Một thủ lĩnh của nhóm nổi dậy kể lại rằng lực lượng của ông đã bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đánh bật khỏi quê hương mình và nói ông sẽ làm tất cả mọi thứ để giành lại khu vực đó.
Nhưng ông liệt kê một loạt những gì mà ông đang cần hiện nay, đó là đạn dược, thiết bị liên lạc, các loại vũ khí hạng nặng và các cuộc không kích của Mỹ.
“Hiện tại chúng tôi đang cố gắng chiến đấu chống lại IS bằng những loại vũ khí thô sơ”, ông nói và chỉ tay vào một binh lính mặc trên mình quần áo đã rách và bẩn, gương mặt lộ vẻ mệt mỏi.
Bên cạnh vấn đề hậu cần, liên minh chống IS phải đối mặt với một khó khăn khác. Mặc dù các phần lãnh thổ cần được giành lại đều là của người Ả Rập, phần lớn lực lượng chống IS lại là những dân quân người Kurd.
Điều này có thể sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng của Mỹ, không hài lòng khi quốc gia này coi khu vực của người Kurd là một mối đe dọa an ninh. Bản thân binh sĩ người Kurd cũng không muốn chiến đấu ở những khu vực đó.
Theo ông Talal Sillu, phát ngôn viên của liên minh, lực lượng liên minh chống IS ở Syria sẽ được lãnh đạo bởi một hội đồng 6 người, nhưng ông cho biết cho đến nay mới chỉ có ông là thành viên duy nhất của hội đồng này.
Tuần trước, Tổng thống Obama đã công bố kế hoạch triển khai một số lính đặc nhiệm để hỗ trợ liên quân. Trước đó, các quan chức Mỹ cho biết đã có đến 50 tấn đạn được đã được thả từ trên không cho các lực lượng nổi dậy.
Tuy nhiên cũng chính họ thừa nhận rằng các lực lượng Ả Rập tại Syria không có phương tiện cần thiết để vận chuyển chúng và do đó họ đã phải liên lạc với người Kurd.
Một loạt những nhóm vũ trang đã liên kết với dân quân người Kurd, nhưng mặc dù họ đều ghét IS, phần lớn trong số này đều là những lực lượng nhỏ và đã nhiều lần bị IS vây đánh.
Không chỉ có vậy, trong khi lực lượng người Kurd đã quen với việc giành lại lãnh thổ, có tổ chức rõ ràng thì những nhóm vũ trang Ả Rập lại rất lộn xộn.
Quan hệ giữa các nhóm nổi dậy cũng không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Với sức mạnh của lực lượng người Kurd, họ là người có quyền lực nhất và nhiều nhóm tỏ ra coi thường các nhóm nổi dậy Ả Rập.
Còn về phía người Ả Rập, họ lo ngại rằng những đồng minh người Kurd có quan hệ gần gũi với Đảng Lao động Kurdistan (PKK), tổ chức mà Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước trên thế giới coi là tổ chức khủng bố.
Họ cũng nghi ngờ động cơ của các lực lượng người Kurd đến từ Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tới Syria.
“Giữa các nhóm này hoàn toàn không có mối liên kết chặt chẽ nào mà chỉ là hợp tác tạm thời mang tính đối phó”, ông Barak Barfi, một nhà nghiên cứu chính trị Mỹ cho biết.
“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là phải bảo vệ được khu vực của mình cũng như sự an toàn của phụ nữ và trẻ em”, ông Sheikh Hmeidi Daham al-Jarba, thủ lĩnh của một lực lượng nổi dậy người Ả Rập mới đây đã gia nhập liên minh chống IS.
“Một bên là người Kurd còn bên kia là IS, chúng tôi có lựa chọn nào khác đây?”.