Châu Âu cảnh giác với tham vọng vươn vòi của Trung Quốc

Nhàn Đàm |

Người Trung Quốc đang đạt được thành tựu bước đầu trong việc thiết lập dự án Con đường tơ lụa, lấy cảm hứng từ tuyến đường thương mại lừng danh thời cổ đại xuyên qua hai châu lục Á Âu.

Sau gần hai năm kể từ khi công bố, dự án có quy mô khổng lồ này cũng đã có người đầu tiên hưởng ứng, đó là Hungary.

Cuối tuần qua, đất nước Trung Âu này đã là quốc gia đầu tiên ký vào dự án Con đường tơ lụa do Trung Quốc khởi xướng, một động thái sẽ đem lại cho Hungary nhiều tỷ USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thương mại như một mắt xích trong chuỗi kết nối tuyến thương mại Á Âu mà Trung Quốc đang hướng đến.

Nhưng phía sau bức màn hấp dẫn đầy hào quang này thực sự là gì?

Việc một quốc gia Trung Âu không có quá nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí chiến lược cũng như ưu thế về thị trường như Hungary trở thành quốc gia đầu tiên ký vào dự án Con đường tơ lụa của Trung Quốc đã trở thành đề tài thu hút sự chú ý của giới học giả trên thế giới những ngày qua.

Vì sao đó lại là Hungary chứ không phải là những quốc gia khác, như Đức - quốc gia có đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc, hay Nga - một trong những nước được hưởng lợi nhất khi dự án Con đường tơ lụa đi vào hoạt động sẽ kết nối Á Âu mà Nga là trung điểm.

Việc các quốc gia tiềm năng nhất trong việc ký vào dự án Con đường tơ lụa chưa có động thái rõ rệt, là có lý do của nó.

Lý do chủ yếu, dự án Con đường tơ lụa mà Trung Quốc khởi xướng và đang cố gắng thuyết phục các quốc gia trên thế giới tham gia quá mù mờ và không rõ ràng.

Nó gần như một chuỗi các hiệp định tự do thương mại giữa các nước tham gia vào tuyến đường thương mại này, theo đó các vấn đề về bảo hộ và thuế quan cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Điều này đòi hỏi các quốc gia phải tính toán kỹ lưỡng và điều chỉnh mức thuế quan và bảo hộ của mình trước khi quyết định có tham gia vào dự án này hay không.

Và thực tế là Bắc Kinh đang có xu hướng ép các quốc gia phải gỡ bỏ hàng rào thuế quan và bảo hộ với hàng hóa trong nước khi tham gia dự án này, vốn là điều rất có lợi cho các tập đoàn Trung Quốc và có hại cho các doanh nghiệp bản địa.

Bản thân việc Trung Quốc đề ra mục tiêu đối với dự án con đường tơ lụa, là đạt được mức 2500 tỷ USD giá trị thương mại hàng năm vào cuối thập kỷ, cũng đã cho thấy tính một chiều của dự án, trong đó Trung Quốc hướng đến việc mở rộng xâm nhập thương mại vào các thị trường mới.

Theo ước tính, các tập đoàn Trung Quốc ở thời điểm hiện tại chỉ đạt được khoảng 4% doanh thu từ các khoản đầu tư ở nước ngoài, nhưng khi con đường tơ lụa đi vào hoạt động, mức này có thể tăng lên từ 10 đến 15%.

Khả năng sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc đang được xem là dư thừa và vượt quá tổng cầu của thị trường trong nước, đang rất muốn tìm kiếm những thị trường mới có mức bảo hộ và thuế quan thấp.

Đó là lý do Bắc Kinh luôn đặt yêu cầu gỡ bỏ rào cản thuế quan và bảo hộ thương mại với các quốc gia muốn gia nhập dự án Con đường tơ lụa. Dĩ nhiên là ít có quốc gia nào chấp nhận điều kiện vô lý ấy.

Hungary là quốc gia hiếm hoi chấp nhận những điều kiện lợi bất cập hại ấy, do nước này là một trong những quốc gia ít nhận được các khoản đầu tư từ EU nhất trong liên minh châu Âu, đến mức thủ tướng Viktor Orban đã từng tuyên bố rằng “khu vực đồng tiền chung gần như không hỗ trợ gì trong việc đầu tư vào Hungary”.

Để có được những khoản đầu tư cần thiết để phát triển kinh tế, Hungary không còn cách nào khác là buộc phải chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo và phải trả một giá đắt từ phía Trung Quốc.

Hai nguyên nhân chủ đạo khác khiến cho đến giờ vẫn không nhiều nước châu Âu mặn mà với việc ký vào dự án Con đường tơ lụa của Trung Quốc, là việc Trung Quốc lồng ghép vấn đề chính trị vào dự án, và những hậu quả kinh tế từ dự án này.

Trung Quốc hiện đang đầu tư vào việc xây dựng hạ tầng khá nhiều dự án ở châu Âu, như các cảng biển Hy Lạp hay tuyến đường sắt cao tốc Belgrade và Pudapest. Và Trung Quốc đã không ngần ngại loại bỏ các nhà sản xuất địa phương ra khỏi các dự án, thay vào đó là các nhà sản xuất và nhân công đến từ Trung Quốc.

Điều này đang dẫn tới những hậu quả kinh tế và chính trị nghiêm trọng tại các vùng đang diễn ra dự án của các quốc gia này.

Nó đang cướp đi công ăn việc làm của người dân địa phương, trong khi việc một số lượng lớn nhân công đến từ Trung Quốc cũng gây ra những tác động xã hội không nhỏ.

Nhưng quan trọng hơn, là việc Trung Quốc đang cố gắng ghép những vấn đề chính trị vào dự án. Các nước muốn tham gia dự án Con đường tơ lụa sẽ phải chấp nhận 5 nguyên tắc do Trung Quốc đề ra, có thể kể đến như “không xâm lược lẫn nhau” và “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.

Những quốc gia chấp thuận những nguyên tắc này sẽ không được phép lên tiếng về những vấn đề mà Trung Quốc coi là của riêng họ.

Bất cứ quốc gia châu Âu nào ký vào dự án này cũng sẽ đối mặt với việc đón nhận những hậu quả to lớn từ phía EU, và đó đang là điều mà Hungary đang phải đối mặt.

Với việc đưa ra nguyên tắc dính dáng đến chính trị như thế này, cơ hội để các quốc gia chủ chốt của liên minh châu Âu ký vào dự án Con đường tơ lụa gần như là điều không thể xảy ra.

Nói cách khác, ẩn sau vẻ bề ngoài hào nhoáng thì thực tế đằng sau dự án Con đường tơ lụa đang là những hệ quả lợi bất cập hại cho các quốc gia lỡ tay ký vào bản dự án này.

Lợi ích mà dự án này đem lại cho các quốc gia đang nhỏ hơn nhiều so với những thiệt hại mà nó mang đến. Chỉ trừ một số ít quốc gia đang ở vào tình thế chẳng đặng đừng và buộc phải chấp nhận như Hungary, còn thì gần như sẽ chẳng có quốc gia nào trên thế giới lại chấp nhận tham gia vào một dự án lợi bất cập hại như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại