VN dùng Yak-130 huấn luyện chiến đấu nâng cao thay cho Su-27/30?

Tâm Minh |

Thay vì huấn luyện chiến đấu hoàn toàn bằng Su-27, Su-30 với chi phí tương đối cao, Yak-130 sẽ đảm trách nhiệm vụ này, tiết kiệm nhưng vẫn bảo đảm chất lượng huấn luyện phi công.

Sự cần thiết của máy bay huấn luyện

Để tung cánh đại bàng trên bầu trời, các phi công chiến đấu phản lực của Không quân Việt Nam (KQVN) phải trải qua nhiều giai đoạn học, huấn luyện và trong mọi bước đào tạo phi công đều có sự tham gia của máy bay huấn luyện. Cụ thể:

- Học lý thuyết cơ bản, huấn luyện mặt đất – Bay với huấn luyện viên – Bay đơn trên máy bay huấn luyện cơ bản;

- Học lý thuyết nâng cao – Bay với huấn luyện viên – Bay đơn trên máy bay huấn luyện nâng cao;

- Huấn luyện bay tác chiến với máy bay huấn luyện nâng cao và máy bay chiến đấu.

Máy bay huấn luyện gồm có hai loại chính là máy bay huấn luyện cơ bản cho huấn luyện nhập môn và máy bay huấn luyện nâng cao có khả năng và trang bị kỹ thuật cho huấn luyện tác chiến.

Hiện trong KQVN được trang bị hai loại máy bay huấn luyện chính là IAK-52 (phiên bản của Yak-52 do Rumani sản xuất) dùng cho huấn cơ bản và L-39C dùng cho huấn luyện nâng cao và vài vài khoa mục tác chiến căn bản.

Các máy bay L-39C huấn luyện nâng cao của KQVN hầu đết được đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1980, đến nay phần lớn đã gần hết niên hạn và sẽ dần dần bị loại biên trong ít năm tới.

Như vậy, nếu không được bổ sung kịp thời, KQVN sẽ ở tình trạng thiếu máy bay huấn luyện nâng cao.


Buồng lái và giao diện diện của máy bay huấn luyện nâng cao L-39C tương đối đơn giản.

Buồng lái và giao diện diện của máy bay huấn luyện nâng cao L-39C tương đối đơn giản.

Tại sao máy bay huấn luyện nâng cao nên là Yak-130?

L-39C mà Việt Nam đang khai thác là những máy bay đã có tuổi đời trên 30 năm. Chúng được thiết kế để huấn luyện bay cho phi công lái máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3-4 với giao diện người - máy là các đồng hồ số cùng khả năng cơ động chiến đấu đã lỗi thời.

Trong khi đó, các máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4+ mà Việt Nam đang khai thác hay chuẩn bị bổ sung vào trang bị đều có giao diện người - máy tiên tiến hơn với các màn hình đa chức năng của buồng lái kính (Glass cockpit).

Gần đây, Nhà sản xuất máy bay huấn luyện Aero Vodochody, cộng hoà Czech đã giới thiệu phiên bản hiện đại hoá của L-39 là L-39NG với các tính năng khá hiện đại như buồng lái kính, tuổi thọ nâng cao gấp 3,5 lần, động cơ mới của William International (Mỹ)…


Buồng lái của L-39NG.

Buồng lái của L-39NG.

Tuy nhiên, đây là loại máy bay được xây dựng từ mô hình khí động học đến trang bị kỹ thuật để huấn luyện phi công cho các máy bay thế hệ cũ.

Do vậy, các nâng cấp về trang bị kỹ thuật của nó chỉ đáp ứng thêm phần nào về nhu cầu huấn luyện bay, huấn luyện tác chiến cho các phi công lái các máy bay có đặc tính khí động học và tính năng bay hiện đại mà chưa thực sự tương thích hoàn toàn.

Như vậy việc bổ sung vào trang bị huấn luyện của KQVN một máy bay huấn luyện tiên tiến như Yak-130 là hết sức cần thiết.


Buồng lái kính với nhiều màn hình đa chức năng của Yak-130.

Buồng lái kính với nhiều màn hình đa chức năng của Yak-130.

Nhưng nó cần thiết như thế nào?

Chúng ta dễ dàng quan sát thấy buồng lái của Yak-130 với trang bị gần giống các máy bay hiện đại của Nga và của phương Tây.

Trước tiên, về giao diện người - máy: Yak-130 đáp ứng mô phỏng giao diện của bất cứ loại máy bay hiện đại nào từ Đông sang Tây.

Với các màn hình hiển thị đa năng, phi công có thể lựa chọn hiển thị bất kỳ loại thông tin nào trên từng màn hình tuỳ theo nhu cầu thao tác bay, nhu cầu tác chiến.

Thứ hai, về trang bị kỹ thuật: Yak-130 được trang bị hầu hết các trang thiết bị phục vụ bay cho một máy bay thế hệ 4+, thế hệ 5 hiện đại.

Các trang bị này là các tuỳ chọn gắn ngoài móc treo dưới dạng các pod chuyên nhiệm để phục vụ huấn luyện từng khoa mục.

Ngoài ra, máy bay còn có hệ thống máy tính cho phép nạp các bài bay tác chiến để phi công tiếp cận bài học dưới sự theo dõi của máy tính và huấn luyện viên như một giáo án số hoá.

Thứ ba, về đặc tính bay: Yak-130 được thiết kế với các tính năng bay phức tạp nhất ở dải tốc độ dưới âm, dải tốc độ bay phổ biến trong tác chiến không quân.

Nó có thể đạt góc tấn đến 40 độ, mức quá tải đến 9G và khả năng thực hiện các bài bay quần vòng, bay bám địa hình phức tạp.

Theo ước tính của các chuyên gia, Yak-130 có thể thực hiện huấn luyện khoảng trên 80% các khoa mục bay và tác chiến của phi công máy bay thế hệ 4+, 5.


Buồng lái tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35S.

Buồng lái tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35S.

Thứ tư, các tính năng khác: Yak-130 ngoài khả năng đáp ứng các yêu cầu huấn luyện tiên tiến, nó còn có thể là một máy bay chiến đấu hạng nhẹ với khả năng mang 3 tấn vũ khí dưới các giá treo.

Với các đặc tính bay tiên tiến và khả năng mang vũ khí như thế, nó có thể lột xác thành một máy bay tấn công hiện đại đáng gờm.

Ngoài khả năng mang vũ khí Nga, Yak-130 có hệ thống điện tử tương thích chuẩn STANAG 3838 của NATO để có thể mang và điểu khiển bắn các loại vũ khí phương Tây.

Hơn rất nhiều các loại máy bay chiến đấu hiện đại khác, Yak-130 còn được trang bị một máy phát điện độc lập (APU) để hoạt động ở các sân bay dã chiến.

Sẽ có người thắc mắc rằng: tại sao không dùng các máy bay hai chổ ngồi được phát triển cho mục đích huấn luyện như Su-30MK2, Su-27UBK,…để huấn luyện nâng cao, huấn luyện tác chiến mà nhất thiết phải là Yak-130? Đây là một câu hỏi rất hay và có thể lý giải như sau:

Các máy bay Yak-130 là máy bay có giá thành thấp với đơn giá vào khoảng 15 triệu USD/chiếc, chỉ bằng 25% giá một chiếc Su-30MK2. Nếu dùng nó cho công tác huấn luyện sẽ thuận lợi hơn về trang bị.


Buồng lái tiêm kích đa năng Su-30MK2.

Buồng lái tiêm kích đa năng Su-30MK2.

Yak-130 có tuổi đời khung vỏ công bố là 10,000 giờ bay, gấp 2,5 lần Su-30MK2 chỉ được 4,000 giờ và gấp 5 lần Su-22, Su-27, Mig-29 vốn chỉ đạt 2,000 giờ bay. Đặc biệt, Yak-130 có chi phí giờ bay (không tính chi phí bảo trì) cực thấp, chỉ khoảng dưới 2,000 USD/giờ.

Chúng ta có thể tham khảo chi phí giờ bay thấp nhất của Jas-39D là 4,000 USD, F-16D là 7,000 USD, Su-30 và F-15D là 16,000 USD… để thấy tính kinh tế trong khai thác bay huấn luyện nâng cao của Yak-130 so với huấn luyện trên máy bay chiến đấu thật.

Như vậy, về chi phí khai thác, chi phí mua sắm và tuổi thọ thì Yak-130 luôn có lợi hơn cho công tác huấn luyện với gần hết các bài tập của phi công tác chiến.

Hiện nay, các bài tập tác chiến trong KQVN vẫn đang phải huấn luyện trên các máy bay Su-22, Su-30 với chi phí tương đối cao. Thế nên trang bị Yak-130 để giảm thiểu chi phí huấn luyện nhưng vẫn bảo đảm chất lượng huấn luyện là bước đi hợp lý.


Yak-130 mang được khá nhiều loại vũ khí.

Yak-130 mang được khá nhiều loại vũ khí.

Vậy phải chăng Yak-130 với đặc tính bay siêu việt có thể mô phỏng mọi loại máy bay chiến đấu hiện đại và có thể mang vũ khí sẽ là máy bay vô địch trong tác chiến?

Hoàn toàn không. Vì trong tác chiến còn phụ thuộc vào khí tài trang bị, vũ khí mang theo… Nhưng các trang bị trên Yak-130 là phục vụ cho mục đích huấn luyện tác chiến chiến chứ không phải tác chiến.

Đặc tính bay siêu việt của Yak-130 là lúc nó thực hành huấn luyện, không mang vũ khí.

Tất nhiên, trong mọi trường hợp, sau khi huấn luyện hoàn thành trên các máy bay Yak-130 tiên tiến thì phi công vẫn phải huấn luyện khai thác trang bị trên các máy bay thật như Su-30, Su-27UB…

Bởi lẽ, Yak-130 không thể bay siêu âm như các máy bay thật cho dù nó đảm nhiệm được trên 80% bài huấn luyện bay nâng cao cho phi công lái máy bay hiện đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại