Biển Đông: Nguy cơ tái hiện thảm kịch MH-17 vì tên lửa TQ

Hải Võ |

Một chuyên gia quốc phòng Australia mới đây đã cảnh báo các hãng hàng không dân dụng cân nhắc việc thay đổi đường bay qua các đảo trên biển Đông.

Khuyến cáo trên được Peter Jennings - Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) - nêu ra hôm 19/2, sau vụ Trung Quốc bị phát hiện bố trí trái phép các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo tờ Sydney Morning Herald (Australia), ông Jennings đề cập đến thảm kịch MH-17 mà máy bay của hãng Malaysia Airlines bị trúng tên lửa ở miền Đông Ukraine tháng 7/2014 mà đến nay các bên vẫn tranh cãi trong việc xác định thủ phạm.

Peter Jennings cho rằng, sự hiện diện (phi pháp-PV) của các hệ thống tên lửa phòng không Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa đã gây nên mối đe dọa "tương tự như vụ MH-17" ở biển Đông, mà những đối tượng bị nguy hiểm bao gồm cả máy bay dân dụng và máy bay quân sự.

Cựu quan chức quốc phòng Australia nhấn mạnh mối đe dọa đối với các máy bay trinh sát P-3 Orion của nước này được điều động tuần tra khu vực mà Bắc Kinh đặt tên lửa.

Theo Jennings, "sẽ có nhiều cuộc thảo luận tương tự với các hãng hàng không dân dụng, đặc biệt là sau vụ việc MH-17", đồng thời kêu gọi các hãng hàng không đánh giá nguy cơ đến từ tên lửa của Trung Quốc và cân nhắc việc thay đổi đường bay.

Trả lời phỏng vấn của đài ABC (Australia) hôm 20/2 khi vừa trở về sau chuyến công du Nhật Bản và Trung Quốc, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop xác nhận mối đe dọa từ hành động của Bắc Kinh là có thật.

Về lập trường của Canberra, bà khẳng định biển Đông là tuyến đường hàng hải, hàng không huyết mạch không chỉ đối với thương mại Australia mà còn bao gồm lợi ích quan trọng của nhiều quốc gia khác.

Do vậy, nếu Trung Quốc bố trí tên lửa tại đây thì sẽ có nguy cơ "bắn lầm" vào máy bay dân sự, nhưng bà Bishop cho rằng các hãng hàng không dân dụng Australia và quốc tế "không nên né tránh biển Đông".


Ảnh vệ tinh của DigitalGlobe hôm 17/2 cho thấy các hệ thống tên lửa HQ-9 và radar mà Trung Quốc bố trí phi pháp trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: Stratfor

Ảnh vệ tinh của DigitalGlobe hôm 17/2 cho thấy các hệ thống tên lửa HQ-9 và radar mà Trung Quốc bố trí phi pháp trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: Stratfor

Ngoại trưởng Australia cũng cho biết, bà đã nhấn mạnh vấn đề Trung Quốc quân sự hóa biển Đông trong cuộc tiếp xúc với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sáng 17/2 tại Bắc Kinh.

Trong khi đó, ông Vương phủ nhận các chỉ trích và mạnh miệng nói "phi quân sự hóa (ở biển Đông) là lợi ích chung của tất cả các bên, nhưng không thể chỉ từ một nước".

Ông này gọi cáo buộc Trung Quốc đưa tên lửa lên đảo Phú Lâm "chỉ là hành động của truyền thông phương Tây nhằm thêu dệt nên những câu chuyện mới".

Nhưng Bộ quốc phòng Trung Quốc ngay sau đó đã "đá" lại phát biểu của Vương Nghị khi huênh hoang thừa nhận "việc triển khai (trái phép-PV) cơ sở hạ tầng phòng thủ trên các đảo đá liên quan đã được thực hiện từ rất nhiều năm".

Thông tin quân đội Trung Quốc đưa trái phép tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm, hòn đảo mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam sau trận hải chiến ngày 19/01/1974, đã gây bất bình cho các nước trong khu vực như Việt Nam, Nhật Bản cho đến Mỹ và Australia.

Ngày 19/2, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và trao công hàm phản đối hành động trên của Bắc Kinh, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho lưu hành chính thức công hàm này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại