Hồi tuần trước, Mỹ đã công bố một chiến lược mới trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
Lần đầu tiên các cố vấn quân sự của Mỹ sẽ có mặt trên thực địa Syria, các cố vấn đang có mặt tại Iraq cũng sẽ di chuyển đến gần các chiến tuyến, còn các lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ được điều động tới cả hai chiến trường này.
Những động thái mới nói trên làm gia tăng khả năng sẽ có thêm nhiều binh sĩ Mỹ hy sinh trong cuộc chiến này, nhiều như Washington đã nhìn thấy hai tuần trước với cái chết của chỉ huy lực lượng Delta tại Iraq, Josshua Wheeler và nhiều binh sĩ khác bị thương.
Những thay đổi này cũng sẽ làm gia tăng chi phí cho cuộc chiến chống IS.
Đến nay, Mỹ đã chi hơn 2,7 tỉ USD cho cuộc chiến này với chi phí trung bình mỗi ngày là khoảng 9 triệu USD.
Tuy nhiên, nếu chỉ tính những con số thương vong hay số tiền mà Mỹ đã phải bỏ ra cho cuộc chiến chống IS thì quá đơn giản.
Những cái giá mà Mỹ phải trả còn bao gồm cả những xáo trộn và những vấn đề phát sinh tác động tới chính sách ngoại giao của Mỹ.
Máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS George H.W. Bush ở vùng Vịnh, tham gia chiến dịch không kích các mục tiêu của IS tại Syria và Iraq. Ảnh: AFP-TTXVN
Syria là nơi tích tụ những xáo trộn. Có thể thấy mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ ở Syria là lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, với cáo buộc ông Assad đã sát hại chính người dân nước mình.
Giờ đây, chính những người này lại đang phải hứng chịu thêm những cuộc không kích hoặc tấn công trên bộ từ Mỹ, Nga, Anh, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Canada, Australia, Iran, một số nước vùng Vịnh, IS và các nhóm tương tự.
Hậu quả là gì? Những khu vực rộng lớn ở Syria đã trở thành những đống đổ nát, hơn 240.000 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột và gần 12 triệu người - chiếm một nửa dân số đất nước - buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Các tác nhân trong cuộc xung đột này dường như đang đi theo chiến lược “tiêu diệt để bảo vệ” giống như trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Công việc tái thiết đất nước Syria sẽ rất tốn kém, dù chưa biết ai sẽ phải chi trả cho hóa đơn khổng lồ đó.
Trong khi đó, cái giá mà Mỹ đang phải trả để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong chính sách đối ngoại của nước này đang vượt ra ngoài vấn đề Syria.
Xét trên phương diện nào đó, Thổ Nhĩ Kỳ- đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)- coi IS là công cụ để chống lại những tham vọng của người Kurd.
Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- Syria được sử dụng làm điểm trung chuyển chính cho các chiến binh nước ngoài đang tiến xuống phía Nam, dù Ankara bác bỏ việc mình "nhắm mắt làm ngơ".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi IS dùng để bán dầu ra "chợ đen" dưới những điều kiện khá mập mờ. Không ngạc nhiên khi những nỗ lực ban đầu của Mỹ nhằm khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc chiến chống IS đã đạt được một số thành công.
Và nỗ lực này có vẻ như đã thay đổi theo hướng tốt hơn kể từ tháng 8 vừa qua, khi Washington đạt được một thỏa thuận cho phép họ thực hiện các chiến dịch không kích tại Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ. T
uy nhiên, trong cùng ngày thỏa thuận này được công bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức tiến hành một chiến dịch không kích chống các nhóm người Kurd có quan hệ với lực lượng chiến đấu hiệu quả duy nhất mà Mỹ đã tìm được cho đến nay- các binh sĩ Peshmerga.
Một quan chức Mỹ đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ lừa đảo, sử dụng thỏa thuận này làm vỏ bọc cho chiến dịch tấn công cộng đồng người Kurd ở Bắc Iraq.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ khác lại có cách nhìn nhận khách quan hơn khi phân biệt giữa những người cánh tả, nhóm chiến binh người Kurd bị đánh bom (Đảng Công nhân người Kurd- PKK) và các chiến binh Peshmerga hợp pháp, và tuyên bố rằng “Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng quyền tự vệ của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Các chiến binh người Kurd tại khu vực thị trấn Bashiqa, Iraq ngày 16/8. Ảnh: AFP-TTXVN
Dĩ nhiên người Kurd đang chiến đấu vì lợi ích của chính họ chứ không phải là vì Mỹ.
Giấc mộng của người Kurd về một dân tộc vượt ra ngoài liên minh phía Bắc Baghdad chính là mối đe dọa đối với bất cứ hy vọng nào của Mỹ về một Iraq thống nhất, cũng như với Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Sự hỗ trợ của người Kurd chống IS sẽ đi kèm một cái giá: đó là những tham vọng dân tộc của người Kurd, vốn bị phủ nhận kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, sẽ được đưa ra cùng với bất cứ nghị quyết nào về Syria.
Và đây là một đòi hỏi quá cao về ngoại giao.
Tại Iraq, cuộc chiến chống IS của Mỹ đồng nghĩa với việc Washington phải chấp nhận vị thế dẫn đầu của Iran, chấp nhận triển khai các chiến dịch đặc biệt và vũ khí ở một đất nước mà chỉ vài năm về trước, binh sĩ Mỹ đã từng hy sinh vì mục tiêu "bảo vệ".
Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Iran cũng kéo theo việc Mỹ phải chấp nhận các lực lượng dân quân người Shi’ite trên thực địa, sau khi quân đội Iraq bị IS đánh đuổi.
Sẽ rất khó để kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực; chẳng hạn Mỹ đã phải mời Iran tham gia vòng đàm phán hòa bình mới về Syria. Điều đó đã mang lại cho Iran quyền lên tiếng trong việc giải quyết vấn đề Syria, và Iran thì ủng hộ ông Assad.
Ngoài ra, còn có cả Nga, quốc gia dưới vỏ bọc là chiến đấu chống IS, đã nhanh chóng tái thiết lập vị thế cường quốc quân sự của mình ngay giữa Trung Đông.
Cho đến nay, Mỹ đã có thể tương đối yên tâm khi không nước nào có sức mạnh quân sự đủ để thách thức các bước đi của Mỹ trong khu vực.
Tuy nhiên, giờ đây, bất cứ một sự thay đổi đáng kể nào ở Syria lại phụ thuộc vào quyền phủ quyết của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Với quyền đó, ông Putin đã có một số cuộc mặc cả ngoại giao mới để có thể giải quyết một số vấn đề ở các địa bàn khác trên thế giới.
Thực tế cho thấy IS vẫn đang rất mạnh và việc đánh bại nhóm khủng bố này không đơn giản là chỉ cần một chiến lược khu vực.
Việc Mỹ tăng cường can thiệp quân sự để giải quyết vấn đề này dường như không thể giảm bớt những xáo trộn, hoặc cải thiện những thách thức về chính sách đối ngoại.
Đây là một bước đi sẽ phải trả giá rất đắt mà những hy vọng chiến thắng thì quá nhỏ nhoi. Và chưa biết ai sẽ thực sự có đủ khả năng làm điều đó?