Quốc gia từng bắn hạ 6 máy bay gồm cả Tu-22M3 khiến Nga "xấu hổ" vừa nhận thêm vũ khí Pháp

N. Tuấn Sơn |

Vào ngày 31/05 vừa qua, các loại vũ khí hiện đại như radar Ground Master GM403 và GM200 của Pháp cùng tên lửa Spyder đã được Phòng không Georgia trưng bày tại sân bay Alexeyevka.

"Chàng tí hon" từng khiến Không quân Nga choáng váng

Trong cuộc chiến tranh chỉ vỏn vẹn 5 ngày (2008), Georgia (hay Gruzia) - một quốc gia nhỏ bé được ví như "chàng tí hon" đã khiến "gã khổng lồ" Nga "choáng váng" khi chỉ trong vài ngày đã bắn hạ 6 máy bay chiến đấu hiện đại của Không quân Nga như Su-25SM, Su-25BM, Su-24M và thậm chí là cả một máy bay ném bom siêu âm tầm xa Tu-22M3.

Thành công của lực lượng phòng không Gruzia có được là do những sai lầm trong đánh giá đối phương của Nga.

Thứ nhất là đánh giá thấp năng lực phòng không của đối phương. Trước chiến tranh, Nga thừa biết phòng không Gruzia có những gì, đóng ở đâu, tính năng kỹ chiến thuật chi tiết của từng loại vũ khí ra sao.

Bởi lẽ, gần như toàn bộ những gì mà đối thủ nhỏ bé Gruzia sở hữu đều là các loại radar, tên lửa phòng không có xuất xứ từ Liên Xô và các quốc gia Đông Âu như tên lửa phòng không tầm trung Buk-M1 9K37M1 (NATO định danh là SA-11), tên lửa phòng không tầm gần Osa-AK (NATO định danh SA-8B) cùng một số tên lửa phòng không mang vác Strela-2, Igla.

Quốc gia từng bắn hạ 6 máy bay gồm cả Tu-22M3 khiến Nga xấu hổ vừa nhận thêm vũ khí Pháp - Ảnh 1.

Tên lửa phòng không tầm trung Buk-M1. Ảnh minh họa

Ngoài ra, tại thời điểm chiến tranh nổ ra, Gruzia được cho là đã sở hữu một vài tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Sypder-SR xuất xứ từ Israel sử dụng đạn đất đối không hoán cải từ tên lửa không đối không Derby và Python.

Bên cạnh đó là các đài radar nhìn vòng như ST-68U (sau này được Ukraine phát triển lên thành phiên bản 36D6 hiện đại hơn), P-18 cải tiến cùng một số đài radar thụ động xuất xứ từ Ukraine,...

Chính vì đánh giá thấp đối phương nên ngay từ đầu nhẽ ra Không quân Nga phải ưu tiên tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa phòng không Gruzia thì họ lại để máy bay chiến đấu của mình lao vào các vòng hỏa lực phục sẵn của đối phương và liên tiếp bị bắn hạ.

Thứ hai, Nga sử dụng chiến thuật lạc hậu và cứng nhắc khi để các chiến đấu cơ liên tục bay trên cùng một đường bay, bộc lộ quy luật trong khi Gruzia sử dụng chiến thuật phục kích hợp lý, chớp thời cơ tốt nên đã liên tiếp bắn hạ mục tiêu, khiến Không quân Nga phải trả giá rất đắt.

Trước đây trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" cuối tháng 12/1972, cũng vì cứng nhắc để các máy bay B-52 bay trên cùng đường bay trong nhiều ngày liên tiếp, Không quân chiến lược Mỹ đã bị Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam "bắt thóp" và bắn rơi liên tiếp nhiều siêu pháo đài bay.

Chính nhờ sự kiện đáng xấu hổ này, sau đó Không quân Nga đã cải tổ triệt để và có nhiều bước phát triển vượt bậc như hiện nay, dần dần lấy lại được vị thế của một siêu cường đúng nghĩa.

Gần đây nhất, mục đích của Nga khi đưa lực lượng Phòng không - Không quân sang Syria chiến đấu ngoài việc hỗ trợ đồng minh là Tổng thống Assad thì một trong nhưng ưu tiên quan trọng của Nga là thử nghiệm và xây dựng chiến thuật - nghệ thuật tác chiến phù hợp cho các loại vũ khí hiện có và sắp biên chế trong tương lai.

Quốc gia từng bắn hạ 6 máy bay gồm cả Tu-22M3 khiến Nga xấu hổ vừa nhận thêm vũ khí Pháp - Ảnh 2.

Máy bay ném bom Tu-22M của Không quân Nga.

Gruzia nhận thêm khí tài hiện đại từ Pháp

Cuộc chiến tranh Nga-Gruzia đã lùi xa, tuy nhiên, Moscow tiến rất nhanh thì Tbilisi cũng cố gắng tăng cường lực lượng phòng không của mình bằng nhiều vũ khí hiện đại.

Cụ thể, vào ngày 31/05/2018, tại Lễ kỷ niệm ngày truyền thống Phòng không - Không quân tổ chức tại căn cứ sân bay Alexeyevka, gần Thủ đô Tbilisi với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Gruzia Levan Isoria và Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Gruzia Vladimir Chachibaya, người ta thấy có sự xuất hiện của 2 loại radar mới.

Quốc gia từng bắn hạ 6 máy bay gồm cả Tu-22M3 khiến Nga xấu hổ vừa nhận thêm vũ khí Pháp - Ảnh 3.
Quốc gia từng bắn hạ 6 máy bay gồm cả Tu-22M3 khiến Nga xấu hổ vừa nhận thêm vũ khí Pháp - Ảnh 4.

2 đài radar của phòng không Gruzia mới nhận từ Pháp.

Đó là các đài radar cảnh giới nhìn vòng cơ động Ground Master GM403 và Ground Master GM200 cùng các hệ thống chỉ huy tích hợp do hãng Thales Raytheon Systems chế tạo theo hợp đồng trị giá hơn 56 triệu Euro (tương đương khoảng 65 triệu USD) ký năm 2015.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá đây là 2 trong số các loại radar cảnh giới phòng không thuộc loại tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Theo đó, Georgia (hay Gruzia) đã đặt mua 1 tổ hợp radar cảnh giới nhìn vòng tầm xa cơ động Ground Master GM403 (cự ly trinh sát tới 470km) và 2 tổ hợp radar cảnh giới nhìn vòng tầm trung cơ động GM200 (cự ly trinh sát tới 250km) do liên doanh Thales Raytheon Systems (giữa Raytheon của Mỹ và Thales của Pháp) sản xuất.

Các đài radar này cùng với trung tâm chỉ huy điều khiển đều được đặt trên khung gầm xe vận tải quân sự 4 cầu chủ động (cầu hình 8x8) do hãng Renault của Pháp chế tạo.

Đài radar cảnh giới nhìn vòng Ground Master 200 do Pháp chế tạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại