Tư lệnh Mỹ khẳng định lập trường cứng rắn
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ Harry Harris đã bắt đầu chuyến công du Trung Quốc kể từ hôm 2/11.
Ngay trước thềm chuyến công du của ông Harris, quân đội Mỹ hôm 27/10 đã điều động tàu khu trục USS Lassen tới tuần tra khu vực 12 hải lý các đảo, đá của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam-PV).
Mục đích của Washington là "kiểm tra tình trạng tự do hàng hải và hàng không" ở vùng biển quốc tế.
Dù vậy, theo nhà nghiên cứu Đinh Đông, chuyến đi Trung Quốc của Tư lệnh PACOM không có liên quan trực tiếp với sự kiện trên như một số báo Trung Quốc đưa tin.
Đây là chuyến công tác đã được Mỹ-Trung thảo luận và lên lịch trình từ trước đó, nhưng lại "trùng hợp" xảy ra sự kiện tàu USS Lassen.
Thượng tướng Phòng Phong Huy - Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc - trong cuộc hội đàm với Đô đốc Harry Harris hôm 3/11 tại Lầu Bát Nhất cho biết: "Những hành động gần đây của quân đội Mỹ tại biển Đông đã mang lại bầu không khí kém hòa hảo cho chuyến thăm của ông Harris."
Tướng Phòng đồng thời đính chính lại thông tin về chuyến thăm và tỏ thái độ tiếc nuối, chứng minh Đô đốc Harris không tới Bắc Kinh để "nhượng bộ", hay thậm chí là "cầu hòa" với Trung Quốc như một số ý kiến nêu ra - chuyên gia Đinh Đông nhận định.
Đô đốc Harris (trái) trước cuộc hội đàm với Thượng tướng Phòng Phong Huy tại Lầu Bát Nhất hôm 3/11. Ảnh: Chinanews.
Trước khi tới Trung Quốc, ông Harris cũng nói với truyền thông rằng sẽ không đề cập tới sự kiện hôm 27/10, tuy nhiên cuối cùng ông cũng không tránh khỏi chủ đề nhạy cảm này.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Stanford thuộc Đại học Bắc Kinh, tướng Harris nhắc lại việc Mỹ tuần tra biển Đông là một phần trong "kế hoạch tuyên bố tự do hàng hải" của Washington.
"Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục đi qua, bay qua các vùng biển, vùng trời trong phạm vi luật pháp quốc tế cho phép," ông nói và tái khẳng định khu vực biển Đông không phải là một ngoại lệ.
Harry Harris cũng cho rằng Trung Quốc "không cần lấy làm lạ" trước tuyên bố của Lầu Năm Góc rằng sẽ thực hiện tuần tra định kỳ ở biển Đông "mỗi quý 2 lần".
Đáng chú ý, vị Tư lệnh Mỹ cũng chỉ ra, "'đường 9 đoạn' cũng như các tuyên bố chủ quyền khác mà Trung Quốc đưa ra sẽ không đứng vững".
Học giả Đinh Đông nhận xét, tuyên bố này của Đô đốc Harris ăn khớp với một thông cáo gần đây của Tòa trọng tài quốc tế La Hague (PCA).
Ông Đinh viết: "Nội dung diễn thuyết của Harris, không cần nghi ngờ gì, chính là phản ứng đối với những vấn đề Trung Quốc nêu ra trong cuộc hội đàm.
Nhìn từ các báo cáo công khai và phát biểu của ông Harris, có khả năng ông này đúng là không nhắc tới sự kiện USS Lassen, nhưng chính ông không thể ngăn cấm phía Trung Quốc đơn phương đưa vấn đề này lên bàn nghị sự."
Theo ông Đinh, việc Trung Quốc "phàn nàn" với Mỹ là hết sức bình thường, mặc dù sau cùng song phương vẫn nhìn nhận vấn đề theo hướng thỏa hiệp.
Ông bình luận: "Tuy nhiên, nếu đại diện quân đội Trung Quốc im lặng trong cuộc gặp với Đô đốc Harry Harris thì họ sẽ khó mà đối diện với dư luận cũng như những người theo chủ nghĩa dân tộc."
Trong khi đó, một phản ứng đáng chú ý khác từ phía Trung Quốc là phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã ví bài diễn thuyết của tướng Harris "như một vở kịch tự biên tự diễn".
"Lập trường của Trung Quốc cuối cùng vẫn lui lại một chút trước Mỹ. Ông Harris tuyên bố 'tiếp tục tuần tra quân sự biển Đông' ngay ở Bắc Kinh, cho thấy Trung Quốc vẫn chưa thể làm thay đổi quy tắc và luật pháp quốc tế hiện hành," ông Đinh Đông viết.
Cuộc hội đàm Harry Harris-Phòng Phong Huy không thể tránh khỏi sự kiện tàu USS Lassen hôm 27/10. Ảnh: Chinanews.
Viễn cảnh tương lai: Mỹ-Trung sẽ "giằng co" trường kỳ
Trong bối cảnh Mỹ chuyển dịch sức mạnh quân sự sang châu Á-Thái Bình Dương, ông Harris, trong vai trò người đứng đầu PACOM, nhận được sự trọng thị cao từ quân đội Trung Quốc.
Ngoài tướng Phòng Phong Huy, "quyền lực số 2" của quân đội Trung Quốc là Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Phạm Trường Long cũng hội kiến Đô đốc Harry Harris, trong khi Phó tổng tham mưu trưởng Tôn Kiến Quốc đích thân tiếp đãi viên tướng Mỹ.
Đinh Đông đánh giá: "Quy cách đón tiếp này gần như là 'độc nhất vô nhị' trong hoạt động ngoại giao quân sự của Trung Quốc với nước ngoài.
Đây cũng thể hiện sự chú trọng đặc biệt của Trung Quốc đối với Tư lệnh PACOM cũng như quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời tiết lộ mâu thuẫn song phương ở châu Á-Thái Bình Dương đã leo thang lên mức độ chiến lược."
Xét từ khía cạnh khác, chuyến thăm của ông Harris cũng là cơ hội để giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc trực tiếp đưa ra những tuyên bố phản đối của mình tới phía Mỹ.
Trong cuộc hội kiến với Harris, tướng Phạm Trường Long cũng gọi các hành động của Mỹ là "tạo thành mối đe dọa" đối với Trung Quốc.
Ngoài các ông Phạm, Phòng, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Ất Hiểu Quang cũng cảnh cáo Đô đốc Mỹ khi nói rằng "sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết" để đối phó khi cần.
Nhà nghiên cứu Đinh Đông cho rằng, thái độ của các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc cũng như Bộ ngoại giao nước này đã trở nên rõ ràng và cứng rắn hơn so với trước đây.
"'Mọi biện pháp cần thiết' ở đây tất nhiên là bao gồm vũ lực," ông cho biết.
"Chiếu theo logic phát triển thông thường, việc Mỹ biến tuần tra biển Đông thành thông lệ hiển nhiên sẽ làm dấy lên quan ngại rằng quân đội Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao trong lần tiếp theo?
Căn cứ vào tác phong thường thấy của chính phủ Trung Quốc, rất có thể Bắc Kinh sẽ có phản ứng cứng rắn đối với tàu chiến của Mỹ, và tình huống xấu nhất là sẽ xảy ra xung đột trên biển Đông."
Tuy vậy, học giả này phân tích: "Liệu sự việc có diễn biến tiêu cực như vậy? Có lẽ đáp án nằm ngay trong phát biểu của Đô đốc Harris.
Ông nói rằng, quân đội Mỹ-Trung có viễn cảnh và lĩnh vực hợp tác hết sức rộng lớn, tin tưởng song phương có thể kiểm soát tốt mâu thuẫn, đồng thời nâng quan hệ quân đội lên một tầm cao mới."
Washington chắc chắn sẽ tiếp tục hành động như những gì đã tuyên bố song song với mục tiêu quan trọng để phát triển quan hệ hợp tác quân đội Mỹ-Trung là phải quản lý tốt mâu thuẫn.
Trong khi đó, Trung Quốc trên thực tế cũng chưa thể "tự do hành động" như mong muốn.
"Đây chính là hiện trạng cục diện quan hệ quốc tế và chắc chắn sẽ duy trì trong thời gian dài," ông Đinh kết luận.