Từ Alaska đến Biển Đông, ông chủ Lầu Năm Góc quyết tâm xoay trục

Đức Huy |

Tạp chí The Diplomat đã điểm qua những nét chính chuyến công du mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại một số điểm nóng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuần trước, Ashton Carter khởi động đợt công du marathon của mình với chuyến thăm Alaska. Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của bang này tới các chính sách châu Á và Bắc cực của Mỹ.

3 ngày trước, ông Carter tới Seoul để hội đàm với người đồng cấp bên phía Hàn Quốc, ông Han Min Koo. Hôm qua, ông chủ Lầu Năm Góc lại đặt chân tới Malaysia để tham dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Tại Seoul, không có gì ngạc nhiên khi những chủ đề được thảo luận giữa Carter và Han chủ yếu xoay quanh Triều Tiên, trong đó nổi bật là hạt nhân và tiềm lực mạng của người láng giềng phương Bắc.

Cả hai vị Bộ trưởng đều nhấn mạnh ưu tiên phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. đồng thời khẳng định chính sách "không khoan nhượng" đối với mọi hình thức thử hạt nhân hay bắn tên lửa tầm xa vẫn còn hiệu lực.

Ông Han (chỉ tay) và ông Carter (áo đen) thị sát tại một đài quan sát dọc biên giới hai miền Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Ông Han (chỉ tay) và ông Carter (áo đen) thị sát tại một đài quan sát dọc biên giới hai miền Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Cuộc đối thoại Carter-Han tại Seoul diễn ra trong khuôn khổ cuộc họp thường niên nhằm đánh giá sự hợp tác giữa hai nước đồng minh. Phát biểu với truyền thông, lãnh đạo quân đội hai nước đều khẳng định quan hệ Mỹ-Hàn đang "tốt đẹp nhất từ trước đến nay".

The Diplomat đánh giá, có thể coi chuyến thăm của ông Carter như một biện pháp trấn an tinh thần với đồng minh xứ củ sâm, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Seoul đang ở mức cao kể từ tháng 8.

Sau vụ hai lính Hàn Quốc bị thương nặng do giẫm phải mìn của Triều Tiên, Hàn Quốc đã đáp trả bằng việc bật loa phát thanh tuyên truyền dọc khu phi quân sự (DMZ) giữa biên giới hai nước.

Kéo theo đó là một màn đấu pháo giữa hai nước, diễn ra ngay trong khi quân đội Mỹ-Hàn đang tập trận, tuy không gây ra thương vong nhưng đã khiến quan hệ liên Triều rơi vào trạng thái đóng băng kể từ đó đến nay.

Một chủ đề quan trọng khác được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thảo luận là OPCON. Trong trường hợp xảy ra giao tranh với Bình Nhưỡng, Mỹ sẽ là nước nắm quyền kiểm soát quân đội Hàn Quốc, cùng với 28.000 lính Mỹ đóng trên bán đảo Triều Tiên.

Vừa qua, hai nước đã đạt được thỏa thuận trao lại trách nhiệm kiểm soát cho quân đội Hàn Quốc, với một số điều kiện nhất định.

Chi tiết những điều kiện cần và đủ cho việc chuyển giao OPCON vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, sau cuộc gặp Carter-Han, một số nội dung đã được tiết lộ. Phía Mỹ cho biết Hàn Quốc cần cải thiện khả năng tình báo và khả năng chống pháo kích của mình.

Hệ thống vệ tinh DSP của Mỹ đặt tại Hàn Quốc, giúp phát hiện tên lửa hạt nhân từ Triều Tiên. Ảnh: Chosun
Hệ thống vệ tinh DSP của Mỹ đặt tại Hàn Quốc, giúp phát hiện tên lửa hạt nhân từ Triều Tiên. Ảnh: Chosun

Sự chuyển giao này sẽ chưa được thực hiện ngay lập tức mà phải đợi đến khoảng năm 2025, khi quân đội Seoul đã "đủ lông đủ cánh", với việc hoàn thành lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa KAMD.

Ông Han nhấn mạnh hệ thống phòng thủ mới của Hàn Quốc sẽ đóng vai trò sống còn trong việc đối phó với các mối đe dọa hạt nhân từ phía Triều Tiên, đồng thời cũng tương thích với hệ thống của Mỹ.

Khép lại chuyến thăm Hàn Quốc, hôm qua, ông Carter tiếp tục cuộc "chạy sô" của mình, với điểm đến là thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang tham gia cuộc họp ADMM+ với những người đồng cấp bên phía ASEAN.

Một cái vỗ vai trấn an

Theo đánh giá của The Diplomat, những điểm đến trong chuyến công du châu Á-TBD của ông Carter đã nói lên nhiều điều. Trước hết, Bắc cực là một khu vực quan trọng đối với rất nhiều quốc gia châu Á, điển hình là Trung Quốc, khi mới đây Bắc Kinh đã điều một hạm đội tàu ra eo biển Bering.

Sau đó là Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á, và cũng là một "bờ đê" đối với Washington trong việc ngăn cản các động thái gây hấn từ Triều Tiên. Và cuối cùng là hội nghị ADMM+, nơi Biển Đông đương nhiên là chủ đề được thảo luận nhiều nhất.

Mới đây, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, ông Carter sẽ đích thân tuần tra Biển Đông trên tàu USS Theodore Roosevelt vào ngày 5/11 tới.

Theo The Diplomat, bên cạnh những mục tiêu cụ thể tại mỗi điểm đến, chuyến công du của ông Carter, trên hết, sẽ đóng vai trò như một cái "vỗ vai" trấn an châu Á rằng dù có bận rộn thế nào tại Trung Đông và Đông Âu, thì Mỹ vẫn coi chiến lược "xoay trục châu Á" là ưu tiên hàng đầu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại