Những thất bại ê chề của cơ quan tình báo đáng sợ nhất thế giới

Chí Quân |

(Soha.vn) - Được coi là một trong những cơ quan tình báo bí ẩn và đáng sợ nhất thế giới, tình báo Mossad của Israel cũng có lúc phạm những sai lầm khủng khiếp.

Bắn nhầm người

Mossad là một trong những cơ quan tình báo được khiếp sợ nhất trên thế giới. Danh tiếng hãi hùng của họ được hình thành từ những cuộc truy sát để trả thù mọi nhân vật bị coi là có nợ máu với người Do Thái, bất kể đó là cựu sĩ quan SS hay thành viên các tổ chức khủng bố.

Sát thủ của Mossad là những cỗ máy giết người lạnh lùng, một khi đã ra tay thì nhất định kẻ thù phải chết, bất chấp mọi lý lẽ. Và sai lầm tất yếu đã có lúc xảy ra.

Mùa hè năm 1973, một nhóm điệp viên Mossad được cử sang Na Uy để tiêu diệt Ali Hassan Salameh, lãnh đạo nhóm Tháng Chín đen tối, tổ chức khủng bố Palestine đã gây ra vụ thảm sát 11 vận động viên Israel tại Olympics Munich một năm trước đó. Mọi chi tiết của vụ ám sát đều đã được chuẩn bị một cách hoàn hảo, chỉ có điều, người rơi vào tầm ngắm của Mossad lại không phải là Salameh mà là Ahmed Bouchikhi, một kiều dân Marốc vô tội, đã sống ở Na Uy 9 năm bằng nghề hầu bàn.

Sai lầm của Mossad xuất phát từ một nguyên nhân rất ngớ ngẩn. Khi sang Na Uy, họ bám theo một người gốc Algeria tên là Kamal Benamane mà họ cho là giao liên của nhóm Tháng Chín đen tối và tin rằng anh này sẽ dẫn họ đến chỗ Salameh.

Số phận đã khiến Benamane tình cờ gặp lại người bạn cũ Bouchikhi ở bể bơi. Xa nhau nhiều năm, họ trò chuyện khá thân mật mà không biết cả hai đang bị theo dõi. Và Bouchikhi đã bị nhận dạng là kẻ khủng bố mà không có bất cứ bằng chứng nào ngoài cuộc gặp gỡ định mệnh với Benamane.

Ngày hôm sau, khi vừa cùng vợ bước ra khỏi rạp chiếu phim, anh bị hai người lạ mặt áp sát. Hàng chục phát đạn lập tức cướp đi mạng sống của con người tội nghiệp trước khi anh kịp nói lời cuối cùng với người vợ đang mang thai sắp đến ngày sinh.

Một nhân viên Mossad bị xét xử tại Ba Lan vì tội làm giấy tờ giả
Một nhân viên Mossad bị xét xử tại Ba Lan vì tội làm giấy tờ giả

6 trong số 7 điệp viên Mossad tham gia vào vụ này bị cảnh sát Na Uy bắt giữ, nhưng chỉ có 5 người bị xét xử và lĩnh án từ 2 năm rưỡi đến 5 năm tù. Chỉ 22 tháng sau, tất cả đã được trả tự do. Riêng kẻ cầm đầu, Michael Harari đã trốn thoát về Israel và không bao giờ bị dẫn độ sang Na Uy để chịu tội.

Nhà nước Do Thái cũng phủ nhận mọi liên quan đến việc sát hại công dân vô tội Bouchikhi. Mãi 23 năm sau, gia đình anh mới nhận được một khoản trợ cấp nhỏ từ Israel, nhưng không kèm theo lời xin lỗi như họ chờ đợi. Còn tên khủng bố Salameh thì tới năm 1978 mới bị ám sát tại Beirut.

Thiết bị theo dõi, hộ chiếu giả và khủng hoảng ngoại giao

Mossad là cánh tay đắc lực của chính phủ Israel, nhưng đôi khi chính cánh tay ấy lại giáng cho chủ nhân những đòn chí mạng.

Đầu năm 1998, một nhóm điệp viên Mossad đã bị lộ khi đang đặt thiết bị theo dõi trong nhà một người tình nghi là lãnh đạo Hezbollah ở Berne, Thuỵ Sĩ.

Lần này cũng lại là một lỗi sơ đẳng khiến những điệp viên được coi là thượng thặng của Mossad phải trả giá. Họ thản nhiên đi lại, cài đặt và thử các thiết bị mà không hề biết rằng người hàng xóm ở căn nhà kế bên bị mất ngủ đang hóng mát ngoài hiên. Chỉ khi cảnh sát ập vào và bắt quả tang một điệp viên đang loay hoay với cả một vali thiết bị theo dõi hiện đại thì những người ở vòng ngoài mới giật mình và tìm đường tẩu thoát.

Vụ việc này đã khiến quan hệ đồng minh vốn rất tốt đẹp giữa Thuỵ Sĩ và Israel bị phủ một đám mây u ám. Tổng thống Thuỵ Sĩ Flavio Cotti đã xem xét huỷ việc bỏ chuyến thăm theo dự kiến sang Israel trước khi thủ tướng Israel phải gửi thư xin lỗi.

Trong một vụ bê bối khác, năm 1997, 10 điệp viên Mossad nhận nhiệm vụ sang Jordani ám sát Khaled Mashal, một lãnh đạo của Hamas bằng cách tiêm thuốc độc.

Kế hoạch thất bại, nhóm điệp viên bị bắt khi đang mang hộ chiếu giả Canada. Sự việc này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Canada và Jordani với Israel. Canada đã ra lệnh trục xuất đại sứ Israel cho đến khi chính phủ nước này chịu cam kết sẽ không cho phép sự việc tương tự xảy ra.

Khaled Mashal, nhân vật chết hụt trong vụ ám sát năm 1997
Khaled Mashal, nhân vật chết hụt trong vụ ám sát năm 1997

Về phần mình, nhà vua Jordani yêu cầu Israel phải cung cấp thuốc giải độc cho Mashal nhưng bị từ chối. Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng đến mức hiệp ước hoà bình vừa ký kết đã có nguy cơ đổ vỡ. Chỉ đến khi Mĩ can thiệp, Israel mới chịu trao thuốc giải độc và phóng thích khoảng 70 tù nhân Palestine để đổi lấy hai điệp viên Mossad trực tiếp làm nhiệm vụ tiêm thuốc độc đang có nguy cơ phải đối mặt với án tử hình tại Jordani.

Đây không phải là lần đầu tiên hay duy nhất Mossad dính vào những vụ tai tiếng kiểu này. Mới năm 2004, quan hệ giữa nhà nước Do Thái và New Zealand đột ngột xấu đi khi hai điệp viên Mossad bị bắt quả tang dùng hộ chiếu giả của quốc gia này. Cả hai phải chịu án 6 tháng tù giam. Cũng kể từ đó, việc xem xét cấp hộ chiếu New Zealand cho công dân Israel bị đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan an ninh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại