3 quốc gia nào sẽ chế ngự TQ, "quyết định vận mệnh" châu Á-TBD?

Đức Huy |

Tạp chí The Diplomat phân tích vai trò của 3 quốc gia sẽ nắm "chìa khóa" quyết định các diễn biến địa chính trị tại châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.

Tam giác liên minh và mưu đồ của Trung Quốc

Theo phân tích của giáo sư Quan hệ Quốc tế Harsh V. Pant thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ, tình hình địa chính trị châu Á đang có những biến chuyển mới tương đối rõ ràng.

Tháng trước, tam giác liên minh khu vực Ấn Độ - Nhật Bản - Australia đã có cuộc hội đàm chính thức đầu tiên, với sự tham gia của Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Australia Peter Varghese và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki.

Sắp tới, lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng sẽ có mặt trong cuộc tập trận trên biển Mỹ-Ấn thường niên Malabar. Dù trước đây Tokyo đã từng là thành viên của Malabar, đây mới là lần thứ hai Nhật Bản tham gia cuộc tập trận này trên hải phận Ấn Độ Dương.

Và theo ông Pant, mọi đường đi nước bước của liên minh Ấn Độ - Nhật Bản - Australia, hiện tại cũng như trong tương lai, sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong việc "quyết định vận mệnh" khu vực châu Á - Thái Bình Dương thế kỉ 21.

Chuyên gia này cho rằng, với những chuyển biến hiện nay trong khu vực, hợp tác liên minh là chiến lược đối ngoại thượng sách. Nhật Bản là nước đầu tiên đề nghị áp dụng mô hình này, và chính phủ Thủ tướng Tony Abbott đã nhiệt liệt hưởng ứng.

Thậm chí, ngay cả Mỹ cũng đang ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành các liên minh hợp tác vì lợi ích chung. Duy chỉ có Trung Quốc nhìn mô hình chiến lược đối ngoại này bằng đôi mắt đầy ngờ vực.

Theo ông Pant, sự thay đổi trong chiến lược đối ngoại hiện nay trong khu vực xuất phát từ chính sách ngang ngược và gây hấn của Trung Quốc, song song với việc một thế lực khác là Ấn Độ cũng đã nhận ra tầm quan trọng của việc đẩy mạnh chính sách đối phó Bắc Kinh.

Điều này được thể hiện qua những động thái vừa qua của Thủ tướng Narendra Modi, khi ông chủ động bắt tay với Nhật Bản và Australia, trái ngược hoàn toàn với chính sách đối ngoại độc lập không bè phái mà New Delhi từ trước đến nay vẫn theo đuổi.

Về phía Trung Quốc, với tầm ảnh hưởng kinh tế ngày một gia tăng cộng với nhu cầu bành trướng phục vụ mục đích đối nội "yên lòng dân", chính phủ Tập Cận Bình đã và đang tăng cường đầu tư quân sự hướng tới một chính sách đối ngoại ngang ngược hơn.

Nguyên Sĩ quan Tham mưu Hải quân
Lê Ngọc Thống
Phải khẳng định chắc chắn dã tâm của Bắc Kinh muốn chiếm trọn Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” là trước sau như một, không bao giờ thay đổi, không sớm thì muộn. Vấn đề là từng giai đoạn, bước đi thực hiện chiến lược này ra sao mà thôi.

Mưu đồ bành trướng này của Trung Quốc đã được cụ thể hóa bằng quyết định đơn phương thiết lập vùng định dạng phòng không (ADIZ) trên không phận biển Hoa Đông nằm trong tranh chấp với Nhật Bản, cũng như ngang ngược tự đặt ra luật lệ đánh cá gần hải phận Hải Nam.

Mới đây nhất, những hành động xây dựng cải tạo trái phép trên các đảo đá thuộc Biển Đông là bước đi thể hiện rõ nhất mưu đồ thay đổi hiện trạng và bành trướng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương.

Do đó, theo chuyên gia Pant, cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi các quốc gia trong khu vực hiện nay đang hướng tới mô hình liên minh nhằm chế ngự mưu đồ thống trị của Trung Quốc.

Không thể cứ lệ thuộc vào Mỹ

Hiện nay, với việc Mỹ có quá nhiều mối quan tâm cả trong (bình đẳng chủng tộc) và ngoài nước (Trung Đông, Nga), các thế lực khác tại châu Á - Thái Bình Dương, điển hình là tam giác Ấn Độ - Nhật Bản - Australia, đã và đang tỏ ra chủ động hơn trong công cuộc ổn định tình hình khu vực.

Ngoài ra, từ năm 2011, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang duy trì đối thoại chiến lược ba bên với Mỹ. Trong đó, đảm bảo cân bằng quyền lực trong khu vực cũng như an ninh hàng hải tại Ấn Độ - Thái Bình Dương là một phần của cuộc đối thoại này.

Một cuộc đối thoại tương tự cũng đang được duy trì giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia. Và như đã nói ở trên, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia mới đây đã có cuộc hội đàm ba bên đầu tiên, trong đó nhiều khả năng sẽ phát triển thành một "bộ tứ" (cùng Mỹ) đảm bảo an ninh khu vực.

Gốc rễ của quan hệ đối tác tiềm năng này đã xuất hiện từ cuối năm 2004, khi lực lượng hải quân Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã phối hợp rất hiệu quả trong các hoạt động cứu trợ thảm họa sóng thần trên hải phận Ấn Độ Dương.

Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên ủng hộ sáng kiến hình thành "bộ tứ". Năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cập tới điều này và lập tức nhận được sự ủng hộ từ phía Mỹ. Cuộc tập trận hải quân 5 nước trên Vịnh Bengal vào hồi tháng 9/2007 cũng xuất phát từ đó.

Tàu chiến Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Singapore tập trận trên Vịnh Bengal. Ảnh: WikiMedia

Tàu chiến Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Singapore tập trận trên Vịnh Bengal. Ảnh: WikiMedia

Khi đó, Trung Quốc sớm nhận ra nguy cơ bị nhóm này "bao vây" trong khu vực nên đã lập tức "đi đêm" với New Delhi và Canberra, khiến cả Ấn Độ và Australia chùn bước với lý do "khiêu khích Trung Quốc là một việc làm không khôn ngoan".

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khi Trung Quốc đang tỏ thái độ hung hăng hơn bao giờ hết, Ấn Độ và Australia đang cho thấy dấu hiệu quay trở lại với ý tưởng hình thành liên minh nói trên.

Tóm lại, theo ông Pant, tình hình địa chính trị hiện nay bắt buộc các cường quốc bậc trung như Ấn Độ, Nhật Bản, và Australia phải tự tìm ra những phương án đối phó trong trường hợp Mỹ không thể cản được cán cân quyền lực trong khu vực nghiêng về Trung Quốc.

Do đó, dù việc Trung Quốc hiện thực hóa mưu đồ bành trướng sẽ rất đáng chú ý, thì mặt khác từng đường đi nước bước của tam giác Ấn Độ - Nhật Bản - Australia thậm chí sẽ còn được để mắt tới nhiều hơn, vì nó có liên quan trực tiếp tới vận mệnh của châu Á - Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại