"Vào lúc này, với những gì tôi đã được biết về TPP, tôi không ủng hộ nó. Tôi không nghĩ rằng hiệp định này đáp ứng được những tiêu chuẩn cao mà tôi đặt ra" - bà Clinton trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình PBS.
Điều đáng nói là khi còn trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton từng là trợ thủ đắc lực của ông Obama trong quá trình vận động đàm phán kí kết TPP. Nhưng vì chiến dịch tranh cử, phu nhân cựu Tổng thống Bill Clinton đã quyết định "thay lòng đổi dạ".
Phát biểu của bà Clinton được đưa ra ngay trước thềm cuộc tranh luận đầu tiên của các ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ, nơi cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ đối đầu với các đối thủ nặng kí như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hay cựu Thống đốc Martin O'Malley.
Với việc công khai phản đối TPP, bà Clinton tỏ rõ ý định tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức công đoàn và các cử tri Dân chủ theo hướng tự do. Điều này tuy sẽ đem lại lợi thế trong nội bộ đảng Dân chủ, nhưng sẽ khiến bà Clinton gặp khó trong cuộc tổng tuyển cử.
"Nếu Hillary Clinton không tranh cử Tổng thống, có lẽ bà ấy đã ủng hộ TPP. Nhưng tôi lo ngại rằng bà sẽ bị chỉ trích là 'cuốn theo chiều gió', rồi còn tổng tuyển cử nữa" - một đồng minh của bà Clinton tại đảng Dân chủ phát biểu.
Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh đang tranh cử Tổng thống, quyết định của bà Clinton hoàn toàn dễ hiểu, vì những cử tri coi TPP như một yếu tố quyết định lá phiếu của họ đều là những người phản đối hiệp định này.
Mặt khác, lập trường của bà Clinton một lần nữa đã đặt bà vào vị thế đối lập hoàn toàn với Nhà Trắng, trong đó có Phó Tổng thống Joe Biden, người trong những ngày tới có thể trở thành một đối thủ mới của bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Đây có thể coi là bước tiếp theo trong một loạt những động thái anti-Nhà trắng của bà Clinton trong thời gian qua.
Tháng trước, sau nhiều lần từ chối bày tỏ quan điểm về đường ống Keystone XL, bà Clinton đã công khai chỉ trích việc xây dựng đường ống này vì lý do nguy hại tới môi trường. Ngay sau đó, bà cũng tuyên bố phản đối việc đánh thuế các lợi ích bảo hiểm đắt đỏ thuộc Obamacare.
Ngoài ra, bà Clinton cũng khẳng định sẽ thực hiện triệt để hơn cải cách nhập cư và các điều luật kiểm soát súng đạn - những chính sách đối nội mà các nghị sĩ Dân chủ theo chủ nghĩa tự do đang gây áp lực buộc cựu Ngoại trưởng Mỹ phải theo đuổi.
Về đối ngoại, bà Clinton cũng ủng hộ việc thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Syria, điều mà chính phủ Tổng thống Obama vẫn muốn tránh.
Dù Nhà Trắng không ngạc nhiên trước tuyên bố của Hillary Clinton vì cấp dưới của bà đã báo trước cho họ, nhưng không thể phủ nhận sự bất đồng đã lên tới đỉnh điểm giữa cựu Ngoại trưởng Mỹ và những người "sếp cũ" của bà.
Trên chính trường, vừa chiều lòng mọi phía vừa đạt được mục đích của mình chẳng khác nào nhiệm vụ bất khả thi. Vì chiếc ghế Tổng thống, "phản bội" sếp cũ âu cũng chỉ là một phần của cuộc chơi.
Hillary Clinton - Ngoại trưởng Mỹ đã là quá khứ. Hillary Clinton - ứng viên Tổng thống Mỹ là hiện tại. Và để có được dòng chữ Hillary Clinton - Tổng thống Mỹ trong tương lai, hiển nhiên bà phải làm như vậy.