Vũ khí Mỹ "muốn tống ra bãi rác" trở thành hàng hot ở châu Á (II)

Nhật Huy - Thiên Minh |

Trong khi Mỹ tỏ ra ngán ngẩm xe tăng thì tổng kết của tạp chí Asian Military Review lại cho thấy, hầu hết quốc gia tại châu Á đều tăng cường đầu tư vào sức mạnh tăng - thiết giáp.

Vũ khí Mỹ "muốn tống ra bãi rác" trở thành hàng hot ở châu Á (I)

Phần II: “Cơn khát” xe tăng ở châu Á

Mỹ đào thải, châu Á vẫn chi mạnh tay cho xe tăng

Hiện nay, quân đội Mỹ đang trong tình cảnh có quá nhiều xe tăng hơn mức cần thiết. Họ muốn ưu tiên nguồn lực cho những loại vũ khí mới, linh hoạt và gọn nhẹ hơn cho những chiến dịch viễn chinh.

Trong khi đó, ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương lại là một câu chuyện trái ngược.

Gần đây, tạp chí quốc phòng Asian Military Review đã tổng kết lại những chương trình mua sắm, nâng cấp vũ khí lớn trong khu vực.

Một điểm đáng chú ý là hầu như mọi quốc gia tại châu Á đều đầu tư vào sức mạnh tăng - thiết giáp.

Ví dụ tiêu biểu là Trung Quốc, hiện đang có gần 8.000 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT), 5.000 chiếc trong số đó là Type 59 - một bản sao đã lạc hậu của dòng tăng Liên Xô T-54, T-55.

Tuy vậy, nước này cũng có khoảng 700 chiếc Type 99 hiện đại hơn.

Dự án MBT-3000, một mẫu tăng chủ lực hiện đại giá rẻ dành cho xuất khẩu, cũng đang trong quá trình phát triển.

Nhiều nhà phân tích của Trung Quốc cho rằng Type 99 vượt trội so với M1 Abram

Đối với Ấn Độ, nước này dự kiến sẽ nhận 1.657 tăng T-90 trước năm 2020. Trong đó, 1.000 chiếc được sản xuất nội địa theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ với Nga. Số lượng này đủ để trang bị cho 59 trung đoàn thiết giáp.

Ngoài ra, Ấn Độ sẽ tiến hành nâng cấp 1.900 chiếc T-72 hiện có của mình và tiếp tục tiến hành dự án tăng nội địa thế hệ 3 (Arjun MKI và MKII).

Nhật Bản hiện đang trong quá trình cắt giảm số lượng MBT Type 90 do Mitsubishi sản xuất xuống còn 400 chiếc.

Tuy nhiên, họ sẽ bổ sung thêm 68 chiếc Type 10, một mẫu MBT nhẹ và linh hoạt hơn, thích hợp cho chiến tranh đô thị. Đây là loại hình tác chiến mà quân đội Nhật nhiều khả năng phải đối mặt trong tương lai.

Type 10 tank

Xe tăng Type 10

Trụ cột của lực lượng thiết giáp Hàn Quốc là tăng K1 và K1A1 do Hyundai sản xuất, với số lượng khoảng 1.500 chiếc.

Nước này đang nâng cấp số tăng trên với sự hỗ trợ từ General Dynamics, nhà sản xuất của dòng tăng M1 Abram.

Quân đội Hàn Quốc cũng dự kiến mua thêm 397 chiếc K2 "Báo Đen", MBT thế hệ mới cũng do Hyundai phát triển.

Xe tăng K2 "Báo đen"

Bên cạnh đó, nhiều nước và vùng lãnh thổ khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng hối hả đầu tư mua xe tăng mới.

Cụ thể, theo Asian Military Review, từ nay cho đến năm 2016, Indonesia sẽ nhận đủ 104 chiếc Leopard 2A6 từ Đức theo hợp đồng đã ký.

Bangladesh đặt hàng 44 chiếc MBT-2000 của Trung Quốc. Thái Lan cũng có kế hoạch mua 200 xe tăng chủ lực trong những năm sắp tới.

Pakistan muốn nâng số lượng tăng từ 300 hiện có lên 600 chiếc trong tương lai gần. Đài Loan cũng có tham vọng thay thế số xe tăng đã lạc hậu của mình bằng M1A1 của Mỹ.

Cũng theo Asian Military Review, nhiều nước khác như Malaysia, Singapore và Việt Nam tuy không có kế hoạch mua sắm mới nhưng vẫn tiếp tục nâng cấp số phương tiện hiện có.

Những thông tin trên cho thấy xe tăng vẫn sẽ có một chỗ đứng vững chắc trong chiến lược quân sự của các nước châu Á trong những năm sắp tới.

Vì sao châu Á vẫn cần xe tăng?

Theo chuyên gia Ankit Panda của tạp chí Diplomat (Nhật Bản), đối với các nước châu Á, xe tăng giúp bình ổn leo thang và đảm bảo sự linh hoạt chiến lược để kịp thời phản ứng nếu có xung đột phát sinh, đặc biệt là giữa các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân.

Panda nhận định, MBT là một cỗ máy chiến tranh linh hoạt, cung cấp hỏa lực hạng nặng trực tiếp cho quân đội, cho phép bộ binh và các lực lượng khác trên bộ giành quyền kiểm soát khi tấn công, hoặc đẩy lùi những kẻ tấn công khi phòng thủ.

Mặc dù các điểm nóng nhất của châu Á bên ngoài khu vực Nam Á liên quan đến các vấn đề hàng hải nhưng xe tăng vẫn đóng vai trò nhất định trong các tình huống chiến tranh thông thường trên bộ.

Tiềm năng sử dụng dễ thấy nhất của MBT là trong cuộc xung đột tiềm tàng giữa Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc.

Trong quá khứ, cả Pakistan và Trung Quốc đều sử dụng MBT như một phương tiện tác chiến quan trọng để đối phó Ấn Độ, thậm chí tại những vùng địa hình khắc nghiệt của dãy Himalaya.

Ngoài những cường quốc quân sự của châu Á, theo Panda, sự gia tăng số lượng xe tăng cũng dễ hiểu khi xét tới nhu cầu an ninh của những quốc gia có quân đội tương đối yếu hơn.

Những quốc gia tập trung cho tác chiến hải quân và đổ bộ như Nhật Bản và Indonesia mua xe tăng mới để xây dựng khả năng tác chiến trên bộ (như trường hợp của Nhật Bản là tác chiến đô thị).

Bangladesh, một quốc gia đang phát triển, mua MBT giá rẻ của Trung Quốc cũng vì những lý do tương tự.

Theo Panda, không có quốc gia nào trong số này có ý định sử dụng xe tăng vì mục đích tác chiến viễn chinh, hoặc đối phó với quân xâm lược nước ngoài. Tuy nhiên, MBT có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh nội địa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại