"Cuộc thay máu" mạnh mẽ của Không quân Việt Nam sau năm 1979

Quyết Thắng |

Sau chiến tranh biên giới 1979, Không quân Việt Nam đã được tăng cường lực lượng một cách hết sức nhanh chóng.

Những máy bay tham gia bảo vệ miền Bắc năm 1979

Cuộc di chuyển lực lượng ra Bắc của Không quân Việt Nam năm 1979

Lưới lửa phòng không trên bầu trời miền Bắc năm 1979

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Không quân đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền.

Nhưng cùng với thời gian, Không quân Việt Nam cũng bị sụt giảm đáng kể về lực lượng, bởi các máy bay MiG-17, MiG-19, MiG-21 đã được sử dụng liên tục trong nhiều năm.

Những máy bay thu được của Việt Nam Cộng Hòa sau khi sử dụng ở mặt trận biên giới Tây Nam đã xuất hiện hỏng hóc, thiếu phụ tùng thay thế.

Lực lượng giảm trong khi nhiệm vụ tăng lên đòi hỏi Không quân Việt Nam phải được nhanh chóng hiện đại hóa, tăng cường sức mạnh.

Huyền thoại “én bạc” MiG-21 được thay máu mạnh mẽ

Từ năm 1979 lực lượng MiG-21 được bổ sung một cách mạnh mẽ

Từ năm 1979 lực lượng MiG-21 của Việt Nam bắt đầu được hiện đại hóa

Trong kháng chiến chống Mỹ, Không quân Việt Nam đã góp phần làm nên huyền thoại của dòng máy bay MiG-21. Tuy nhiên qua nhiều năm sử dụng với cường độ cao, MiG-21 đã bị hao hụt nhiều về số lượng và chất lượng.

Trước tình hình trên, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam các máy bay MiG-21 Bis đi kèm với tên lửa không đối không R-13S (AA-2S Atoll) và R-60 (AA-8 Aphid).

MiG-21 bis được Liên Xô thiết kế và đưa vào sử dụng từ năm 1972. So với các phiên bản cũ, MiG-21 Bis được trang bị động cơ có lực đẩy lớn hơn, hệ thống điện tử, radar… được cải tiến đảm bảo khả năng hoạt động khi thời tiết xấu.

Kể từ năm 1979, những chiếc MiG-21 Bis đã giữ vai trò tiêm kích đánh chặn chủ lực của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Su-22M trở thành chủ lực mới của Không quân Việt Nam

Su-22M bắt đầu xuất hiện trong Không quân Việt Nam từ năm 1979 và nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt

Su-22M bắt đầu xuất hiện trong Không quân Việt Nam từ năm 1979 và nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt

Trong bối cảnh năm 1979, do nhu cầu cần có loại máy bay đa nhiệm với tầm bay dài, vừa có thể không chiến vừa có thể tấn công mặt đất để yểm trợ cho bộ binh, Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ máy bay tiêm kích-bom Su-22M.

Su-22M là máy bay cánh cụp cánh xòe có vận tốc tối đa 1.860 km/h, bán kính chiến đấu 1.150 km, mang được 4.250 kg vũ khí các loại gồm tên lửa không đối không, không đối đất, bom và rocket các loại …

Su-22M vừa có khả năng không chiến tốt thay thế cho MiG-17, MiG-19, vừa có khả năng tấn công mặt đất, thay cho F-5 và A-37.

Đi kèm với Su-22M, Việt Nam còn nhận được các tên lửa chống radar Kh-28 (AS-9 Kyle) và tên lửa không đối không R-13S (AA-2S Atoll).

Trong tay Không quân Việt Nam, Su-22M nhanh chóng trở thành một kẻ thách thức mới với kẻ địch, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc và thềm lục địa của Tổ quốc cho đến tận ngày nay.

Phi đội trực thăng vũ trang duy nhất của Không quân Việt Nam

Trực thăng vũ trang Mi-24 của Không quân Việt Nam

Trực thăng vũ trang Mi-24A của Không quân Việt Nam

Sau năm 1979, Không quân Việt Nam chính thức được trang bị trực thăng vũ trang Mi-24A.

Mi-24A đã chứng tỏ được sức mạnh của mình khi tham gia nhiều trận đánh ở chiến trường K với hiệu suất cao, hỗ trợ đắc lực cho bộ binh. Cho đến tận ngày nay Mi-24A vẫn là trực thăng vũ trang duy nhất từng phục vụ trong Không quân Nhân dân Việt Nam.

Trực thăng vũ trang Mi-24A có tầm hoạt động 450 km, trần bay 4,5 km. Vũ khí gồm đại liên Yak-B 12,7 mm ở mũi, 6 giá treo vũ khí ở cánh mang được 4 tên lửa chống tăng AT-2, 4 thùng rocket UB-32-57 và còn có thể chở theo một tiểu đội bộ binh.

Thủy phi cơ, trực thăng săn ngầm cho nhiệm vụ chiến lược mới trên biển

Thủy phi cơ săn ngầm Be-12

Thủy phi cơ săn ngầm Be-12

Thấy trước nguy cơ Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Bộ tư lệnh Không quân đã nhanh chóng đưa vào trang bị các thủy phi cơ Be-12 và trực thăng săn ngầm Ka-25.

Tháng 3/1979, những chiếc Ka-25 đầu tiên được chuyển giao cho Việt Nam, biên chế thuộc Trung đoàn không quân 916.

Trực thăng chống ngầm Ka-25 có tầm hoạt động 400 km, trần bay 3,3 km, tổ lái 4 người, được trang bị radar, sonar cùng nhiều khí tài định vị và dò tìm, mang được 1,9 tấn bom hoặc ngư lôi chống ngầm.

Tháng 4/1982, phi đội Be-12 đầu tiên được trang bị cho Việt Nam, biên chế thuộc Trung đoàn không quân 933.

Thủy phi cơ Be-12 có tầm hoạt động 3.300 km, trần bay 8 km, tổ lái 4 người, được trang bị radar, sonar cùng nhiều hệ thống định vị và dò tìm, mang được 1,5 tấn bom hoặc ngư lôi chống ngầm..

Ngựa thồ An-26

Máy bay vận tải An-26

Máy bay vận tải An-26

Cuộc chuyển quân từ chiến trường Campuchia về miền Bắc trong năm 1979 đã cho thấy vai trò quan trọng của cơ động đường không.

Với một đất nước trải dài trên nhiều vĩ độ, với nhiều địa bàn, đối tượng tác chiến rất cần những phương tiện cho phép cơ động một số lượng lớn con người, vũ khí trong một khoảng thời gian ngắn trên một quãng đường dài.

Nhằm thay thế các máy bay C-130 bị loại khỏi trang bị, Liên Xô đã chuyển giao cho Việt Nam một số lượng lớn máy bay An-26, trong số này bao gồm cả máy bay chuyển tiếp chỉ huy trên không An-26RT.

Số máy bay này được biên chế cho Trung đoàn không quân 918. Máy bay vận tải An-26 có tầm bay tối đa 2.500 km, trần bay 7,5 km, tổ lái 5 người và có khả năng mang khoảng 5 tấn hàng.

Các tổ bay An-26 đã trực tiếp tham gia nhiều trận ném bom, hỗ trợ bộ binh truy quét tàn quân Khmer Đỏ trên chiến trường K cũng như thực hiện nhiều chuyến tuần tra trên biển.

Máy bay huấn luyện

Máy bay huấn luyện L-39

Máy bay huấn luyện L-39

Với số lượng lớn máy bay mới được đưa vào trang bị, nhu cầu huấn luyện, đào tạo phi công tăng lên một cách nhanh chóng.

Vì vậy trong khoảng thời gian này các máy bay huấn luyện L-29/39 đã được đưa vào trang bị. Góp công rất lớn trong việc đào tạo nên nhiều thế hệ phi công sau 1975.

Sức bật mạnh mẽ của Không quân Việt Nam

Thông qua số lượng, chủng loại các máy bay và thời gian chuyển giao chúng ta có thể đưa ra một số nhận định về quá trình hiện đại hóa lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam trong khoảng từ năm 1979 - 1984:

- Quá trình hiện đại hóa diễn ra nhanh, mạnh mẽ với số lượng lớn và đầy đủ các chủng loại máy bay từ tiêm kích, cường kích, săn ngầm, chống tăng, vận tải, huấn luyện. Đây là đợt hiện đại hóa được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay.

Điều này là do bối cảnh sau năm 1979, sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như giữa Trung Quốc và các nước XHCN khác lên đến cao độ, diễn biến nhanh chóng, do vậy cần phải tăng cường lực lượng một cách nhanh nhất, nhiều nhất có thể.

- Nhiều nhiệm vụ mới được đặt ra cho cuộc chiến quy mô lớn thể hiện qua quá trình trang bị.

Cụ thể gồm: chi viện hỏa lực yểm trợ bộ binh bằng Su-22, Mi-24; tuần tiễu, săn ngầm, bảo vệ vùng biển bằng Su-22, Be-12, Ka-25, An-26…; cơ động đường không với An-26, Mi-24; huấn luyện phi công bằng L-39.

- Các trang bị đưa vào trong đợt hiện đại hóa này nhanh chóng trở thành xương sống của lực lượng không quân Việt Nam trong suốt một thời gian dài.

Ngay cả đến đợt hiện đại hóa đang diễn ra hiện nay thì các máy bay MiG-21 Bis, Su-22M, An-26, L-39 vẫn là lực lượng thường xuyên làm nhiệm vụ.

Việc hiện đại hóa một cách nhanh chóng trong những năm 1979 - 1984 là một kế hoạch kịp thời của Việt Nam, giúp không quân đáp ứng được nhiệm vụ trong thời gian sau này.

- Đợt hiện đại hóa trên cũng thể hiện khả năng đào tạo, nắm bắt kỹ thuật rất tốt của Không quân Việt Nam. Chỉ trong một thời gian rất ngắn đã huấn luyện chuyển loại, đào tạo mới được rất nhiều phi công, thợ máy, dẫn đường…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại