Mỹ cho phép cấp vũ khí cho Ukraine, thỏa thuận Minsk "phá sản"?

Đức Dũng |

Ngày 7/10, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo luật về chi tiêu ngân sách quốc phòng Mỹ trong năm tài khóa 2016 (bắt đầu từ 1/10/2015), trong đó có điều khoản cho phép Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, trong đợt bỏ phiếu lần này ở Thượng viện, 70 thượng nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ và 27 thượng nghị sỹ bỏ phiếu chống.

Như vậy, dự thảo luật này đã đủ số phiếu cần thiết để được thông qua. Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự thảo luật này.

Theo đạo luật này, chi phí quân sự trong năm tài khóa 2016 của Mỹ là 612 tỷ USD. Theo các tác giả xây dựng dự thảo luật, đây là con số được đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu đưa vào luật.

Trong đạo luật này cũng ghi rõ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter được phép cùng với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được quyền sử dụng 300 triệu USD để “thực hiện các trợ giúp cần thiết cho Ukraine trong lĩnh vực an ninh và tình báo (chuyển cho Ukraine các tin tức tình báo)… trong khoảng thời gian thực”.

Ngoài ra, số tiền này được dùng để cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí như vũ khí chống tăng, súng phóng lựu, vũ khí xạ kích…

Trước đó, Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ bày tỏ quan ngại khi Ukraine “không có gì để chống lại hệ thống kỹ thuật quân sự” của lực lượng đòi ly khai ở Ukraine.

Chính vì vậy, ông McCain đã lên tiếng đề nghị chính phủ Mỹ cung cấp cho Ukraine các tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin.

Ngoài ra, với việc đạo luật trên được thông qua, Ukraine còn có thể nhận được các hệ thống radar chiến thuật, các phương tiện bảo vệ hệ thống liên lạc và tác chiến điện tử. Gói kinh phí 300 triệu USD cũng sẽ được sử dụng để đào tạo “các lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh khác của Ukraine”.

Sau khi được Thượng viện thông qua, dự thảo luật này sẽ được trình Tổng thống Mỹ B.Obama phê chuẩn. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng ông Obama sẽ sử dụng quyền phủ quyết để không phê chuẩn đạo luật này.

Trong một buổi họp báo mới đây, Thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ Josh Earnest nói: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng thôi sẽ phản đối đạo luật này”. Nguyên nhân là do cơ chế cung cấp tài chính cho lĩnh vực quốc phòng trong đạo luật này là “điều khoản vô trách nhiệm”.

Cụ thể, Nhà Trắng không nhất trí với việc các tác giả xây dựng dự thảo luật đã cố gắng tránh cắt giảm ngân sách bằng việc lấy đi nguồn tài chính từ các “quỹ khẩn cấp”.

Tính đến thời điểm hiện nay, Mỹ đã cấp cho Ukraine 265 triệu USD dưới dạng cung cấp các phương tiện kỹ thuật và huấn luyện cho “các lực lượng an ninh và biên phòng Ukraine để giúp nước này quan sát và quản lý biên giới một cách hiệu quả hơn”.

Các loại kỹ thuật được Mỹ hỗ trợ cho Ukraine gồm xe bọc thép, radar chống tác chiến điện tử, các thiết bị quan sát ban đêm, áo giáp và các thiết bị y tế.

Ngày 29/9, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đã nhận được các loại súng trường cỡ nòng lớn Barrett do Mỹ sản xuất, cũng như các loại đạn chống tăng DRTG-73.

Tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ
Tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ
Thỏa thuận Minsk sẽ bị phá vỡ?
Thỏa thuận Minsk sẽ bị phá vỡ?

Mặc dù hiện Tổng thống Mỹ Obama vẫn chưa phê chuẩn đạo luật này nhưng với việc Thượng viện Mỹ đã thông qua, giới phân tích quốc tế vẫn quan ngại trước khả năng Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Nếu Mỹ thực hiện bước đi này, những thỏa thuận do lãnh đạo “Bộ tứ Normady” (gồm Tổng thống V.Nga Putin, Tổng thống Pháp F.Hollande, Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Ukraine P.Poroshenko) mới đạt được ngày 2/10 có nguy cơ sẽ tiếp tục bị vi phạm.

Theo Aleksandr Rar, nhà phân tích chính trị nổi tiếng người Đức, việc Mỹ thông qua đạo luật trên có thể là bước đi đã được tính toán để ngăn cản việc thực hiện Thỏa thuận Minsk.

Không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin trong phiên họp Quốc hội Ukraine ngày 7/9 còn công khai lên tiếng “đe dọa” rằng chính quyền Kiev sẽ không định thực hiện các thỏa thuận mà nguyên thủ “Bộ tứ Normady” đã đạt được trong cuộc hội đàm ngày 2/10 (Theo đó Ukraine phải chấp nhận cho Donbass tổ chức bầu cử, được quyền tự trị, phải ân xá cho các “nhà hoạt động Donbass”, phải rút vũ khí hạng nặng…).

Aleksandr Rar cho rằng cứ mỗi khi Minsk có được các cơ hội hiện thực, Mỹ lại có các hành động “động viên” Ukraine để nước này có các động thái vi phạm các thỏa thuận hòa bình đã đạt được.

Sự hậu thuẫn của Mỹ chính là “động lực” để Ukraine nhiều lần vi phạm Minsk và kiên quyết không chấp thuận các đòi hỏi từ Donbass.

Với việc nhận được các loại vũ khí có khả năng tác chiến mạnh (như Javelin), Ukraine có thể sẽ mở lại các cuộc tấn công vào Donbass để phá không cho các khu vực này tổ chức bầu cử.

Hơn nữa, ngay sau hội đàm ngày 2/10 mấy hôm, ông Poroshenko cũng đã đưa ra tuyên bố ám chỉ Ukraine sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử ở Donbass, bất chấp việc Donetsk và Lugansk đã đồng ý rời các cuộc bầu cử của họ từ tháng 10-11/2015 sang tháng 2-3/2016.

Còn theo Chủ tịch trung tâm phân tích và dự báo Ukraine Rostislav Ishenko, những động thái trợ giúp của Mỹ khiến chính quyền Poroshenko sẽ nhùng nhằng trong việc thực hiện các yêu cầu đã được Thủ tướng Đức A.Merkel đưa ra trong hội đàm “Bộ tứ Normandy”.

Rất có thể khi nhận được vũ khí của Mỹ, ông Poroshenko sẽ càng có “bệ đỡ” để đẩy mạnh thực hiện cái gọi là “các chiến dịch chống khủng bố” ở miền Đông Ukraine.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại