Những năm qua, thị trường vũ khí khu vực Đông Nam Á khá nhộn nhịp khi hầu hết các quốc gia đều tăng cường hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Các nguồn hàng kỹ thuật quân sự chủ yếu xuất phát từ một số nhà thầu lớn tới từ Nga, Mỹ, Anh, Pháp.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một số quốc gia Đông Nam Á bắt đầu có nhiều thỏa thuận mua bán vũ khí với các công ty quốc phòng Hàn Quốc.
Theo dữ liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình và Quốc tế Stockhom (SIPRI), giai đoạn 2011- 2012, Hàn Quốc đã chuyển giao cho Indonesia 8 máy bay huấn luyện sơ cấp KT-1B theo hợp đồng được 2 nước ký năm 2005.
Cũng trong giai đoạn này, Indonesia đã nhận thêm 54 lựu pháo KH-178 105mm từ Hàn Quốc. Pháo KH-178 105mm có tầm bắn 14,7km nếu sử dụng đạn pháo thông thương hoặc 18 km nếu sử dụng loại đạn đặc biệt trợ đẩy bằng động cơ tên lửa sẽ đạt tầm bắn 18km.
Năm 2011, Indonesia cũng ký hợp đồng mua 16 máy bay huấn luyện phản lực T-50 Golden Eagle từ Hàn Quốc với tổng trị giá 400 triệu USD. Đây là một trong số ít máy bay huấn luyện phi công trên thế giới đạt vận tốc siêu âm (khoảng 1.400-1.500km/h).
Đặc biệt, trong hợp đồng này, Hàn Quốc đã chấp nhận chuyển giao công nghệ để lắp ráp toàn bộ số máy bay tại Indonesia.
Một trong những lý do chính mà vũ khí Hàn Quốc chỉ trong vài năm đã xâm nhập thành công vào thị trường Đông Nam Á – vốn là “miếng mỡ” của hãng quốc phòng Nga, phương Tây, có lẽ là do nước này sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giấy phép sản xuất. Đây là vấn đề mà các hãng quốc phòng từ Mỹ, châu Âu khá khó khăn.
Trong năm 2012, Indonesia tiếp tục ký hợp đồng với Hàn Quốc mua 3 tàu ngầm phi hạt nhân lớp Chang Bogo (Type 209/1200) với tổng giá trị hợp đồng 1,4 tỷ USD. Đây là hợp đồng tàu ngầm lớn nhất từ trước tới nay của hãng đóng tàu Daewoo Hàn Quốc.
Theo các điều khoản hợp đồng, 2 chiếc đầu tiên sẽ được đóng tại Hàn Quốc. Chiếc cuối cùng sẽ được chuyển giao công nghệ cho Indonesia đóng trong nước. Dự kiến, Hải quân Indonesia sẽ nhận được 3 chiếc tàu ngầm này từ năm 2015 đến năm 2017.
Năm 2009, Indonesia đã ký hợp đồng mua 22 chiếc xe chiến đấu bộ binh Black Fox từ Hàn Quốc. Hợp đồng trị giá 70 triệu USD với 11 chiếc được sản xuất ở Indonesia. Dự kiến trong năm 2013, quân đội Indonesia sẽ nhận được những chiếc xe này.
Ngoài các hợp đồng mua bán vũ khí, hiện Indonesia cũng có hoạt động hợp tác cùng phát triển kỹ thuật quân sự với Hàn Quốc.
Năm 2010, Hàn Quốc và Indonesia ký thỏa thuận hợp tác cùng phát triển máy bay chiến đấu phản lực KFX/IFX. Phía Indonesia sẽ chịu 20% chi phí phát triển. Sau khi dự án hoàn thành, nước này sẽ mua khoảng 50 chiếc KFX/IFX với tổng giá trị khoảng 1,6 tỷ USD.
Theo những thông tin ban đầu, KFX/IFX sẽ là loại máy bay chiến đấu phản lực một chỗ ngồi, 2 động cơ. Máy bay có khả năng tàng hình vượt trội so với Dassault Rafale (Pháp) hay Eurofighter Typhoon (châu Âu). Tuy nhiên, so với F-35 của Mỹ thì KFX/IFX sẽ kém hơn một chút.
So với tiêm kích F-16, KFX/IFX được thiết kế để đạt được một bán kính chiến đấu rộng hơn 50%, khung máy bay có tuổi thọ dài hơn 34% cũng như hệ thống điện tử vượt trội, tăng cường khả năng tác chiến điện tử.
Ngoài Indonesia, Philippines cũng là một khách hàng tiềm năng của Hàn Quốc trong khu vực Đông Nam Á.
Philippines đang có ý định mua 12 chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI). Hợp đồng chính thức chưa được 2 bên ký kết, nhưng giá trị hợp đồng ước tính vào khoảng 309 triệu USD.