Zachary Keck, biên tập tạp chí National Interest (trụ sở tại Washington, Mỹ) nhận định:
Các đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV) trên những tên lửa đạn đạo của Trung Quốc và Ấn Độ có thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế giới hơn các chương trình hạt nhân của Iran hay Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31 của Trung Quốc.
Theo Keck, MIRV cho phép tên lửa của Trung Quốc và Ấn Độ mang nhiều đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn tấn công một mục tiêu khác nhau.
Điều này cho phép các đầu đạn ít bị tổn hại trước các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Mỗi tên lửa mang một hệ thống MIRV có thể được sử dụng để tiêu diệt đồng thời nhiều căn cứ hạt nhân của đối phương, trong khi chỉ sử dụng một phần nhỏ của lực lượng tên lửa quốc gia.
Bên cạnh đó, xác suất tiêu diệt mục tiêu cũng có thể tăng lên do MIRV cho phép tấn công nhiều lần lên cùng một mục tiêu.
Tên lửa đạn đạo Agni-III của Ấn Độ.
Sau khi Mỹ triển khai những tên lửa đầu tiên với hệ thống MIRV vào năm 1968, Liên Xô đã tăng số lượng đầu đạn hạt nhân từ 10.000 lên 25.000 và sau đó cũng triển khai các tên lửa với hệ thống MIRV.
Trung Quốc và Ấn Độ trước đây duy trì học thuyết hạt nhân với mức độ răn đe tối thiểu và không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.
Tuy nhiên hiện tại, với sự ra đời của các hệ thống MIRV, Keck cho rằng quy mô các lực lượng hạt nhân của 2 quốc gia này sẽ được mở rộng.
Keck nhận định, trong khi hệ thống MIRV của Ấn Độ là mối đe dọa trước mắt với Pakistan, Trung Quốc cũng có thể tạo ra một mối đe dọa tương tự với Nga.
Mặc dù Nga hiện đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn hơn nhưng Trung Quốc lại đang gia tăng kho dự trữ của mình qua từng năm.
Theo Keck, để ngăn chặn ưu thế hạt nhân của mình bị suy yếu, Moscow cần hủy bỏ các hiệp ước kiểm soát vũ khí với Mỹ.