Tờ RT đưa tin, hôm qua (1/4), nhiều trang báo Nga và các phương tiện truyền thông quốc tế đã dẫn lại một bài viết với nội dung không có thật do trang mạng EU Observer (trụ sở tại Brussels, Bỉ) đăng tải.
Theo bài viết này, Pháp đã đồng ý bán cho Liên minh châu Âu (EU) 2 tàu Mistral đóng cho Nga.
Trong đó, tàu “Sevastopol”, hiện đang tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển gần cảng St. Nazaire (Pháp), sẽ được triển khai tới cảng Riga của Latvia ngay tháng 5 tới.
Con tàu sẽ được đặt tên mới là “Juncker”, theo tên của chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.
Hãng thông tấn TASS (Nga) ban đầu đưa tin: Pháp có ý định chuyển giao tàu Mistral cho EU, thay vì Nga.
Thông tin sau đó mới khẳng định đây chỉ là một trò đùa.
Con tàu còn lại sẽ được đặt tên là “Mogherini”, theo tên của bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU.
Con tàu dự kiến được chuyển giao vào năm 2016 và sẽ đóng tại Lampedusa, một hòn đảo Italia- quê hương của bà Mogherini.
Hợp đồng trị giá 1,2 tỷ Euro này sẽ được tài trợ bởi Ủy ban châu Âu, Cơ quan quốc phòng châu Âu và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
RIA Novosti...
... và Interfax ban đầu cũng không nhận ra đây là trò đùa ngày Cá tháng Tư.
Tàu Juncker sẽ được vận hành bởi nhóm Benelux, với các quân nhân của Bỉ và Luxembourg, không bao gồm quân nhân Hà Lan.
Theo EU Observer, nhiệm vụ ban đầu của tàu Juncker là ngăn chặn “những hành động gây hấn” của Nga ở vùng Baltic. Tuy nhiên, con tàu sau đó sẽ được chuyển tới Luxembourg.
Còn tàu Mogherini sẽ do các thủy thủ Italia vận hành và sẽ đóng ở Lampedusa.
Ông Dmitry Peskov cho biết, Nga hy vọng Pháp sẽ thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng tàu Mistral. Ảnh: RT
Cơ quan chính sách đối ngoại của EU sau đó đã phủ nhận thông tin này và cho biết đó hoàn toàn là một trò đùa vào ngày Cá tháng tư.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cũng đã phủ nhận thông tin này, đồng thời nói thêm rằng Moscow hy vọng Paris sẽ thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng.
Hiện tại, trên trang EU Observer đã bổ sung thêm dòng chữ in nghiêng trước nội dung bài viết: “Bài báo này là một câu chuyện đùa trong ngày Cá tháng tư. Không có lời trích dẫn hay thông tin nào trong bài này là sự thật)".
Các trang báo của Nga cũng nhanh chóng đính chính sau khi biết thông tin trên EU Observer chỉ là một trò đùa tinh quái trong ngày Cá tháng tư.