Vừa tuyên bố rắn với Nhật, Nga đưa Tor-M2U trực chiến tại Kuril

Hải Vy |

Tờ Rossiyskaya Gazeta đưa tin, Nga đã đưa hệ thống phòng không mới nhất Tor-M2U vào trực chiến tại Kuril để tăng cường khả năng phòng thủ cho quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản.

Trước đó, trong vòng 6 tháng qua, binh lính và sĩ quan quân đội Nga chỉ sử dụng hệ thống phòng không Tor-M2U ở chế độ thử nghiệm.

Theo hãng tin Sputnik, sở dĩ Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga lựa chọn hệ thống vũ khí đặc biệt này để bảo vệ vùng biên giới viễn đông là do khả năng chiến đấu của chúng.

Tor-M2U là hệ thống phòng không tầm ngắn thế hệ mới, có nhiệm vụ chính là bảo vệ các cơ quan chính phủ và cơ sở quân sự quan trọng nhất trước các cuộc tấn công bằng máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay không người lái của đối phương.

Mỗi hệ thống Tor-M2U mang theo 8 tên lửa cùng các ống phóng thẳng đứng. Hệ thống này mang lại một sự bảo vệ đáng tin cậy trước các mục tiêu bay của đối phương di chuyển với tốc độ lên tới 700m/s.


Hệ thống phòng không Tor-M2U. Ảnh: Sputnik

Hệ thống phòng không Tor-M2U. Ảnh: Sputnik

Không những có thể phát hiện và phân biệt 48 mục tiêu trên không, Tor-2MU còn có thể tự động xác định mục tiêu nào là nguy hiểm nhất.

Một khi quá trình "nhận diện" hoàn tất, hệ thống có thể bắn đồng thời 4 tên lửa vào các mục tiêu của đối phương. Tầm bắn của Tor-M2U từ 500m - 12km, độ cao tiêu diệt mục tiêu từ 10m-6km.

Nói cách khác, nếu máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay không người lái cỡ nhỏ hay thậm chí là khí cầu trinh sát của nước ngoài tới gần quần đảo Kuril, nó sẽ không thể thoát khỏi sự khống chế của Tor-M2U.

Hệ thống sẽ phát hiện được mục tiêu đối phương trong bất cứ điều kiện thời tiết nào, dù đêm hay ngày.

Tuyên bố rắn của Nga

Trước đó, hôm 23/9, hãng tin Sputnik (phiên bản Việt ngữ) đăng bài viết với tiêu đề "Nhật Bản cố chiếm Nam Kuril có nghĩa là sẽ chiến tranh quy mô với Nga".

Phỏng vấn chuyên gia Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ, Sputnik đặt tình huống: Giả sử có kịch bản xấu nhất là dùng vũ lực để chiếm quần đảo Nam Kuril? Ví dụ như Nhật Bản tự mình tiến hành hoặc là với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ?

Trước câu hỏi này, ông Kashin khẳng định: “Nhóm quân Nga bố trí trên Nam Kuril hiện nay đảm bảo rằng không thể chiếm đảo với sự hỗ trợ của đặc nhiệm hoặc loạt vũ khí tấn công điểm chính xác.

Lực lượng đồn trú khá dồi dào và được trang bị vũ khí hiện đại. Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng trong trường hợp nảy sinh mối hiểm họa thực tế từ bên ngoài thì có thể sử dụng cả vũ khí hạt nhân để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Cuộc tấn công vào Nam Kuril từ bên ngoài sẽ có nghĩa là xâm lược hiếu chiến, chống lại cường quốc hạt nhân, là chiến tranh quy mô với Nga, sẽ kéo theo tất cả những hậu quả tổn hại cho kẻ xâm lược”.

Nga tập trận tại quần đảo Kuril năm 2014.
Nga tập trận tại quần đảo Kuril năm 2014.

Sputnik tiếp tục đặt câu hỏi:

"Bằng việc củng cố hiện diện quân sự trên quần đảo Nam Kuril, Moscow dường như đang gửi cho thế giới tín hiệu rằng đây là quần đảo thuộc Nga một cách hoàn toàn hợp pháp theo kết quả Thế chiến II và kêu gọi cả những nước khác nhìn nhận lãnh thổ này như thế?".

Chuyên gia Kashin trả lời: “Đúng vậy. Vì thế việc tăng cường đơn vị Nga tại quần đảo Nam Kuril là một dạng bảo hiểm đề phòng kịch bản thảm họa dù ít có khả năng xảy ra. Trong đó, bảo hiểm này không chỉ phòng người Nhật Bản mà còn cả người Mỹ.

Đôi khi họ hành xử thất thường không tiên liệu được và có thể cố giải quyết vấn đề với Nga bằng phương pháp vũ lực. Nói tóm lại, khu vực tranh chấp cần được bảo vệ”.

Theo ông Kashin, quần đảo Kuril có ý nghĩa to lớn với Nga trong việc đảm bảo sự kiểm soát với vùng biển Okhotsk và cho hoạt động của Hải quân Nga.

Ông Kashin nhấn mạnh rằng, sẽ không có chuyện Nga rút quân khỏi Nam Kuril, bởi động thái như vậy sẽ gây phức tạp đột ngột cho vị thế chiến lược của đất nước.

Quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga hay Vùng lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi của Nhật Bản nay thuộc tỉnh Sakhalin của Nga.

Đây là một quần đảo núi lửa trải dài khoảng 1.300 km về phía Đông Bắc từ Hokkaido, Nhật Bản tới Kamchatka của Nga, ngăn biển Okhotsk bên tây bắc và Thái Bình Dương phía ĐôngNam.

Quần đảo này có khoảng 56 đảo và nhiều đảo đá nhỏ khác.

Sau khi phát xít Nhật bại trận vào năm 1945, Liên Xô chiếm đóng toàn bộ quần đảo Kuril từ phía Nhật, và nay là của Nga. Tất cả cư dân trên đảo sau đó đã được đưa sang định cư ở vùng Trung Á thuộc Liên Xô.

Tuy nhiên đến nay, Nhật vẫn khẳng định chủ quyền của mình ở 4 đảo cực nam của quần đảo này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại