Luật sư Paul Reichler của công ty luật Foley Hoag, Mỹ sẽ đại diện cho Philippines trong vụ kiện về chủ quyền Biển Đông tại Tòa án Liên Hợp Quốc. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal của ông Reichler về các vấn đề liên quan tới vụ kiện này.
Luật sư Paul Reichler.
Hiện chúng ta đang ở đâu trong qui trình của vụ kiện?
Tòa án Trọng tài đã thông qua Các qui tắc tố tụng và lịch trình xét xử của vụ kiện. Toà án trọng tài vừa yêu cầu Philippines hoàn thiện hồ sơ vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông trước ngày 30/3/2014. Thông thường, bị đơn (trong trường hợp này là Trung Quốc) sẽ được cho cùng lượng thời gian (8 tháng) để gửi hồ sơ phúc đáp. Khi đó, theo thủ tục thông thường, các bên sẽ có vòng khai báo bằng văn bản và Philippines sẽ có thêm 4 hoặc 5 tháng để gửi bản khai báo và Trung Quốc cũng có lượng thời gian tương tự để gửi bản khai báo phản hồi. Tuy nhiên, do Trung Quốc tuyên bố sẽ không tham gia vào vụ kiện, tòa án sẽ chỉ chỉ định ngày Philippines gửi bản khai báo.
Khi nào chúng ta sẽ nhận được kết quả?
Thông thường một vụ phân xử theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển sẽ kéo dài từ 3 tới 5 năm. Tuy nhiên, đó là những trường hợp hai bên cùng tham gia vụ kiện. Trong trường hợp vụ kiện của Philippines, thời gian có thể sẽ rút ngắn do Trung Quốc vẫn giữ nguyên quyết định không tham gia tích cực vào vụ kiện này.
Do Tòa án vẫn chưa quyết định quá trình tố tụng sau khi Philippines gửi bản khai báo nên rất khó dự đoán thời điểm Tòa án sẽ hoàn thành vụ kiện này. Theo phỏng đoán của riêng tôi, sau khi đọc bản khai báo của Philippines, các thành viên Hội đồng trọng tài sẽ tự đặt mình vào vị trí của Trung Quốc để đưa ra các phản bác có tính giả định và các câu hỏi mà bản thân các trọng tài có thể đưa ra. Tôi nghĩ thời gian tố tụng kể từ khi bản khai báo của Philippines sẽ kéo dài từ 6 tới 12 tháng và cá nhân tôi ước tính quá trình này sẽ kéo dài từ tháng Tư tới tháng 10 năm 2014.
Cụ thể nội dung đơn kiện của Manila là thế nào?
Các nội dung chính trong đơn kiện của Philippines bao gồm:
Một là, bản đồ “Đường 9 đoạn” không phù hợp với luật pháp quốc tế cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), và không thể đại diện cho quyền lợi của Trung Quốc đối với Biển Đông. Theo UNCLOS, quyền lợi của Trung Quốc sẽ chỉ giới hạn ở khu vực lãnh hải rộng 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế kiêm thềm lục địa rộng 200 hải lý.
Hai là, Philippines, cũng giống như Trung Quốc (và các quốc gia khác quanh Biển Đông, có quyền lợi ở lãnh hải rộng 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế kiêm thềm lục địa rộng 200 hải lý.
Ba là, bãi cạn Scarborough là một “mỏm đá” theo định nghĩa trong Điều 121(3) của UNCLOS, nên quyền lợi của quốc gia sở hữu bãi cạn này sẽ chỉ giới hạn ở vùng lãnh hải rộng 12 hải lý chứ không phải vùng đặc quyền kinh tế kiêm thềm lục địa rộng 200 hải lý. Vì vậy, toàn bộ vùng biển tính từ điểm cách bãi cạn Scarborough 12 hải lý tới điểm cách đảo Luzon của Philippines 200 hải lý sẽ là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, chứ không phải của Trung Quốc.
Bốn là, trong số 8 điểm Trung Quốc chiếm giữ tại Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam) thì có tới 5 điểm là mỏm đá hoặc đá ngầm và bãi cát nổi sau khi nước triều rút (mà Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng). Về các mỏm đá, quốc gia sở hữu sẽ chỉ có quyền lợi ở vùng biển quanh mỏm đá 12 hải lý còn các đá ngầm hoặc bãi cát nổi sau khi nước triều rút sẽ không giúp đem lại quyền lợi hàng hải gì. Kết luận rút ra là quyền lợi về hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là rất hạn chế, ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này. Có khả năng Trung Quốc sẽ chẳng nhận được gì từ 8 điểm mà nước này sở hữu. Hiện chủ quyền của nước này đối với bãi cạn Scarborough và 3 mỏm đá ở Trường Sa đang bị tranh chấp. Còn về các hòn đảo, trọng tài không có thẩm quyền quyết định chủ quyền.
Ai sẽ đại diện cho Trung Quốc trong vụ kiện này?
Các trọng tài có nghĩa vụ phải xác minh liệu những tuyên bố của Philippines có cơ sở chắc chắn về cả thực tiễn và luật pháp không. Họ có nhiều công cụ để thực hiện nhiệm vụ này. Họ có thể công khai tiếp cận các bản đồ và biểu đồ hiện có, cũng như các chủ đề nghiên cứu học thuật về đảo mà Philippines đề xuất. Các trọng tài cũng có thể thuê các chuyên gia kĩ thuật để tư vấn. Họ cũng có thể xem xét luật pháp của Trung Quốc, các điều luật, tuyên bố và giải thích của nước này về bản đồ “đường 9 đoạn” và các tuyên bố chủ quyền khác đối với Biển Đông.
Công ty Foley Hoag có lo ngại Trung Quốc sẽ gây khó dễ không?
Trong các vụ trước, các đồng nghiệp của tôi ở Foley Hoag và tôi đã từng phải đưa ra lựa chọn: hoặc là đấu tranh vì công lý, hoặc tránh đối đầu với những người giàu có và quyền lực, những người có thể sẽ trở thành những khách hàng rất lớn nếu chúng tôi khai thác chứ không kiện họ. Do chúng tôi đã trở thành những luật sư đấu tranh vì công lý, chúng tôi chưa bao giờ phải chần chừ trong việc đưa ra các quyết định như vậy.
Nếu chẳng may Trung Quốc phớt lờ phán xét của các trọng tài không có lợi cho nước này thì sao?
Trong hơn 95% các vụ kiện quốc tế - cả hình thức tranh tụng và trọng tài tại nhiều tòa án quốc tế khác nhau – các quốc gia đều tuân thủ phán xét của tòa án hoặc trọng tài du cho họ không hài lòng với phán xét đó.
Có ít nhất hai lí do khiến các quốc gia hành động như vậy. Lí do thứ nhất là về vấn đề uy tín và ảnh hưởng của hành động đó. Lí do thứ hai là nhiều quốc gia hiểu rằng hành động theo luật pháp có lợi cho chính họ và các quốc gi khác. Về trường hợp của Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy đây là quốc gia có quyền lực lớn và muốn tăng cường tầm ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cũng tự quảng bá bản thân là cường quốc phản đối chủ nghĩa đế quốc, đối lập với Mỹ, Nga và các quốc gia khác.
Với tư cách là nước giàu có và mạnh nhất ở khu vực (quanh Biển Đông), Trung Quốc nên nghĩ tới những lợi ích kinh tế mà nước này sẽ đạt được nếu các cuộc tranh chấp chủ quyền trên được giải quyết và các nước bắt đầu đầu tư khai thác tài nguyên của vùng biển này.