Theo tác giả bài báo, hai đặc điểm nổi trội của cuộc tấn công về ngoại giao mới đây nhất của Trung Quốc là sự gắn kế dài hạn về kinh tế và cam kết tăng cường an ninh.
Bài báo nhận định, trong chiến lược tái cân bằng toàn diện ở ASEAN, Trung Quốc sẽ tập trung vào 3 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Ba nước này lại là những thành viên chủ chốt của ASEAN, có ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới. Indonesia và Malaysia còn là những nước Hồi giáo ôn hòa hàng đầu thế giới và là thành viên của tổ chức không liên kết.
Những chuyến đi đến Đông Nam Á mới đây của Trung Quốc liên quan đến chiến lược liên kết giữa nước này với các nước ASEAN diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ bên trong ASEAN cũng như giữa khối này với các cường quốc đang trở nên linh động hơn. Washington đã có kế hoạch xoay trục về châu Á, Tokyo trở nên quyết đoán hơn về mặt ngoại giao - cả 2 cường quốc này đang tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với các thành viên ASEAN có liên quan tới tranh chấp biển Đông.
Tác giả bài báo cho rằng, tại Đông Nam Á, Thái Lan đã nổi lên như một người bạn thân thiết, một "đồng minh ảo" của Trung Quốc, mặc dù giữa hai nước không có thỏa thuận an ninh truyền thống. Ngoài sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đang ngày càng tăng lên, Thái Lan và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác an ninh truyền thống và phi truyền thống, bao gồm liên kết đào tạo các lực lượng đặc nhiệm.
Kể từ năm 2011 Thái Lan, Lào và Myanmar đã hợp tác với Trung Quốc trong việc tuần tra an ninh dọc sông Mekong. Đây cũng là lực lượng an ninh đa phương đầu tiên mà Trung Quốc tham gia.
Thủ tướng Lý Khắc Cường tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Brunei.
Theo bài báo, trong thập kỷ tới, Bắc Kinh sẽ dựa vào vị trí địa chiến lược để liên kết khu vực phía nam Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Trong các chuyến thăm của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều thể hiện rõ sự sẵn sàng đầu tư vào kế hoạch kết nối, đặc biệt là hành lang Bắc - Nam.
Tại Thái Lan, ông Lý Khắc Cường kêu gọi các chính trị gia nước này ủng hộ dự án tàu cao tốc hàng tỉ USD từ Vân Nam qua Viêng Chăn tới Bangkok - trong tương lai tuyến đường có thể kéo dài đến Malaysia và Singapore.
Tác giả bài báo đánh giá, yếu tố làm nên điểm nổi trội trong chính sách của Trung Quốc đối với Malaysia là sự hiện diện của nhiều Hoa kiều tại quốc gia này và Malaysia là một đối tác thương mại lớn số 1 ở ASEAN của Trung Quốc. Là quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Malaysia tỏ ra kín đáo và khá dè chừng trong việc theo đuổi đàm phán song phương với Trung Quốc và duy trì quan hệ thân mật với Bắc Kinh. Tuy vậy, Malaysia được cho là một quốc gia thân thiện, và cũng như Indonesia, nước này coi Trung Quốc là đối tác toàn diện hơn là một mối đe dọa.
Trong khi đó, về vấn đề hàng hải ở Đông Nam Á, bài phân tích cho rằng Indonesia đóng vai trò quan trọng nhất đối với Trung Quốc. Trong chuyến thăm tới Jakarta, ông Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Indonesia - một thước đo cho thấy hai quốc gia sẵn sàng bắt tay nhau. Indonesia cũng không ngần ngại tham gia cùng Trung Quốc trong các vấn đề chiến lược và an ninh. Mới đây, Jakarta đã đưa ra một vài đề xuất nhằm phá vỡ thế bế tắc ở Biển Đông, ngăn chặn và quản lý nguy cơ xung đột ở ASEAN.