Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, hiện đại

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC LÂM - Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng |

Trong phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Đại hội XII của Đảng đã xác định: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh theo hướng lưỡng dụng; tăng cường nguồn lực, tạo cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...

Đại hội XII cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP), theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học-công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược...

Là một bộ phận của tiềm lực quốc phòng-an ninh đất nước, đồng thời cũng là một ngành kinh tế-kỹ thuật đặc thù của nền kinh tế quốc dân, ngành CNQP đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nguồn lực đầu tư để hiện đại hóa CNQP và năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhất là sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, ngành CNQP đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt công tác, trong đó nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, được Bộ Quốc phòng biểu dương, đánh giá cao.


Mô hình các sản phẩm của nganh đóng tàu quân sự Việt Nam.

Mô hình các sản phẩm của nganh đóng tàu quân sự Việt Nam.

Theo đó, tổ chức lực lượng của Tổng cục CNQP đã từng bước được củng cố theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, gắn nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa.

Một số tổng công ty được hình thành trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập các cơ sở CNQP hiện có theo nhóm sản phẩm, qua đó tập trung nguồn lực, phát triển năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Từng bước thực hiện chuyển đổi hoạt động của các Viện nghiên cứu sang mô hình tự chủ về tài chính theo Nghị định số 115/NĐ-CP của Chính phủ nhằm phát huy tiềm năng, vai trò, trách nhiệm của đơn vị, cán bộ nghiên cứu; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu đồng thời giảm chi tiêu ngân sách Nhà nước.

Các dự án đầu tư phát triển CNQP đã được triển khai quyết liệt, một số dự án hoàn thành đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư.

Năng lực sản xuất vũ khí trang bị của CNQP đã có chuyển biến rõ nét và có bước đột phá; chất lượng và độ tin cậy được nâng lên, tạo niềm tin cho người sử dụng.

CNQP đã có thêm năng lực sản xuất, sửa chữa nhiều sản phẩm mới, nhất là năng lực đóng tàu quân sự đã có bước phát triển vượt bậc.

Nhờ đó, đã đáp ứng một phần vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho quân đội, nâng cao khả năng và sức mạnh sẵn sàng chiến đấu, cũng như phục vụ nhiệm vụ huấn luyện...

Chất lượng sản phẩm quốc phòng được nâng cao đáng kể, tăng thời gian bảo quản, bảo đảm an toàn trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, tạo được niềm tin của bộ đội.

Năng lực sửa chữa VKTBKT cho lực lượng Hải quân và Phòng không-Không quân ngày càng tốt hơn.

Cùng với đó, việc kết hợp giữa sản xuất quốc phòng và kinh tế đã được quan tâm chỉ đạo và phát huy hiệu quả; yêu cầu lưỡng dụng trong các dự án đầu tư đã được chú trọng đúng mức.

Từ đó, có thêm điều kiện để giữ gìn đội ngũ, tích lũy tái đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người lao động.

Công tác nghiên cứu khoa học đã được chú trọng và có nhiều đổi mới, bám sát nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP.

Trình độ KHCN của các cơ sở CNQP nòng cốt từng bước được nâng lên; có hơn 80% VKTBKT do CNQP sản xuất là kết quả của các đề tài nghiên cứu trong nước.


Radar trinh sát thụ động do Việt Nam nghiên cứu chế tạo.

Radar trinh sát thụ động do Việt Nam nghiên cứu chế tạo.

Các cơ sở nghiên cứu cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tư vấn chuyển giao công nghệ trong nước; một số phòng thí nghiệm chuyên dùng đã được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại và bước đầu đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thiết kế các chuyên ngành vũ khí đạn, điện-điện tử, quang học…

Đội ngũ cán bộ của ngành CNQP, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật được tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng, cơ bản làm chủ được các công nghệ mới.

Việc huy động KHCN và công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng, phát triển CNQP đã được coi trọng. Hợp tác quốc tế về CNQP đã được mở rộng và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực...

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đúng như Đại hội XII của Đảng đã xác định: Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế-chính trị chiến lược ngày càng quan trọng trên thế giới; đồng thời, đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn.

Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp...

Quán triệt sâu sắc quan điểm Đại hội XII của Đảng về việc tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới, Tổng cục CNQP sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị mà cụ thể hóa là thực hiện Kế hoạch xây dựng, phát triển CNQP giai đoạn 2016-2020.

Trước mắt, trong năm 2016, Tổng cục sẽ hoàn chỉnh nội dung quy hoạch CNQP; chuẩn bị tốt nội dung sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 06; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả ngay từ đầu chương trình mục tiêu xây dựng và phát triển CNQP giai đoạn 2016-2020, nhằm tạo bước chuyển biến quan trọng về năng lực nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mới và sửa chữa các loại vũ khí trang bị.

Tiếp tục nghiên cứu soạn thảo, trình ban hành các văn bản quản lý nhà nước về CNQP theo đúng kế hoạch, phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP.

Đẩy mạnh việc phối hợp, hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để huy động các nguồn lực tham gia vào xây dựng, phát triển CNQP.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Tổng cục CNQP sẽ chuẩn bị chu đáo các yếu tố bảo đảm cho sản xuất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 với mức tăng trưởng đạt từ 6,7% trở lên.

Cụ thể, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất quốc phòng bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, đồng thời nghiên cứu định hướng phát triển sản phẩm mới tiên tiến, hiện đại để trang bị cho quân đội.

Hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các tàu quân sự đóng mới, đặc biệt là các tàu trọng điểm; nâng cao chất lượng công tác sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật tàu thuyền cho các đơn vị trong toàn quân; nghiên cứu, đề xuất triển khai đóng các gam tàu mới, hiện đại để trang bị cho các lực lượng thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục CNQP trong năm 2016 và các năm tiếp theo là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu KHCN, hướng vào thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực thiết kế chế tạo vũ khí mới, đồng thời duy trì tính ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng.

Tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ Quốc phòng trong chỉ đạo và điều hành triển khai các dự án đầu tư chương trình CNQP trong toàn quân.

Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ các dự án đầu tư trong Tổng cục; ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, bảo đảm các mục tiêu về trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại; nhanh chóng đưa các dây chuyền đã được nghiệm thu đi vào hoạt động.

Song song với triển khai các dự án đầu tư, Tổng cục cũng coi trọng xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại; xây dựng đào tạo các chuyên gia đầu ngành…

Để đưa nhanh các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trong đó có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng cục CNQP lần thứ IX nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X và nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong Tổng cục phải tập trung trí tuệ, huy động mọi nguồn lực và có giải pháp đồng bộ, thiết thực, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều đó cũng đòi hỏi người lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải có tinh thần “dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục và của từng đơn vị, cần tích cực “vào cuộc” ngay từ những tháng đầu, quý đầu của nhiệm kỳ mới.

Với quan điểm của Đảng: Từng bước xây dựng nền CNQP độc lập, tự chủ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm VKTBKT cho lực lượng vũ trang, ngành CNQP sẽ nỗ lực phấn đấu một cách cao nhất, phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần vượt khó và năng lực nội tại, tạo ra bước phát triển mang tính đột phá trong thời gian tới, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị-xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại