Vũ khí Mỹ "muốn tống ra bãi rác" trở thành hàng hot ở châu Á (I)

Nhật Huy - Thiên Minh |

Trong khi quân đội Mỹ có quá nhiều xe tăng tới mức phải "kêu gào" ngừng sản xuất để nhường ngân sách cho vũ khí mới thì nhìn sang châu Á-TBD, người ta lại gặp 1 chuyện trái ngược.

Phần I: Sự sụp đổ của một biểu tượng sức mạnh

Biểu tượng sức mạnh một thời bị "hắt hủi"

Khi chiếc xe thiết giáp Mỹ kéo đổ bức tượng đồng khổng lồ của Tổng thống Saddam Hussein trước sự chứng kiến của hàng nghìn người Iraq, nó đã làm dấy lên một làn sóng tự hào tại các nhà máy của BAE Systems, nơi cỗ máy chiến tranh này ra đời.

Tờ Washington Post cho biết, trong niềm vui chiến thắng, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ thậm chí còn thể hiện sự kính nể của họ đối với các công nhân của nhà máy.

Mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà cung cấp ở hậu phương với các lực lượng tiền tuyến đã trở nên gắn bó qua nhiều thế hệ. Xe tăng trở thành một biểu tượng của sức mạnh quân sự.

Tuy nhiên, giờ đây, biểu tượng sức mạnh này đang sa vào một "bãi lầy", đó là cuộc tranh cãi giữa Quốc hội, quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ trong việc thích ứng với thực tế tác chiến hiện đại và nguồn ngân sách quốc gia.

Theo quân đội Mỹ, xe tăng, thứ vũ khí mạnh mẽ nhưng cồng kềnh, đã không còn cần thiết.

Trong tác chiến hiện đại, các lực lượng cần phải triển khai nhanh chóng và có thể tới những chiến trường xa xôi.

Vì vậy, tàu ngầm và máy bay ném bom tầm xa trở nên cần thiết. Những loại vũ khí như máy bay không người lái trở thành vũ khí tương lai.

Quân đội Mỹ "kêu gào" tạm ngừng sản xuất xe tăng

Hiện Mỹ có khoảng 9.000 xe tăng M1 Abram nhưng đa số không được sử dụng.

Trong biên chế chính thức, quân đội Mỹ hiện chỉ có gần 2.400 chiếc và 2/3 trong số đó là thuộc phiên bản đã được nâng cấp M1A2.

Bên cạnh đó, Mỹ hiện cũng có hơn 5.000 xe thiết giáp M2 Bradley không sử dụng.

Đa số xe tăng Abram hiện đang nằm trong các bãi lưu giữ

Do đó, từ năm 2012, trong những cuộc điều trần trước Quốc hội, các tướng lĩnh Mỹ đều cho biết họ đang có nhiều xe tăng hơn cần thiết.

Vì vậy, họ tha thiết đề xuất tạm ngừng sản xuất mới hay nâng cấp xe tăng cho đến năm 2017, thời điểm mà loại xe tăng thay thế dòng tăng M1 Abram dự kiến được đưa vào sử dụng.

Quân đội Mỹ muốn dùng phần ngân sách đó cho những ưu tiên khác, như mua thêm máy bay không người lái.

Tuy vậy, trong ngân sách quốc phòng hàng năm mà Quốc hội Mỹ thông qua luôn có phần kinh phí cho nâng cấp lực lượng thiết giáp của nước này.

Như trong năm tài khóa 2013, 181 triệu USD được chi để nâng cấp M1 Abram và 140 triệu USD cho Bradley.

Gần đây nhất, ngân sách quân sự cho năm 2015 có bao gồm 120 triệu USD để tiếp tục nâng cấp những chiếc Abram thế hệ cũ sang phiên bản mới hơn.

Lý do mà Quốc hội Mỹ tiếp tục chi tiền bất chấp việc quân đội Mỹ khẳng định đang thừa xe tăng là nhằm bảo vệ việc làm cho công nhân tại những khu vực đặt các nhà máy sản xuất xe tăng, thiết giáp của nước này.

Trên thực tế, các nhà máy này Mỹ đã ngừng việc lắp ráp xe mới từ nhiều năm trước và chỉ hoạt động nhờ vào việc nâng cấp những xe có sẵn.

Bên trong dây chuyền lắp ráp tăng M1 Abram tại Lima, Ohio

Từng có thời gian những nhà máy này phải hoạt động hết công suất, để nâng cấp những phương tiện được gửi tới chiến trường Iraq, và sửa chữa chúng nếu bị hư hại trong tác chiến.

Như trong năm 2008, nhà máy của BAE mỗi ngày nâng cấp 7 chiếc Bradley. Đội ngũ công nhân của nhà máy khi đó là 2500 người. Con số này hiện nay chỉ còn một nửa.

Tương tự, nhà máy của General Dynamics tại Lima hiện chỉ có 500 công nhân, so với thời điểm cao nhất là 1220 người.

Việc quân đội Mỹ hủy chương trình Future Combat System khiến chúng đối mặt với nguy cơ đóng cửa vì không có đơn hàng mới.

Nhà máy lắp ráp xe thiết giáp chiến đấu Bradley tại York, Pennsylvania

Với những người như Mel Nace, quản lý sản xuất tại nhà máy của BAE, sự thay đổi là rất rõ ràng.

Ông lớn lên ngay cạnh nhà máy và bắt đầu làm việc tại đây như một công nhân bình thường sau khi học xong trường nghề.

Với sự hỗ trợ học phí từ công ty, ông có thể học tiếp lên để hoàn thành chương trình cử nhân và MBA.

Thời điểm Nace được thăng chức lên làm quản lý là thời kì hoàng kim của nhà máy, khi họ phải bổ sung gấp 600 công nhân chỉ trong 1 năm.

Họ đầu tư mạnh vào nguồn nhân lực trẻ và trang thiết bị mới, như một máy gia công cơ khí chính xác trị giá 8 triệu USD, có thể cắt, tiện hầu như mọi loại kim loại.

Tuy nhiên, khi tình hình sản xuất giảm sút, họ phải cắt giảm công nhân.

Những nhà cung cấp cho các nhà máy trên cũng có thể phải chịu tác động.

Như BAE hiện có tới 586 nhà cung cấp lớn nhỏ tại 44 bang. Số việc làm bị cắt giảm này có thể đồng nghĩa với việc các nghị sĩ đại diện khu vực đó có thể không được bầu trong kì bầu cử tiếp theo.

Ngoài ra, một số nghị sĩ lo ngại rằng tạm dừng hoàn toàn việc sản xuất hay nâng cấp xe tăng trong một thời gian dài có thể làm mai một chuyên môn, tay nghề của đội ngũ nhân lực trong ngành chế tạo xe tăng của nước Mỹ.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại