Bộ chính trị TQ đồng loạt "mất tích", mở màn hội nghị bí ẩn?

Hải Võ |

Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 hàng năm, truyền thông Trung Quốc và quốc tế lại xôn xao khi các thành viên Bộ chính trị nước này "mất tích", báo hiệu hội nghị Bắc Đới Hà sắp mở màn.

Trang Đa Chiều cho hay, hôm 27/7 (giờ Bắc Kinh), 7 Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc gồm chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường... đã "mất tích tập thể" trên các mặt báo nước này, báo hiệu hội nghị Bắc Đới Hà thường niên đã mở màn.

Sáng ngày 27, truyền thông chính thống Trung Quốc vẫn đăng tải báo cáo về các chuyến công tác của ông Tập tại tỉnh Cát Lâm, ông Lý tại hội nghị công tác kinh tế Quốc vụ viện.

Tuy nhiên, trong chương trình thời sự tối cùng ngày không có thông tin về hoạt động của bất kỳ thành viên nào trong Bộ chính trị Trung Quốc.

Đến ngày 28, tình trạng "mất tích" này tiếp tục diễn ra, cho thấy nhiều khả năng các lãnh đạo Trung Nam Hải đã đi "nghỉ mát" tại Bắc Đới Hà.

Đa Chiều giới thiệu, theo thông lệ của đảng Cộng sản Trung Quốc, hội nghị Bắc Đới Hà được tổ chức vào khoảng cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 hàng năm.

Cứ đến mùa hè, các lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc bao gồm đương nhiệm và các "nguyên lão" về hưu sẽ tổ chức nghỉ hè tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, thuộc thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc; đồng thời tiến hành hội nghị nội bộ tại đây.

Trong suốt hơn nửa thập kỷ, nội dung các cuộc họp tại Bắc Đới Hà chưa từng được tiết lộ ra ngoài. Truyền thông quốc tế vẫn thường đồn đoán các lãnh đạo của Trung Quốc sẽ thảo luận "không chính thức" về việc sắp xếp nhân sự, các chính sách hay nghị quyết quan trọng của nước này.

Thông thường, sau khi các thành viên Bộ chính trị "mất tích", một thời gian sau sẽ có báo cáo về việc "một Thường ủy Bộ chính trị nào đó" gặp gỡ các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Bắc Đới Hà.

Ngay khi một Ủy viên thường vụ "hiện thân" ở Bắc Đới Hà, thì "thời gian Bắc Đới Hà" bí ẩn mỗi năm một lần này sẽ nhanh chóng diễn ra.

Đa Chiều cho hay, khoảng thời gian từ 31/7 đến hơn 1 tuần đầu tháng 8 các năm 2013, 2014, đặc điểm chung trên báo chí Trung Quốc là không hề có bất kỳ thông tin gì về hoạt động của tất cả các lãnh đạo Trung Nam Hải.

So với các năm trước, những người đứng đầu nước này "biến mất" sớm hơn vài ngày, cho thấy hội nghị Bắc Đới Hà có thể diễn ra trước định kỳ.

Dấu hiệu hội nghị Bắc Đới Hà sắp bắt đầu là sự "mất tích" đồng loạt của các thành viên Bộ chính trị Trung Quốc trên truyền thông.

Dấu hiệu hội nghị Bắc Đới Hà sắp bắt đầu là sự "mất tích" đồng loạt của các thành viên Bộ chính trị Trung Quốc trên truyền thông.

Nội dung Bắc Đới Hà 2015 có gì?

Đa Chiều dẫn lời một cựu chuyên gia từng tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dự đoán, hội nghị Bắc Đới Hà 2015 có thể không đi sâu vào vấn đề "đả hổ" như năm ngoái, mà trọng điểm thảo luận "kế hoạch 5 năm lần thứ 13".

Giới quan sát đánh giá, bên cạnh vấn đề kinh tế, hội nghị năm nay cũng có khả năng liên quan tới vấn đề "xác định 'hổ lớn' tiếp theo" và cải cách quân đội.

Vấn đề nhân sự trong giới lãnh đạo Trung Quốc luôn là điều được truyền thông quốc tế quan tâm và hội nghị Bắc Đới Hà từ trước đến nay được cho là diễn đàn để những người đương nhiệm và các nguyên lão bàn thảo, đi đến thống nhất.

Đa Chiều tiết lộ, ông Tập có khả năng đã chuẩn bị một "danh sách tuyệt mật" cho việc điều chuyển nhân sự nhằm đưa các nhân vật có năng lực và được tin cậy vào các vị trí cốt lõi trong chiến dịch chống tham nhũng của mình.

Gần đây, việc Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận - cựu "thân tín" của Chu Vĩnh Khang - bị "ngã ngựa" đã làm dấy lên nhiều sự chú ý trên truyền thông.

Giáo sư Học viện hành chính quốc gia Trung Quốc Uông Ngọc Khải - người quan tâm chặt chẽ vụ án Chu Vĩnh Khang - tiết lộ với báo chí Hồng Kông, năm 2001, Chu Bản Thuận giữ chức Ủy viên thường vụ tỉnh Hồ Nam, Bí thư Ủy ban chính pháp.

Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận "ngã ngựa" ngay trước khi hội nghị Bắc Đới Hà diễn ra tại tỉnh này. Ảnh: Chinatimes.

Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận "ngã ngựa" ngay trước khi hội nghị Bắc Đới Hà diễn ra tại tỉnh này. Ảnh: Chinatimes.

Trong 2 năm ngắn ngủi, Chu thăng tiến vào Ủy ban chính pháp Trung ương, cơ quan mà Chu Vĩnh Khang làm phó Bí thư (2003-2007), cho thấy rõ sự "nâng đỡ" mà Chu Vĩnh Khang dành cho ông này.

Uông Ngọc Khải đánh giá, việc Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) không xử lý Chu Bản Thuận ngay sau vụ xử Chu Vĩnh Khang hồi tháng 6, mà đợi tới trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà "xuất phát từ những tính toán kỹ càng".

"Hội nghị Bắc Đới Hà sắp mở màn, mang nhiều ý nghĩa quan trọng, cần phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối và không cho phép có sơ suất.

Chu Bản Thuận còn nắm chức Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hội nghị của các lãnh đạo." - giáo sư Uông cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại