"Type 093G TQ mạnh ngang tàu ngầm phương Tây những năm 1980"

Ly Vy |

Trang mạng Sina Military Network (trụ sở tại Bắc Kinh) cho rằng, tàu ngầm hạt nhân Type 093G mới của Trung Quốc đã mang lại cho quân đội nước này một "sát thủ tàu sân bay" tiềm năng.

Trích dẫn bài viết trên tạp chí Defence Interntional (Đài Loan), Sina cho hay, việc đóng 2 tàu ngầm hạt nhân Type 093G, phiên bản nâng cấp của Type 093, đã được Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Bohai hoàn tất vào tháng 12, với một chiếc khác đang nằm trên ụ khô.

Điểm khác biệt cơ bản giữa tàu ngầm Type 093G và Type 093 là phiên bản mới được trang bị các bệ phóng thẳng đứng cho tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm YJ-18.

Trung Quốc có thể là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có tàu ngầm hạt nhân.

Tuy nhiên, theo Sina, với nền tảng công nghiệp yếu và hạn chế trong đầu tư nghiên cứu, phát triển nên các thế hệ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của nước này có thông số kỹ thuật tương đối kém.

Thế hệ thứ nhất Type 091 và Type 092 có tốc độ chậm, độ ồn cao và trang bị vũ khí yếu hơn so với các tàu ngầm tương tự của Mỹ. Mãi tới những năm 1990, chương trình tàu ngầm của Trung Quốc mới phát triển như kỳ vọng.

Tạp chí “Tàu chiến Hiện đại” của Trung Quốc đăng ảnh tàu ngầm hạt nhân Type 093 hoạt động trên biển.

Tạp chí “Tàu chiến Hiện đại” của Trung Quốc đăng ảnh tàu ngầm hạt nhân Type 093 hoạt động trên biển.

Sau nhiều năm cố gắng bắt kịp, các mẫu tàu ngầm Type 093 và Type 094 về căn bản đã rút ngắn khoảng cách với Mỹ, thông qua việc giảm tiếng ồn và tăng cường sức mạnh, dù các lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc vẫn còn tụt hậu so với các lò tiêu chuẩn của Mỹ.

Dựa trên những bức ảnh được tiết lộ, Sina nhận định, Type 093G có thiết kế hình giọt nước truyền thống, tương tự như các tàu ngầm hạt nhân hiện đại của nước ngoài, với 1 "cánh" được thiết kế để tăng cường tốc độ, độ cơ động cũng như giảm tiếng ồn.

Với khả năng mang tên lửa YJ-18 của Type 093G, một số ý kiến cho rằng sức mạnh tấn công của con tàu này ít nhất ngang bằng với các tàu ngầm hạt nhân của phương Tây trong giai đoạn những năm 1980.

Khi xem xét đến vấn đề chi phí và giá thành, Sina cho rằng YJ-18 sử dụng động cơ turbojet cũng như động cơ sử dụng nhiên liệu rắn, tương tự như loại động cơ trên tên lửa 3M-54E của Nga, để đảm bảo đầu đạn của YJ-18 đạt được tốc độ tối thiểu là Mach 2.9.

Ngoài chức năng là tên lửa chống hạm, YJ-18 có thể đồng bộ hóa với các hệ thống tên lửa của hải quân Trung Quốc nhờ khả năng tương thích với các bệ phóng thẳng đứng, đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng các tàu mặt nước với khả năng tàng hình cao hơn.

Truyền thông nước ngoài ước tính rằng, Hải quân Trung Quốc hiện nay có từ 3-4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 5-6 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 2-3 tàu ngầm lớp Hán trong biên chế.

Thiếu tướng hải quân Trung Quốc Yang Yi cho rằng, Trung Quốc cần tăng số lượng tàu ngầm cỡ lớn bằng 1/3 số tàu ngầm của Hải quân Mỹ, tức là quân đội nước này vẫn cần thêm ít nhất 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược và 10 tàu ngầm hạt nhân tấn công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại