Vũ khí sóng viba: Cuộc đua mới của Nga - Trung - Mỹ

Xuân Sơn |

Các cường quốc trên thế giới, dẫn đầu là Nga và Mỹ, đều đang nghiên cứu phát triển và tiến tới trang bị vũ khí sóng viba nhằm phá hủy các thiết bị điện tử của đối phương.

Nga

Nga đang phát triển vũ khí viba phòng không có khả năng tiêu diệt các thiết bị điện tử không được bảo vệ của đối phương ở khoảng cách vài km.

Theo báo chí Nga, tập đoàn sản xuất thiết bị của nước này (UIMC) đã phát triển nguồn phát sóng viba công suất lớn có thể “nướng chín” các thiết bị điện tử ở khoảng cách lên tới 10km, nhắm vào các mục tiêu báy may không người lái, có người lái, hoặc đạn dẫn đường.

“Chúng tôi phát triển hệ thống phát xạ sóng viba cơ động nhằm ngăn chặn các thiết bị điện tử trong tầm bay thấp, cũng như các phần tử của các vũ khí chính xác” - đại diện UIMC phát biểu trên TASS.

Hệ thống phòng không BUK có thể được trang bị pháo viba (Ảnh minh họa).

Hệ thống phòng không BUK có thể được trang bị pháo viba (Ảnh minh họa).

“Hệ thống mới được trang bị nguồn phát công suất lớn, ăng ten phản xạ, hệ thống quản lý, kiểm soát và hệ thống truyền được cố định trên khung xe của các hệ thống tên lửa đất đối không BUK.

Khi đặt trên một bệ đặc biệt, pháo viba có khả năng đảm bảo phòng thủ trong phạm vi 360 độ” – vị đại diện cho biết.

Vũ khí viba là một trong những hướng phát triển tiếp theo của quốc phòng Nga, được thiết lập cho hệ thống phòng không (chống máy bay và chống tên lửa). Đây cũng là một trong những tham vọng về hệ thống vũ khí mới của Nga.

Mỹ

Không quân Mỹ đang phát triển vũ khí viba nhằm bức xạ vào các hệ thống điện tử của đối phương. Thiết bị khuếch đại công suất sóng viba lớn từng bước được tích hợp trên các tên lửa hành trình JASSM-ER.

F-15 Strike Eagle phóng tên lửa JASSM

Năm 2009, Không quân Mỹ ký hợp đồng với công ty Boeing để phát triển vũ khí viba.

Hợp đồng này nằm trong khuôn khổ chương trình CHAMP (Dự án tên lửa tiên tiến phát sóng viba năng lượng cao đối kháng điện tử) và bắt đầu phát triển hệ thống vũ khí có khả năng “nướng” các thiết bị điện tử ở khoảng cách nhất định.

Lần đầu tiên Mỹ thử nghiệm vũ khí viba trên tên lửa hành trình AGM-86 là vào năm 2011, thử nghiệm tiếp theo diễn ra 1 năm sau đó.

Kết quả cho thấy các thiết bị điện tử bị tác động bởi sóng viba không có khả năng hồi phục.

Hiện nay, Mỹ đang dự kiến đặt thiết bị phát sóng viba vào tên lửa hành trình JASSM-ER có tầm bắn lên tới 1.000km.

Nhờ kích thước nhỏ gọn và công nghệ tàng hình nên JASSM-ER rất khó bị phát hiện bởi radar. Ngoài ra, tầm bay thấp của nó cũng gây khó khăn trong việc ngắm bắn của đối phương.

Một vài năm trước đây, vũ khí viba dự kiến được đưa vào phục vụ trong năm 2016. Mặc dù ngân sách hạn chế đang ảnh hưởng tiêu cực tới chương trình CHAMP nhưng kế hoạch ra mắt vũ khí viba vào năm 2016 có vẻ khá lạc quan.

Theo phòng thí nghiệm nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL), không có một trở ngại kỹ thuật nào trong việc triển khai máy phát sóng viba vào tên lửa JASSM-ER.

Trung Quốc

Trung Quốc hiện cũng đang nghiên cứu phát triển vũ khí sóng viba này.

Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s hồi cuối năm 2014, Trung Quốc đã cho ra mắt loại súng bắn tia viba có tên gọi Poly WB-1 có chức năng giải tán bạo loạn một cách nhanh chóng, bằng cách “làm bỏng” da của mục tiêu nhắm bắn.

Jane’s cho biết, khẩu WB-1 có tầm bắn lên tới 80m, thậm chí có những loại có thể được nâng cấp lên 1 km.

Súng bắn tia viba Poly Wb-1 trình làng tại Trung Quốc.

Sử dụng quy tắc hoạt động của lò vi sóng, loại vũ khí này phát ra tia sóng không nhìn thấy được để giải tán đám đông.

Những tia sóng này có thể phát tán sự chuyển động các chất béo và mô nước dưới da, khiến người bị bắn có cảm giác mình “bốc hỏa” và bỏng rát từ bên trong cơ thể.

Ngay sau khi mục tiêu rời khỏi tầm hoạt động của tia sóng, sự đau đớn sẽ từ từ thuyên giảm và không để lại bất kì hậu quả nào phá hủy mạch máu dưới lớp biểu bì, hay nói cách khác là không gây thương tích cho mục tiêu.

Loại vũ khí này rất hữu dụng trong việc giải quyết bạo động, nó có thể dễ dàng phân tán các lực lượng chống đối mà binh sĩ không phải tiến gần đến tấn công.

Mỹ đã sử dụng loại tia này trong Hệ thống vũ khí ngăn chặn chủ động (ADS) trong chiến tranh Iraq và Afghanistan, tuy nhiên chúng cũng bị nhanh chóng thu hồi do vấp phải sự phản đối từ phía dư luận.

Mặc dù quân đội Mỹ đã giới thiệu loại súng này như một vũ khí “nhân đạo” hơn các loại vũ khí truyền thống như đạn cao su, hơi ga và súng đại bác, vì nó không gây sát thương nhưng việc sử dụng chúng vẫn chưa được chấp thuận.

Việc xuất hiện báo cáo thương tích do loại vũ khí này đã gây ra hoang mang và sự không tin tưởng trong người dân.

Thêm vào đó, loại súng này rất khó để có thể kích hoạt ngay lập tức, nó cần 16 giờ đồng hồ để khởi động, và cần một lượng khí đốt lớn để hoạt động liên tục.

Chính vì vậy, súng bắn tia viba gần như vô dụng nếu lực lượng quân đội Mỹ gặp phải đám đông tự phát tức thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại