Quốc gia ĐNÁ đầu tiên có thể mua "sát thủ săn ngầm" Nhật Bản

Hải Vy |

Theo tờ Nikkei Asia Review, Thái Lan đang cân nhắc khả năng mua máy bay tuần tra biển P-1 cùng thủy phi cơ trinh sát/cứu hộ US-2 của Nhật Bản.

Đặc biệt, P-1 là mẫu máy bay tuần tra biển đầu tiên do Nhật Bản tự phát triển và chế tạo.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani dự kiến sẽ có cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan tại Bangkok trong hôm nay (7/6) để thảo luận một thỏa thuận vũ khí tiềm năng. Cũng trong cuộc gặp, 2 phía sẽ trao đổi khả năng tăng cường hợp tác công nghệ quốc phòng giữa 2 nước.

"Bản hợp đồng (điều kiện tiên quyết để xuất khẩu các thiết bị quốc phòng từ Nhật Bản) sẽ yêu cầu Thái Lan phải được Nhật Bản cho phép trước khi chuyển giao hoặc sử dụng bất cứ thiết bị nào đã được cung cấp và các công nghệ liên quan vào mục đích khác, thay vì mục đích ban đầu đặt ra" - Tờ Nikkei Asia Review viết.

Quốc gia ĐNÁ đầu tiên có thể mua sát thủ săn ngầm Nhật Bản - Ảnh 1.

 "Sát thủ săn ngầm" P-1 của Nhật Bản tại triển lãm hàng không RIAT 2015.

Nhật Bản đã chào bán máy bay tuần tra săn ngầm P-1 như phương án thay thế cho mẫu P-3 của tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) - hiện đang có trong biên chế của nhiều nước và vùng lãnh thổ như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan và Thái Lan.

Tháng 11 năm ngoái, các công ty Kawasaki Heavy Industries và NEC của Nhật Bản đã tham gia một triển lãm quốc phòng quốc tế tổ chức tại Bangkok. Ông Prawit cũng có mặt tại sự kiện này.

Theo Nikkei Asia Review, máy bay tuần tra P-1 (do Kawasaki sản xuất) được sử dụng để phát hiện tàu ngầm và tàu mặt nước. Máy bay trang bị công nghệ phát hiện âm thanh của NEC và sử dụng động cơ công suất cao của công ty IHI - chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí của Nhật Bản.

Còn thủy phi cơ US-2 (do ShinMaywa Industries sản xuất) có khả năng hạ cánh trên mặt biển, bay với tốc độ thấp và bay tầm xa.

Tokyo đã giới thiệu US-2 tới một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Ấn Độ.

Mặc dù New Delhi đã bày tỏ sự quan tâm đến mẫu thủy phi cơ này từ khá lâu (ít nhất là từ năm 2011) nhưng cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào được ký kết. Tới tháng 3 năm nay, các quan chức Nhật Bản tuyên bố Tokyo chưa có kế hoạch "bán hoặc chuyển giao" thủy phi cơ US-2 trong thời gian trước mắt.

Giới chuyên gia nhận định, nếu thỏa thuận lần này với Thái Lan suôn sẻ, khả năng chuyển giao công nghệ thủy phi cơ US-2 cho Bangkok có vẻ sẽ gặp phải ít thách thức hơn trong dài hạn (mặc dù các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và Ấn độ cho thấy điều ngược lại).

Ngoài Thái Lan, Nikkei Asia Review cho hay, Nhật Bản cũng đang đàm phán thỏa thuận tương tự với Malaysia và Indonesia. Cho tới nay, Tokyo mới đạt được thỏa thuận quốc phòng với một quốc gia Đông Nam Á, đó là Philippines.

Theo hợp đồng này, Nhật Bản sẽ cho Philippines thuê các máy bay huấn luyện TC-90 có khả năng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn khi có thảm họa, hỗ trợ các hoạt động cứu trợ nhân đạo, các nhiệm vụ trinh sát và cảnh báo.

Tokyo vẫn chưa vượt qua được hết các rào cản để xuất khẩu thiết bị quốc phòng sang quốc gia khác. Cách đây không lâu, nước này đã để vuột hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia vào tay Pháp. 

"Thất bại này cho thấy chúng tôi vẫn còn thiếu kinh nghiệm tiếp thị" - một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói.

Kawasaki P-1 là dòng máy bay tuần thám biển được biên chế cho Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản để thay thế cho mẫu P-3C Orion.

P-1 được trang bị 4 động cơ phản lực IHI Corporation F7, giúp nó đạt tốc độ bay tối đa 996km/giờ, tầm hoạt động 8.000km.

Để phục vụ cho nhiệm vụ tuần thám biển, Kawasaki P-1 được trang bị hệ thống radar AESA Toshiba HPS-106, thiết bị thủy âm cũng như các phao thủy âm chứa trong thân máy bay.

Về vũ khí, trên máy bay P-1 có 8 mấu treo vũ khí cùng 8 khoang chứa bom bên trong, nó có thể sử dụng các loại tên lửa chống hạm như AGM-84 Harpoon,ASM-1C, AGM-65 Maverick và các loại ngư lôi như MK-46, Type-97,...

"Sát thủ săn ngầm" P-1 Nhật Bản bay trình diễn tại RIAT 2015

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại