Biển Đông: Nhật Bản "giương đông kích tây", Trung Quốc cay cú

Đức Huy |

Trong một bài phân tích đăng trên The Diplomat, chuyên gia Shannon Tiezzi nhận định sự can thiệp của Nhật Bản vào các vấn đề Biển Đông đang khiến Trung Quốc "đứng ngồi không yên".

Nhật Bản muốn "đánh lạc hướng" Trung Quốc

Theo bà Tiezzi, có thể thấy rõ Nhật Bản đang có dấu hiệu sẽ can dự khá sâu vào tình hình Biển Đông, đặc biệt là trong năm nay.

Cụ thể, chỉ trong một tháng trở lại đây, Tokyo đã kí kết hiệp ước hợp tác quốc phòng với Philippines, tham gia liên minh quân sự với Australia và Ấn Độ, đồng thời tuyên bố sẽ xem xét khả năng tham gia tuần tra Biển Đông bên cạnh đồng minh Mỹ.

"Những động thái nói trên cho thấy chính phủ Shinzo Abe đang muốn khẳng định sự hiện diện của mình trên Biển Đông, và điều này rõ ràng không thể khiến Bắc Kinh hài lòng" - chuyên gia này nhận định.

Phía Trung Quốc cho rằng Nhật Bản không hề có bất kì lợi ích quốc gia nào để bảo vệ trên Biển Đông, do đó những can thiệp của Tokyo tại đây là không có cơ sở.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tiếp tục "lý sự cùn" khi không công nhận lý do chính mà Nhật Bản (cũng như đồng minh Mỹ) đưa ra để giải thích cho những can thiệp của mình trên Biển Đông, đó là bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển.

Đồng quan điểm với chính phủ Tập Cận Bình, trong một bài viết đăng trên trang Financial Times phiên bản tiếng Trung, học giả Trung Quốc Xue Li cho rằng lo ngại của Nhật Bản về quyền tự do đi lại trên Biển Đông chỉ là "vỏ bọc" nhằm đánh lạc hướng.

"Mục đích chính của Nhật Bản là giữ được tầm ảnh hưởng chính trị tại Biển Đông cũng như khẳng định lập trường của mình tại biển Hoa Đông" - ông Xue nhận định.

Một bài báo đăng trên Tân Hoa Xã (THX) trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-7 cũng đưa ra nhận định tương tự, trong đó dự kiến Nhật Bản sẽ "bao phủ hội nghị G-7 với lập trường chống Trung Quốc" của mình, nhưng sẽ không đem lại hiệu quả.

"Mọi ý đồ gây dựng một liên minh 'chống Trung Quốc' của [ông Abe] sẽ không có tác dụng" - bài báo nhấn mạnh. THX giải thích rằng các quốc gia G-7 như Đức và Anh sẽ ưu tiên việc đẩy mạnh quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc hơn là tham gia vào vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, những gì diễn ra tại G-7 đã đi ngược lại hoàn toàn so với dự đoán của THX, sau khi các bên tham gia ra tuyên bố chung về Biển Đông với những chi tiết bất lợi cho Trung Quốc, khiến nước này nóng mặt và lập tức chĩa mũi dùi công kích Nhật Bản.

Trung Quốc hứng đòn nặng từ G7 về vấn đề Biển Đông

Trung Quốc cay cú: "Nhật Bản 'không có quyền lên tiếng'"

Hôm 12/6 vừa qua, trả lời phỏng vấn báo chí trong nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tiếp tục lên tiếng cáo buộc những động thái "bất thường" của Nhật Bản tại Biển Đông.

"Nhật Bản không phải là một bên liên quan đến vấn đề Biển Đông. Những gì họ làm đang tạo căng thẳng tại đây cũng như đi ngược lại với nỗ lực cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc".

Theo bà Tiezzi, cách đáp trả này khá giống với những luận điệu "cùn" mà Trung Quốc đã từng sử dụng trước đó với Mỹ, khi Bắc Kinh phản đối lý do Washington đưa ra cho việc điều động tàu và máy bay tuần tra trên Biển Đông.

Trung Quốc ngụy biện rằng Nhật Bản "không hề có bất kì lợi ích quốc gia nào để bảo vệ" trên Biển Đông, qua đó phủ nhận đóng góp chính đáng của Tokyo trong gìn giữ hòa bình và tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi có nhiều đảo đá bị Bắc Kinh chiếm đoạt phi pháp.

Sự tức tối của Trung Quốc còn được thể hiện rõ hơn với phát biểu rằng chính phủ ông Abe không có quyền lên tiếng về vấn đề chủ quyền trong khi chính Tokyo đang có những "tội lỗi lịch sử" chưa được giải quyết.

"Chúng tôi khuyên Nhật Bản, đất nước vẫn đang nợ những nạn nhân của thảm họa chiến tranh do họ gây ra một lời xin lỗi chân thành, cần làm đúng trách nhiệm gìn giữ ổn định và an ninh khu vực thay vì nêu lập trường ở Biển Đông" - một bài phân tích trên THX viết.

Nặng nề hơn, một bài báo khác đăng trên THX sau Hội nghị G-7 còn nói "một người viết lại lịch sử trắng trợn như ông Abe... không có quyền lên tiếng về việc tôn trọng luật pháp".

Bài này nói thêm, ông Abe đang liên tục nhắc đến "mối đe dọa từ Trung Quốc" ở Biển Đông vì hai lý do: làm dày thêm chương trình nghị sự an ninh của Nhật Bản, và đánh lạc hướng dư luận khỏi việc Thủ tướng Nhật liên tục né tránh không xin lỗi về thảm họa chiến tranh.

Nhưng nếu xét đến những phản ứng từ phía Trung Quốc, có thể nói chính Bắc Kinh mới là bên đang tìm cách "đánh trống lảng", khi họ xoáy vào công kích cá nhân ông Abe thay vì đưa ra một lời giải thích chính đáng cho mưu đồ bành trướng phi pháp của mình.

Những màn bao biện không hề liên quan của Trung Quốc còn được thể hiện rõ hơn trong một diễn biến khác. Cụ thể, tranh chấp trên biển Hoa Đông trong thời gian gần đây đã có dấu hiệu dịu đi, khi mà truyền thông Trung Quốc gần như không hề đưa tin về khu vực này.

Nhưng sau khi bị giáng một đòn đau từ Nhật Bản và G-7 về vấn đề Biển Đông, các tờ báo đảng Trung Quốc gần như ngay lập tức "lôi" biển Hoa Đông vào cuộc và dấy lên làn sóng chỉ trích chính sách của Tokyo.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong sự tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: AP
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong sự tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: AP

Họ cho rằng Nhật Bản đang "giương đông kích tây", gây tiếng xấu về Trung Quốc tại Biển Đông để giành lợi thế về mặt hình ảnh trong tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông.

Tóm lại, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục phủ nhận quyền được can thiệp của các nước không tuyên bố chủ quyền trên các đảo đá ở Biển Đông, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, vì lo ngại phải đối đầu với các cường quốc này.

Thay vào đó, Bắc Kinh cho rằng chỉ có họ và các nước ASEAN mới có quyền phát biểu về các vấn đề Biển Đông.

Nhưng những ai "nắm tẩy" được Trung Quốc đều thừa hiểu rằng để các nước nhỏ "có quyền phát biểu" là một chuyện, còn việc Bắc Kinh có lắng nghe hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.

Chỉ biết rằng trong thời điểm hiện tại, qua những phản ứng đầy cay cú từ Bắc Kinh trong tuần vừa qua, có thể thấy sự tăng cường hiện diện của thêm một thế lực như Nhật Bản trên Biển Đông đang khiến Trung Quốc không khỏi "toát mồ hôi hột".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại