Báo chí Trung Quốc và quốc tế đưa tin hôm 21-7, ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), cựu quan chức cao cấp đồng thời là một cố vấn chính trị Trung Quốc, chính thức bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị truy tố vì các cáo buộc nhận những khoản hối lộ khổng lồ, chiếm đoạt nhiều bí mật quan trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, vi phạm kỷ luật và pháp luật.
Nhìn vào chiến lược chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi” của chính quyền Tập Cận Bình, không nhiều người ngạc nhiên về sự kiện “ngã ngựa” của ông Lệnh.
Cú ngã ngựa lần này đánh dấu chấm hết cho cả một chuỗi hiệu ứng domino không chỉ riêng bản thân ông Lệnh Kế Hoạch mà cả một “tập đoàn” nhà họ Lệnh sụp đổ.
Từ công nhân thành chánh văn phòng trung ương
Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) thông tin chi tiết về sự nghiệp của Lệnh Kế Hoạch.
Theo đó, ông Lệnh sinh năm 1956 tại Sơn Tây, cũng được biết đến là thành viên của Sơn Tây hội - một trong ba phe phái chính trị lớn nhất nắm quyền chi phối nội bộ Trung Quốc mà sau này nằm trong tầm ngắm “triệt hạ phe phái” của chính quyền Tập Cận Bình.
Trước khi gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1976, ông Lệnh từng là một đoàn viên “hạ phóng”, được thuyên chuyển làm công nhân nhà máy in tại huyện Bình Lục, Sơn Tây.
Trong giai đoạn này, ông Lệnh vừa làm kế toán và đồng thời nắm giữ chức vụ phó thư ký Ủy ban Thường vụ Đoàn thanh niên Cộng sản huyện Bình Lục; sau đó trở thành thành viên Ủy ban Thường vụ Đảng Cộng sản huyện Vận Thành, Sơn Tây.
Sau khi tốt nghiệp ngành chính trị tại ĐH China Youth University năm 1985, tiếp đó nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH Hồ Nam năm 1996, ông Lệnh được tiến cử và kinh qua nhiều chức vụ khác nhau tại Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Kể từ năm 2002, sự nghiệp của Lệnh Kế Hoạch “thăng hoa” khi ông nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị Trung Quốc, điển hình như thành viên ban thư ký, chánh Văn phòng Trung ương đảng Trung Quốc, phó chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Giai đoạn này ông Lệnh nắm giữ vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin, lên dự thảo ban hành và thực thi nhiều chính sách quan trọng; giám sát việc thực hiện các chỉ thị và chính sách quan trọng của nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.
Với vai trò thân tín, là “cánh tay đắc lực” của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng với một sự nghiệp chính trị tương đối “đình đám”, ông Lệnh từng được xem là “sắp chạm đến” vị trí thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội đảng Trung Quốc lần thứ 18.
Nếu điều này xảy ra, ông Lệnh có thể đã “ngồi” vào những chiếc ghế quan trọng trong bộ máy nhà nước mà ông Tập Cận Bình trước đây từng đảm nhiệm, trong đó có vị trí phó chủ tịch nước trước khi ông Tập trở thành chủ tịch Trung Quốc.
Từ “thượng vàng” xuống “hạ cám”
Không thể “leo” cao hơn trong sự nghiệp chính trị, ông Lệnh Kế Hoạch bắt đầu có dấu hiệu “ngã ngựa” từ năm 2012 - thời điểm chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi” của Tập Cận Bình đang trở nên rầm rộ.
Sự kiện đầu tiên là việc con trai của ông Lệnh bị tai nạn giao thông khi đang lái một chiếc xe sang trọng chở theo hai cô gái ăn mặc “thiếu vải”.
Ông Lệnh sau đó bị cáo buộc che đậy cho vụ bê bối của con mình.
Chính vì thế, thay vì trở thành một ứng viên sáng giá của chiếc ghế trong Bộ Chính trị Trung Quốc vào cuối năm 2012, ông bị giáng chức, bổ nhiệm vào vị trí kém quyền lực hơn, là trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, phụ trách các đảng phái chính trị khác, các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số.
Không bao lâu sau (12-2014), ông Lệnh bị điều tra về hành vi tham nhũng.
Liên tiếp sau đó (7-2015), hãng Tân Hoa xã dẫn kết quả điều tra cho biết ông Lệnh bị cáo buộc vi phạm kỷ luật đảng như nhận hối lộ, quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ, tiết lộ bí mật quốc gia và lạm quyền hòng giúp người thân thu lợi bất chính.
“Tất cả việc làm của ông Lệnh làm xấu đi hình ảnh của đảng cũng như gây tác động nghiêm trọng tới xã hội” - Tân Hoa xã nhấn mạnh.
Không những ông Lệnh Kế Hoạch mà cả “tập đoàn” họ Lệnh (có bốn anh em, anh cả đã qua đời) đều lần lượt rơi vào vòng vây chống tham nhũng của chính quyền Bắc Kinh.
Người anh Lệnh Chính Sách (Ling Zhengce), 62 tuổi, cựu phó chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân tại tỉnh Sơn Tây, cũng bị bắt hồi tháng 6-2014; người em trai Lệnh Hoàn Thành (Ling Wancheng) bị bắt ngay sau khi trở về từ Mỹ hồi tháng 10-2014.
Đó là chưa kể hàng loạt người trong gia đình dòng họ Lệnh (vợ, em rể...) cũng lần lượt bị bắt và định tội. Gia đình họ Lệnh trở nên “ảm đạm” hơn bao giờ hết.
“Bàn tay sắt” vẫn sẽ tiếp tục “đánh hổ”
Từ khi ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi”, đã có hàng ngàn quan chức và cựu quan chức trong chính quyền Trung Quốc bị bắt giữ và cáo buộc với tội danh tham nhũng.
Chiến dịch “săn lùng” này đã trải rộng từ những quan chức địa phương đến cả những cái tên cộm cán trong Bộ Chính trị Trung Quốc, như cựu Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu.
Thế nên việc Lệnh Kế Hoạch với hàng loạt hành vi tham nhũng bị sa lưới cũng nằm trong tầm dự báo, bất chấp Lệnh là cố vấn đắc lực của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Trả lời hãng tin CNN, ông Andrew Wedeman, Giám đốc chương trình Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc tại ĐH Georgia (Mỹ), cho biết: “Ông Tập đang cố tái thiết quyền kiểm soát tập trung của đảng vốn bị suy giảm dưới thời của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Đây không phải là một cuộc săn lùng bừa bãi mà là cả một chiến dịch mang tính chính trị rất cao”. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình giờ đây không chỉ đánh từng cá nhân riêng lẻ.
Đánh những con cá to, bắt những “mẻ lưới” lớn, ông Tập đang muốn thanh trừng cả một hệ thống bè phái để thống nhất quyền lực.
Cả 25 ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố thẳng thừng rằng Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho bất kỳ quan chức nào “kết bè kéo cánh” theo kiểu phe nhóm chính trị để trục lợi cá nhân.
BáoSouth China Morning Postđưa tin Tân Hoa xã đã xác định được những thành viên trụ cột của “phe thư ký”, “phe dầu khí” và “Sơn Tây hội” - phe phái mà ông Lệnh Kế hoạch là một trong những “chủ hội”.
Theo hãng tin BBC, bước đi “đả hổ” mới nhất này cho thấy ông Tập Cận Bình đã bảo vệ vị thế của mình an toàn đến mức không ngán ngại gì việc hạ bệ một thân tín của cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào.
Nói cách khác, quyền lực của ông Tập đã đủ lớn để không phải lo ngại trước sức ảnh hưởng chính trị người tiền nhiệm.
Martin Patience, cây viết của BBC tại Bắc Kinh, ví von chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập có “nanh thật, vuốt thật” và dường như không còn bất kỳ ai, dù có “cao cấp” đến mấy, là bất khả xâm phạm.
Vậy nên sau ông Lệnh, chắc chắn “bàn tay sắc” của chính quyền Bắc Kinh sẽ tiếp tục rà soát và xử lý những cái tên dính bóng đen tham nhũng.
“Không còn vùng an toàn”
Ông Bo Zhiyue, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại New Zealand, trong bài viết đăng năm 2014 trên tờ The Diplomat từng nhận định rằng “không còn ai được an toàn” trước chiến dịch chống tham nhũng.
Theo phân tích của ông Zhiyue, từng tồn tại một luật bất thành văn về một “vùng an toàn” trong chính trường Bắc Kinh.
Những quan chức nào cho đăng tải bài viết ủng hộ hoặc cùng xuất hiện với lãnh đạo, hoặc tham dự một sự kiện chính trị cấp cao đều có thể đảm bảo được “hạ cánh” êm ả.
Thế nhưng tất cả “con hổ lớn” như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch lại đều nhanh chóng sa lưới chỉ một thời gian ngắn sau khi họ thực hiện các “thủ tục” này.
Sự kiên định này sẽ củng cố thêm mức uy tín cho chiến dịch chống tham nhũng của cặp bài trùng chính trị Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc - nhân vật cũng được xem là “kiến trúc sư trưởng” chiến dịch “đả hổ đập ruồi”.