kim Jong Un sẽ không muốn "giáp mặt" Tập Cận Bình?

Theo Đa Chiều, điều quan trọng gây nên sự "ngượng ngùng" giữa lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc chính là vấn đề hạt nhân.

Bên cạnh thái độ không nhún nhường của song phương về vấn đề này, Triều Tiên mặt khác vẫn hy vọng khôi phục quan hệ thân thiết với Trung Quốc và nhận được nhiều sự viện trợ từ Bắc Kinh.

Vì vậy, khả năng Trung Quốc chấp nhận cho Triều Tiên "không gian phát triển hạt nhân" cũng như phản ứng tích cực của nước này chính là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc Kim Jong Un có muốn đến Bắc Kinh hay không?

Nếu ông Kim tham dự lễ duyệt binh tại Khabarovsk thì điều này sẽ không thể trở thành cái cớ cho sự vắng mặt tại Bắc Kinh. Những lý do như "sự vụ quốc gia bận rộn, sức khỏe không tốt..." càng không thể trở thành lý do hợp lý.

Một số chuyên gia lạc quan nhận định, Trung Quốc thực tế vẫn có ý định cải thiện quan hệ lạnh nhạt lâu nay với Triều Tiên, bằng chứng là đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Lý Tiến Quân mới đây đã kết luận ông Kim Jong Un "rất có khả năng sẽ tới duyệt binh ở Bắc Kinh".

Đa Chiều cũng đánh giá, có thể Bình Nhưỡng cũng đang tìm kiếm cơ hội thỏa thuận với Bắc Kinh giống như những gì nước này đã làm với Nga. Nhưng điều khiến dư luận quốc tế quan tâm là, liệu Trung Quốc có đủ kiên nhẫn để "chiều" theo cuộc chơi của Triều Tiên hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại