ASEAN phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo

Hoàng Duy |

Trong những tháng qua, nhiều tàu hạm đội 7 đã tuần tra trên biển Đông.

Hãng tin Kyodo News (Nhật) ngày 28-2 đăng bài viết với tựa đề“Hội nghị hẹp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không bằng lòng với hoạt động quân sự ở biển Đông của Trung Quốc”.

Hội nghị diễn ra ngày 27-2 tại thủ đô Vientiane (Lào). Về vấn đề biển Đông, tuyên bố chung được hội nghị ASEAN thông qua đã phản đối hoạt động xây đảo nhân tạo và củng cố cơ sở quân sự ở biển Đông.

Kyodo News ghi nhận tuyên bố chung không nêu đích danh Trung Quốc nhưng các hoạt động bị ASEAN phản đối nêu trên đều do Trung Quốc thực hiện.

Tuyên bố chung ghi nhận:

Các bộ trưởng ASEAN rất quan tâm đến diễn biến gần đây đang diễn ra ở biển Đông (ám chỉ hoạt động của Trung Quốc). Các bộ trưởng khẳng định các hoạt động này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, có thể làm phương hại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Các bộ trưởng ASEAN tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và tự do bay qua ở biển Đông.

Các bộ trưởng ASEAN kêu gọi các nước tranh chấp tránh các hoạt động có thể gây phức tạp tình hình thêm nữa và tiếp tục giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng đầy đủ tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hay sử dụng vũ lực.

Kyodo News nhận định như các hội nghị ASEAN trước, hội nghị ASEAN lần này tiếp tục nhấn mạnh cần thiết lập một bộ quy tắc ứng xử nhằm giảm nguy cơ dẫn đến xung đột ở biển Đông.

Báo Ashahi Shimbun (Nhật) dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong cho biết ASEAN sẽ tổ chức một hội nghị trao đổi về vấn đề biển Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian và địa điểm chưa được quyết định.

Ngoài vấn đề an ninh hàng hải, hội nghị hẹp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng bàn đến nhiều vấn đề khác, trong đó có các vấn đề an ninh phi truyền thống tiềm tàng như khủng bố, an ninh mạng, thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, di cư bất thường và buôn người.

Hội nghị hoàn toàn ủng hộ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các bên liên quan nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và nhanh chóng nối lại đàm phán sáu bên.

Liên quan đến vụ khủng bố ở Jakarta (Indonesia) hồi tháng 1, các bộ trưởng ASEAN tiếp tục khẳng định cam kết của ASEAN cùng cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác chống khủng bố.

Báo The Straits Times (Singapore) đưa tin sau hội nghị ASEAN tại Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nói với báo chí Singapore: Singapore là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, do đó ông sẽ tập trung bàn đến vấn đề thiết lập bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới.

Báo The Straits Times nhận định phát biểu trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc triển khai tên lửa và máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Ngày 28-2, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết ông Vivian Balakrishnan sẽ đến thăm Trung Quốc trong hai ngày từ 29-2.

Ngày 27-2 (giờ địa phương), hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đã phát thông cáo báo chí cho biết hôm trước đó, tàu đổ bộ USS Ashland đã thực hiện tuần tra thường lệ trong hải phận quốc tế ở biển Đông sau khi tham gia cuộc tập trận Hổ mang vàng 16 ở Thái Lan.

Thông cáo cho biết trong những tháng qua có nhiều tàu khác của hạm đội 7 đã tiến hành hoạt động tương tự, như các tàu khu trục phóng tên lửa USS Curtis Wilbur, USS Lassen và USS Preble, tàu tấn công đổ bộ USS Essex, tàu tuần dương USS Chancellorsville và tàu chiến đấu ven bờ USS Fort Worth.

Tàu USS McCampbell cũng đã thực hiện tuần tra tương tự vào ngày 22-2.

________________________________

Singapore không phải là nước tranh chấp. Bởi vì chúng ta là nước nhỏ, chúng ta phải kiên quyết duy trì một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.

Nói cách khác, chúng ta không thể có một thế giới mà trong đó sử dụng sức mạnh là đúng đắn.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore VIVIAN BALAKRISHNAN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại