Trong trường hợp Việt Nam quyết định đặt mua trực thăng AW159 Lynx Wildcat thì những loại vũ khí sau đây có thể sẽ đi kèm:
Ngư lôi chống ngầm Stingray
Stingray là loại ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ do GEC-Marconi sản xuất, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1983, sau đó nó được BAE Systems mua lại bản quyền và đang được trang bị rộng rãi trong Hải quân Hoàng gia Anh
Ngư lôi Stingray được trang bị động cơ phản lực nước chạy điện lấy từ nguồn pin magiê - bạc clorua, giúp giảm tối đa độ ồn. Sau khi phóng đi, Stingray sẽ tự động tìm đến mục tiêu nhờ sự dẫn đường của phần mềm chiến thuật tiên tiến và sonar chủ động kết hợp thụ động.
Thông số kỹ thuật cơ bản của ngư lôi Stingray: đường kính thân 324 mm; chiều dài 2,6 m; trọng lượng 267 kg với đầu đạn nặng 45 kg; độ sâu tác chiến 800 m; tầm bắn 8 - 11 km; vận tốc tối đa 45 hải lý/h (83 km/h).
Ngư lôi chống ngầm MU90 Impact
Ngoài Stingray, trực thăng AW159 Lynx Wildcat hoàn toàn có thể mang theo loại ngư lôi chống ngầm hiện đại hơn là MU90 Impact.
EuroTorp MU90 Impact là ngư lôi hạng nhẹ rất tiên tiến của châu Âu, áp dụng công nghệ bắn và quên, có thể tác chiến trong mọi điều kiện đại dương, được đánh giá là vũ khí chống ngầm hiệu quả trong chiến tranh hải quân thế kỷ 21.
Ngư lôi MU90 có đường kính thân 324 mm; chiều dài 2,85 m; trọng lượng 304 kg với đầu đạn nặng 32,7 kg; độ sâu tác chiến từ 25 - 1000 m.
Tính năng ưu việt nhất của MU90 là khả năng biến đổi tốc độ liên tục từ 29 - 50 hải lý/h nhờ một động cơ phản lực - điện. Tầm bắn phụ thuộc vào tốc độ: với tốc độ 50 hải lý/h, tầm bắn là 12 km; lên tới 25 km khi chạy ở vận tốc 29 hải lý/h.
Tên lửa chống hạm Sea Venom
AW159 không đơn thuần là một trực thăng chống ngầm mà còn có thể đảm nhiệm cả việc tấn công tiêu diệt tàu mặt nước.
Vũ khí chuyên dụng để AW159 thực thi nhiệm vụ này là Sea Venom - loại tên lửa chống tàu hạng nhẹ do MBDA phát triển để trang bị cho hải quân Pháp và Anh, nhằm thay thế tên lửa Sea Skua đã cũ.
Sea Venom được thiết kế để tấn công các mục tiêu như tàu mặt nước kích thước nhỏ di chuyển với tốc độ cao. Tên lửa có trọng lượng 110 kg, mang theo đầu đạn nặng 30 kg, đủ sức vô hiệu hóa chiến hạm có lượng giãn nước 500 tấn hoặc tấn công mục tiêu trên đất liền.
Tên lửa được trang bị đầu dò ảnh nhiệt hoặc dẫn bán tự động bằng laser thông qua đường truyền liên kết dữ liệu. Tầm bắn của Sea Venom vẫn chưa được công bố nhưng MBDA cho biết, máy bay có thể phóng đạn ở ngoài tầm với của hầu hết những hệ thống phòng không hiện đại.
Tên lửa đa năng LMM
LMM (Lightweight Multirole Missile) là tên lửa đa năng thế hệ mới, được chế tạo trên cơ sở tên lửa đất đối không Starstreak, đây là vũ khí đặc biệt hiệu quả để chống lại các loại tàu cỡ nhỏ, đáp trả cuộc tấn công hỗn hợp từ các nhóm tàu chiến của đối phương.
LMM có trọng lượng 13 kg, mang đầu đạn 3 kg; động cơ nhiên liệu rắn 2 tầng do Công ty Roxel Propulsion Systems (RPS) chế tạo giúp đạt tốc độ tối đa Mach 1,5; tầm bắn 8 km. Trong tương lai, LMM sẽ sử dụng các loại đạn nổ phá mảnh và xuyên lõm.
Nhờ kích thước nhỏ gọn, trực thăng AW159 có thể mang theo tới 14 tên lửa LMM, giúp gia tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu.
>>> Sức mạnh "la thồ hàng không" hiện đại của Israel