Vũ khí của Lục quân Mỹ "thua" vũ khí nước khác ở điểm nào?

Hải Vy |

Vũ khí của Lục quân Mỹ mạnh đến mức nào khi so với trang bị của lục quân các nước khác?

Theo một nghiên cứu mới, vũ khí Mỹ khá ưu việt trên nhiều phương diện nhưng cũng có một số loại vũ khí nước ngoài được tích hợp các khả năng mà vũ khí Mỹ không có.

Nghiên cứu do tổ chức tư vấn RAND tiến hành khi kiểm tra các hệ thống tác chiến chủ lực theo yêu cầu của Lục quân Mỹ.

Cần lưu ý rằng, nghiên cứu này phần lớn dựa trên dữ liệu từ các nguồn mở, không phải thông tin được bảo mật.

Dưới đây là tóm tắt các mặt “hơn” và “thua” của vũ khí Lục quân Mỹ:

Xe tăng và xe chiến đấu bộ binh

Theo kết luận của RAND, các loại xe chiến đấu bọc thép (AFV) của Lục quân Mỹ ngang ngửa với các loại tương tự của nước ngoài, đặc biệt là xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams.

Mẫu tăng này được đánh giá rộng rãi là xe tăng chiến đấu tốt nhất trên thế giới về phương diện bảo vệ và hỏa lực xuyên giáp.


Điểm trừ của M1A2 Abrams là không có hệ thống phòng vệ chủ động như trên xe tăng Nga.

Điểm trừ của M1A2 Abrams là không có hệ thống phòng vệ chủ động như trên xe tăng Nga.

Nga, Israel và một số quốc gia khác có thể không đồng tình với đánh giá này nhưng sau khi so sánh Abrams với mẫu T-90 (Nga), Leopard (Đức) và Merkava (Isreal), nghiên cứu đã dành lời khen ngợi cho lớp giáp uranium nghèo và đạn chống tăng của Abrams.

Thứ mà Abrams còn thiếu là đạn nổ mạnh – phân mảnh (HE-FRAG) như trên nhiều mẫu xe tăng của nước ngoài (Thủy quân lục chiến Mỹ đang dùng loại đạn HE do Đức sản xuất).

Các loại xe tăng nước ngoài cũng có nhiều thiết bị mà xe tăng Mỹ không có, như hệ thống phòng vệ chủ động trên xe tăng Nga và Israel hay như lớp giáp trên xe tăng Leopard của Đức.


Xe chiến đấu bộ binh Bradley A3

Xe chiến đấu bộ binh Bradley A3

Xe chiến đấu bộ binh (IFV) Bradley của Mỹ cũng nhận được đánh giá khả quan mặc dù Bradley, với bộ giáp tác chiến đô thị BUSK III, có tỷ lệ công suất trên trọng lượng thấp hơn những mẫu xe khác như Puma (Đức), BMP-3 (Nga) và Namer (Israel).

Bradley được trang bị khá tốt với pháo 25mm và tên lửa chống tăng TOW, song Puma có thiết bị gây nhiễu tên lửa chống tăng và Namer có lớp giáp dày (do nó là xe tăng chuyển đổi thành xe chở quân).

Với BMP-3, “bảo vệ” là ưu tiên số 2, sau độ cơ động và hiệu quả chi phí. Điều này cho phép chúng ta hiểu rõ thêm những lựa chọn mang tính chiến lược của người Nga khi quyết định phẩm chất nào quan trọng hơn đối với một chiếc IFV.

Đó là chú trọng tới mức độ cơ động và hỏa lực của chiếc xe hơn là bảo vệ kíp lái.

RAND đưa ra một số gợi ý cải tiến cho 2 mẫu xe Bradley và Stryker, như thay thế pháo cỡ nòng lớn hơn, tương tự pháo 30mm trên mẫu xe Warrior (Anh) và trang bị những cảm biến tốt hơn.

“Phải thừa nhận rằng khi so sánh với các mẫu xe tương tự của nước ngoài, trang bị trên phiên bản chính của Stryker (xe chở bộ binh) ‘chưa thấm vào đâu’” – Nghiên cứu nhấn mạnh.

Đề cập tới việc Lục quân Mỹ đang lựa chọn xe thiết giáp “nhảy dù” để trang bị trong thời gian tới, nghiên cứu cho biết Nga hiện có mẫu BMD và Trung Quốc cũng đang phát triển loại xe tương tự.

Pháo

Pháo tự hành Paladin của Mỹ xếp vị trí thứ 2, sau hệ thống PzH 2000 (Đức), do pháo của Đức có độ tự động hóa cao hơn.

“Thử nghiệm so sánh nhanh khả năng bắn của 4 pháo Paladin và 4 pháo PzH 2000 trong 1 đợt bắn kéo dài 3 phút đã cho thấy hạn chế của vũ khí Mỹ so với hệ thống pháo tự hành hàng đầu thế giới hiện nay” – Nghiên cứu kết luận.

4 hệ thống pháo Paladin có thể bắn ra 48 quả đạn trong 1 đợt bắn cường độ cao dài 3 phút, trong khi PzH 2000 bắn được tới 120 quả đạn và có thể bắn ở khoảng cách xa hơn 50% so với tầm bắn tối đa của Paladin.


Hệ thống pháo Paladin của Mỹ vẫn chưa thể sánh được với ông hoàng pháo binh PzH 2000.

Hệ thống pháo Paladin của Mỹ vẫn chưa thể sánh được với "ông hoàng pháo binh" PzH 2000.

Về pháo phản lực phóng loạt, hệ thống GMLRS của Mỹ được đánh giá tương đối mạnh nhưng sẽ sớm bị các hệ thống pháo của Nga và Trung Quốc vượt tầm bắn.

Nghiên cứu cho biết, Trung Quốc đang chú trọng phát triển các hệ thống pháo phản lực tầm xa, hạng nặng hơn để bắt đầu thu hẹp khoảng cách giữa đạn rocket pháo phản lực và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Theo thời gian, điều đó có thể tác động đáng kể vào việc mở rộng xu hướng phát triển các hệ thống tấn công tầm xa”.

Trực thăng

Các trực thăng Mỹ tiếp tục đánh giá là khá mạnh, với lợi thế lớn về hệ thống cảm biến hồng ngoại tiên tiến (FLIR) thế hệ 3 và khả năng phối hợp hoạt động với máy bay không người lái.

Trực thăng Eurocopter Tiger của châu Âu mang được ít tên lửa Hellfire hơn và không có nhiều cảm biến tiên tiến như trực thăng Mỹ.

Trong khi đó, mẫu Mi-28 của Nga không được trang bị các thiết bị đối phó để chống radar đối phương và để phòng thủ. Còn trực thăng Z-10 Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, trực thăng Mỹ bất lợi ở khía cạnh chi phí.


Trực thăng Mỹ được RAND đánh giá cao so với trực thăng châu Âu và Nga)

Trực thăng Mỹ được RAND đánh giá cao so với trực thăng châu Âu và Nga)

Theo nhà phân tích Michael Peck trên tạp chí National Interest, điều thú vị nhất trong nghiên cứu của RAND là không có sự khác biệt lớn về khả năng tác chiến giữa trang thiết bị của Lục quân Mỹ và các hệ thống tương tự của đồng minh, thậm chí là đối thủ của Mỹ.

Vũ khí Mỹ trội hơn ở nhiều phương diện, vũ khí của các quốc gia khác cũng có những ưu điểm nhất định nhưng nhìn chung, không bên nào thực sự chiếm lợi thế lớn trong trường hợp này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại