Đằng sau "cái bắt tay lịch sử thu hút cả thế giới"

Hải Võ |

Chính phủ Trung Quốc xác nhận, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu vào ngày 7/11 tới tại Singapore.

Truyền thông Trung Quốc bình luận cuộc gặp gỡ lịch sử này "sẽ thu hút mọi ánh mắt quan sát từ khắp nơi trên thế giới".

Tập Cận Bình-Mã Anh Cửu: Gọi nhau bằng "tiên sinh", cùng nhau ăn tối

Tân Hoa Xã đưa tin, Chủ nhiệm Văn phòng công tác Đài Loan Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Văn phòng sự vụ Đài Loan Quốc vụ viện Trung Quốc Truong Chí Quân ngày 4/11 tuyên bố, lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan sẽ gặp mặt tại Singapore vào ngày 7/11 tới.

Theo ông Trương, song phương đã tiến hành thảo luận về cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, đồng thời cho biết 2 ông "sẽ trao đổi ý kiến về việc phát triển hòa bình và quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan".

Trương Chí Quân nhấn mạnh, các ông Tập-Mã sẽ gặp nhau trong vai trò lãnh đạo của 2 bờ eo biển và thỏa thuận xưng hô là "tiên sinh" khi trao đổi.

Ông cho hay, cuộc gặp này được kỳ vọng sẽ khởi đầu một thời kỳ mới trong quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan, với một cơ chế trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo đôi bên để tạo lòng tin và cơ sở chính trị chung giữa song phương.

Trương Chí Quân gọi cuộc gặp mặt đầu tiên giữa lãnh đạo Trung Quốc đại lục-Đài Loan kể từ năm 1949 là "đại sự có ý nghĩa cột mốc trong lịch sử phát triển quan hệ đôi bờ".

Trong khi đó, người phát ngôn "phủ Tổng thống" Đài Loan Trần Dĩ Tín tối 3/11 xác nhận: "Ông Mã Anh Cửu sẽ tới Singapore vào ngày 7/11, gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trao đổi ý kiến về các vấn đề đôi bờ".

Trần Dĩ Tín cũng cho biết chuyến đi của ông Mã Anh Cửu nhằm "củng cố hòa bình đôi bờ, duy trì hiện trạng biển Đài Loan", nhưng khẳng định 2 ông Tập-Mã sẽ không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào cũng như không phát biểu tuyên bố chung.

Theo Tân Hoa Xã, kết thúc cuộc gặp, 2 nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau ăn tối, sau đó ông Mã Anh Cửu sẽ trở về Đài Loan ngay trong ngày mùng 7.


Ông Tập Cận Bình tiếp Chủ tịch Quốc dân đảng Đài Loan Chu Lập Luân (trái) tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh hôm 4/5/2015. Ảnh: CNA

Ông Tập Cận Bình tiếp Chủ tịch Quốc dân đảng Đài Loan Chu Lập Luân (trái) tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh hôm 4/5/2015. Ảnh: CNA

"Tập-Mã hội": Những điều không thể bỏ qua

Lưu Hồng - Phó tổng biên tập Tạp chí Hoàn Cầu (Trung Quốc) do Tân Hoa Xã chủ quản - đánh giá ý nghĩa lịch sử của cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu là "không thể phủ nhận".

Ông Lưu cho biết: "Bất kỳ lãnh đạo nào đều muốn theo đuổi danh tiếng và vị thế mang tính lịch sử. Mặc dù 'Tập-Mã hội' ngày 7/11 mới chỉ mang tính hình thức, song vẫn có ý nghĩa to lớn đối với 2 nhà lãnh đạo.

Suy cho cùng, đây vẫn là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo 2 bờ eo biển sau 66 năm. Đối với ông Mã Anh Cửu - người đang ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ - thì đây sẽ là một 'di sản chính trị' quan trọng."

Theo Lưu Hồng, thái độ tương đối thân Bắc Kinh của Mã Anh Cửu và Quốc dân đảng Đài Loan là không cần phải nghi ngờ, tuy nhiên ông Mã không đạt được đột phá nào về vấn đề quan hệ đôi bờ eo biển sau nhiều năm cầm quyền.

"Nguyên nhân quan trọng khiến Mã Anh Cửu bất ngờ 'mạnh dạn' yêu cầu tổ chức gặp mặt với Chủ tịch Tập Cận Bình chính là vị thế cầm quyền của Quốc dân đảng đang đứng trước thách thức.

Trong tình hình hiện nay, đảng Dân tiến (có quan điểm 'ít thân' đại lục hơn) rất có khả năng chiếm vị trí của Quốc dân đảng.

Điều này buộc ông Mã Anh Cửu tung ra 'đòn quyết đấu cuối cùng' để lấy lại danh tiếng cho đảng mình trong lĩnh vực mà họ có ưu thế vượt trội nhất - quan hệ với Trung Quốc đại lục," ông Lưu bình luận.

Người phát ngôn Nhà Trắng
Josh Earnest
Chúng tôi chắc chắn sẽ hoan nghênh những bước đi được cả 2 bên eo biển Đài Loan thực hiện nhằm cố gắng xoa dịu căng thẳng cũng như cải thiện quan hệ giữa 2 bờ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải theo dõi để xem kết quả thực sự của cuộc gặp này.

Chuyên gia này chỉ ra, chuyến đi Singapore của Mã Anh Cửu diễn ra trong bối cảnh ông này không còn là Chủ tịch Quốc dân đảng và không còn tiếng vang như trước.

"Trong bối cảnh như vậy, cuộc gặp Tập-Mã càng giúp ông Tập Cận Bình thể hiện được tác phong 'nhìn xa trông rộng', không câu nệ.

Nếu đảng Dân tiến lên nắm quyền, thậm chí là duy trì trong nhiều năm, thì khả năng hội ngộ giữa lãnh đạo Đài Loan-Trung Quốc cũng không thể loại trừ.

Mặt khác, dù Bắc Kinh tiếp tục đàm phán với Quốc dân đảng thì cũng không có nhiều khác biệt so với 10 năm trước.

Với tình trạng 'báo động' của Quốc dân đảng, việc Bắc Kinh ra tay 'giúp' họ cũng có lợi cho ổn định hòa bình đôi bờ."

Dù vậy, theo Lưu Hồng, "Tập-Mã hội" dù mang ý nghĩa lịch sử và có thể thu về kết quả tích cực, nhưng được tổ chức "quá muộn".

Mã Anh Cửu cầm quyền 8 năm và chỉ xúc tiến cuộc gặp với ông Tập khi vị thế lãnh đạo của đảng mình lung lay.

Trong khi đó, ông Lưu tỏ ra bi quan khi đánh giá trong thời gian ngắn, Đài Loan khó có thể xuất hiện một nhà lãnh đạo có thái độ "gần gũi Trung Quốc" như Mã Anh Cửu.

"Nếu cuộc hội đàm Tập-Mã diễn ra sớm một vài năm, rất có thể quan hệ đôi bờ cũng không rơi vào tình trạng trì trệ, không tiến triển như hiện tại, thậm chí Quốc dân đảng sẽ không bị suy yếu."

"Lịch sử không cho phép đặt giả thiết, cho nên đây chỉ có thể là một sự kiện lịch sử đáng tiếc nuối. Nhưng dù sao, Mã Anh Cửu đã không bỏ lỡ cơ hội cuối cùng này," Lưu Hồng kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại