Nhóm này cho rằng các địa điểm được đánh dấu (tag) trong những video nói trên trên thực tế nằm cách xa điểm bắn hàng trăm km, nơi IS không hề có sự hiện diện.
Bộ Quốc phòng Nga đã cho đăng tải các đoạn video lên YouTube tường thuật lại những vụ không kích vào các phiến quân IS ở những địa điểm được cho là căn cứ trọng yếu của lực lượng này ở Raqqa, phía Bắc Syria.
Bellingcat cho rằng các video không kích IS của Nga là giả mạo. Nguồn: Ria Novosti
Tuy nhiên, Bellingcat lại phân tích rằng địa điểm Nga đánh bom hôm 3/10 không phải là căn cứ của IS mà chỉ là một thị trấn Al-Latamneh, nằm cách khu vực nằm dưới sự kiểm soát của IS 150 km.
Họ cũng cho rằng các nhóm địa phương có những đoạn video có thể chứng minh luận điểm đó.
Hiện Bellingcat muốn tìm kiếm các nguồn lực và các bằng chứng ở địa phương để tái định vị lại tất cả các video do Bộ Quốc phòng Nga đăng tải.
Vạch lá tìm sâu
Bellingcat không còn lạ gì trước những nghi vấn về các dữ liệu hình ảnh và video chính thức từ phía Nga vì trước đó nhóm này cũng cáo buộc Moscow đã đưa ra những hình ảnh vệ tinh giả về thảm họa MH17.
Máy bay của hãng hàng không Malaysia đã bị bắn rơi tại khu vực phía Đông Ukraine ngày 17/7/2014, khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Cuối tháng 7/2014, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố dữ liệu giám sát quân sự cho thấy chiến đấu cơ của Kiev đã theo dấu MH17 ít phút trước khi máy bay này bị bắn rơi.
Cơ quan này cũng cho đăng tải những hình ảnh vệ tinh của các khu vực lân cận nơi Kiev có các đơn vị không quân đóng quân. Tuy nhiên Bellingcat cho rằng những hình ảnh đó đều là giả mạo.
Hình ảnh vệ tinh của Nga về vụ MH17. Nguồn: Twitter
Tuyên bố của tổ chức này phần lớn dựa trên một phân tích về hình ảnh vệ tinh thông qua trang web FotoForensics.com.
Tuy nhiên, có một vấn đề là ngay cả người sáng lập ra trang web cũng không bị thuyết phục bởi tính chân thực trong hoạt động của nhóm này.
Trong một bài phỏng vấn với tờ Der Spiegel của Đức, chuyên gia phân tích pháp lý hình ảnh Jens Kriese đã chỉ trích việc điều tra của nhóm.
Ông nói: “Dưới góc độ pháp lý, cách tiếp cận của Bellingcat không mấy đúng đắn. Cốt lõi của những gì họ đang làm dựa trên cái gọi là Phân tích Mức độ Sai lệch (ELA).
Phương pháp này mang tính chủ quan và không dựa hoàn toàn trên khoa học. Những gì Bellingcat đang làm không có gì hơn là vạch lá tìm sâu”.
Sự kích động phương Tây
Phương Tây đã nhanh chóng chỉ trích quyết định của Moscow khi tiến hành không kích chống IS ở Syria. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng các cuộc tấn công của Nga thực chất là đang giúp nhóm khủng bố này.
Trong khi đó, có rất nhiều cáo buộc giả chống lại Nga khi chiến dịch của ông Putin mới chỉ diễn ra được một tuần.
Ví dụ, một bức ảnh nhân viên cứu hộ Syria bế theo một bé gái bị thương đã được đưa lên với dòng tít: “Nga không kích Homs khiến 33 dân thường thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em”.
Nhưng thực tế, bức ảnh này đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông từ ngày 25/9. Chiến dịch chống khủng bố của Nga lại diễn ra những 5 ngày sau đó, vào ngày 30/9.
Hình ảnh nhân viên cứu hộ Syria bế trên tay một em bé bị thương đã được đăng từ ngày 25/9, 5 ngày trước cuộc không kích của Nga vào IS. Nguồn: Twitter
Một số phương tiện truyền thông mạng xã hội khác như Twitter cũng loan truyền các thông tin rằng một trong các nhà lãnh đạo quân nổi dậy Syria, Iyad al-Deek đã bị giết trong một cuộc không kích của Nga hồi tháng 9.
Song, các báo cáo truyền thông trước đó cho biết người này đã bị IS bắt cóc hồi tháng 1/2014, trong khi vào tháng 6, báo chí địa phương lại cho hay người này đã bị giết.
Báo cáo bằng tay của những nhà phân tích bàn giấy
Nhà phân tích an ninh và quốc phòng Richard Galustian, người đã làm việc tại các nước Bắc Phi và Trung Đông khoảng 40 năm, cho RT biết người sáng lập Bellingcat, Eliot Higgins, không thể điều tra nghiêm túc được vấn đề gì bởi ông này chủ yếu dựa trên các nguồn truyền thông xã hội viết tay và chưa được chứng thực.
Ông Galustian cho biết: “Higgins là một người nghiện internet không có việc làm, bằng một vài lý do nực cười nào đó đã tự gắn cho mình danh xưng chuyên gia.
Higgins là một phần của thế hệ ngồi ghế bành bàn chuyện thế giới, những người thích sử dụng mạng xã hội để điều tra các thông tin tình báo”.
Theo ông Galustian, nỗ lực của Higgins nhằm chứng minh Nga đứng đằng sau những tấm hình giả về vụ MH17 ở Ukraine cho thấy thái độ bài Nga của ông này.
“Thực tế các nguồn mạng xã hội mà Higgins thu thập thường theo hướng chống lại ông Putin cùng các nhân viên và cố vấn quân sự của ông.
Bây giờ Higgins lại tiếp tục tìm bằng chứng chống lại các cuộc không kích của Nga ở Syria”, Galustian nhận định.
Theo ông Galustian, điều mà Higgins còn thiếu, giống như vụ ở Ukraine, đó là mạng xã hội cũng có thể do bàn tay con người điều khiển. Những gì mà Higgins tìm thấy có thể do các nhóm chống Assad đưa lên.
Các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, cũng là ví dụ điển hình của các chuyên gia bàn giấy khi họ cũng dựa trên các tài liệu của Bellingcat để báo cáo.
Tập trung vào các bằng chứng hạ bệ thanh thế
Nhà báo Anh Oliver Tickell cho RT biết, sự nguy hiểm của các báo cáo của Bellingcat đó là cơ quan này đưa ra kết luận không liên quan đến bằng chứng, khiến cho nhiều người phải đặt câu hỏi về tính tin cậy của báo cáo này.
Nhà báo này phân tích: “Việc kiểm định các báo cáo của Bellingcat là cần phải xem nó có thiết thực và tương đồng với những sự kiện đang diễn ra hay không. Bellingcat cho rằng một số bức ảnh đã bị làm giả mạo bằng cách dùng photoshop.
Song, việc sử dụng photoshop hay còn gọi là xử lý ảnh như thay đổi kích cỡ, đổi màu, độ phân giải là một thủ thuật hoàn toàn hợp lý theo quy định.
Điều đó không có nghĩa là những bức ảnh này bị làm giả mạo. Thực sự rất nguy hiểm nếu như người dân tiếp cận một báo cáo mà không dựa trên những bằng chứng cụ thể”.
Theo ông Tickell, cách điều tra như vậy có thể dẫn đến những kết luận vội vã và thiếu chính xác. Vì vậy, một điều vô cùng quan trọng là phải tìm kiếm các bằng chứng, kiểm tra tính xác thực và đối chiếu với tính hình thực tế.