Việt Nam khắc chế bom thông minh của Mỹ thế nào?

Bộ đội Việt Nam đã sử dụng phương án đơn giản nhưng đầy hiệu quả để khắc chế những quả bom thông minh, nguy hiểm của Mỹ.

* Bài viết có sử dụng tư liệu “Cuộc chiến đấu với bom mìn Mỹ - Dũng cảm và Trí tuệ”.

Tháng 8/1964, Mỹ dựng lên cái gọi là “sự kiện vịnh Bắc Bộ” lấy cớ đưa không quân và hải quân ra đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Từ năm 1965, Mỹ bắt đầu các chiến dịch đánh phá dữ dội miền Bắc Việt nam. Mục tiêu chính trong những phi vụ không kích của Mỹ là nhằm vào phá hoại cơ sở kinh tế - xã hội, đánh sập tuyến giao thông trọng điểm ngăn chặn đường tiếp tế (hàng hóa, vũ khí) từ miền Bắc vào miền Nam.

Những cuộc không kích của quân Mỹ đã ít nhiều gây cho ta những thiệt hại đáng kể về người và của. Tuy nhiên, quân Mỹ cũng phải chịu thiệt hại không ít với hàng trăm máy bay bị hỏa lực phòng không bắn rơi.

Ngoài ra, mục tiêu chính của chúng là đánh sập tuyến giao thông huyết mạch (các cây cầu như Long Biên, Hàm Rồng) không thực hiện được. Các loại bom của địch đều là dạng bom rơi tự do, độ chính xác không cao, đó là chưa kể phi công địch vấp phải hỏa lực phòng không bảo vệ dày đặc của quân dân miền Bắc nên khó tiếp cận gần.

Để giải quyết điều đó, người Mỹ đã nghiên cứu và sản xuất bom có điều khiển để đánh phá có độ chính xác cao hơn, mà máy bay mang thả đảm bảo an toàn nhờ bay độ cao lớn.

Cường kích A-6E ném bom có điều khiển AGM-62A.

Bom thông minh

Năm 1967, Mỹ lần đầu sử dụng bom có điều khiển AGM-62A Walleye để đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Bom liệng AGM-62A dài 3,45m, sải cánh 1,15m, đường kính thân 0,318m, nặng 510kg. Bom kết cấu với: thân, thuốc nổ, ngòi nổ, bộ phận ổn định, cánh lái, hệ thống điều khiển.

Bom lắp thiết bị dẫn đường bằng vô tuyến truyền hình, có thiết bị phát hiện nhận biết mục tiêu và thay đổi quỹ đạo bay để diệt mục tiêu với độ chính xác cao. Với đầu đạn nặng tới 374kg, nó có thể công phá những công sự kiên cố bằng bê tông.

Trong chiến đấu, máy bay mang khi cách mục tiêu 3.000-6.000m thì phóng bom và bay theo đường bay của bom để điều khiển cơ cấu nhận biết mục tiêu đưa bom tới đích.

Với cách điều khiển này đòi hỏi việc ném bom phải được thực hiện trong điều kiện ban ngày, thời tiết tốt (để thiết bị nhận biết quan sát rõ mục tiêu) và hơn hết phi công phải bình tĩnh.

Ngày 19/5/1967, Mỹ sử dụng bom AGM-62A đánh Nhà máy điện Yên Phụ, Hà Nội. Do các lực lượng phòng không của ta đánh trả quyết liệt, hai máy bay A-4E không tiếp cận được mục tiêu, phi công hoảng sợ không còn bình tĩnh để phóng và điều khiển bom. Và kết quả là các quả bom đã đánh không trúng mục tiêu, rơi trệch ra bãi cát sông Hồng.

Do những hiệu quả mà AGM-62A đem lại khá thấp, ngoài ra những hạn chế việc phải ném bom ban ngày làm máy bay mang bom cũng gặp nguy hiểm khi lực lượng phòng không quan sát rõ mục tiêu. Quân Mỹ bắt đầu chuyển hướng phát triển bom dẫn đường bằng lade.

Bom dẫn đường bằng lade GBU-1 cải tiến từ bom phá M117.

Thay vì phát triển bom mới, Mỹ đã cải tiến từ bom phá thông thường (như Mk 82, Mk 83, Mk 84, M-118) lắp thêm bộ phụ kiện dẫn đường bằng lade. Cách thiết kế này làm giảm chi phí và dễ dàng sản xuất bom.

Nguyên lý chung hoạt động của loại bom này là, một thiết bị chỉ thị mục tiêu lade trên máy bay sẽ phóng chùm tia lade liên tục vào mục tiêu. Tia lade gặp mục tiêu sẽ tán xạ trở lại. Sau đó, một máy bay khác sẽ phóng bom về phía mục tiêu bị chiếu xạ. Đầu tự dẫn có bộ phận thu năng lượng tia lade tán xạ từ mục tiêu về, biến đổi thành tín hiệu điều khiển bom hướng theo nguồn điểm tán xạ lao tới.

Thời kỳ đầu, quân Mỹ thường đánh các mục tiêu với một máy bay chỉ thị mục tiêu và các máy bay khác phóng bom. Sau này, một máy bay có thể làm cùng lúc hai nhiệm vụ, mang bom và thiết bị chỉ thị mục tiêu lade.

Với loại bom này, Không quân Mỹ đã có trong tay “vũ khí nguy hiểm” giúp chúng oanh tạc dễ dàng các mục tiêu cầu cống của ta. Ban đầu, khi oanh tạc mục tiêu quan trọng, Không quân Mỹ phải sử dụng 32 máy bay ném bom tự do, nhưng nhiều khi không thu được kết quả nào.

Ví dụ điển hình, khi đánh cầu Hàm Rồng, Không quân Mỹ đã phải huy động tới 600 phi vụ thả hàng nghìn tấn bom, bị bắn rơi 18 máy bay nhưng không thể phá hỏng cầu. Tuy nhiên, khi dùng bom lade, chúng chỉ cần 14 lần chiếc F-4 đã phá hủy được mục tiêu và không máy bay nào bị bắn rơi.

Với loại “bom có mắt lade” này, Không quân Mỹ đã đánh hỏng rất nhiều cầu cống quan trọng ở miền Bắc. Tính tới cuối tháng 5/1972, Không quân Mỹ đã đánh hỏng 68 cây cầu ở miền Bắc Việt Nam.

Một cây cầu của ta ở miền Bắc bị Không quân Mỹ đánh sập.

Thả khói “bịt mắt lade”

Đứng trước tình hình đó, với yêu cầu phải bảo vệ bằng được các cơ sở kinh tế - xã hội, tuyến giao thông quan trọng, Quân chủng Phòng không - Không quân cùng Viện kỹ thuật quân sự đã phối hợp nghiên cứu chống tác hại do bom lade gây ra.

Bằng nhiều nỗ lực, bộ đội ta đã thu giữ được một đầu tự dẫn lade bom còn nguyên vẹn. Các cán bộ ta đã “mổ xẻ” tìm ra nguyên lý hoạt động của “con mắt” này.

Qua đó, bộ đội ta đã phát hiện ra rằng, đầu tự dẫn bom lade là sự kết hợp quang học, cơ khí và điện tử. Đầu tự dẫn của bom có gắn 4 quang trở bằng silic kết hợp với các kênh bán dẫn và vi điện tử làm nhiệm vụ khuếch đại tín hiệu điện.

Khi hoạt động, tín hiệu điện tác động vào động cơ nhỏ, động cơ quay nhờ hệ thống cơ khí làm lệch bánh lái bom, bom chuyển hướng vào nơi có cường độ tín hiệu lade cao nhất do một thiết bị chỉ thị mục tiêu lade thực hiện.

Sau khi nghiên cứu kỹ cơ chế của bom lade, bộ đội ta bắt đầu tìm và đưa ra phương án dùng khói đối phó với loại bom dẫn bằng lade. Việc thả khói giúp che được mục tiêu, hạn chế tầm nhìn phi công địch. Qua đó, phi công sẽ khó xác định mục tiêu và phóng chùm tia lade dẫn đường cho bom.

Việc thả khói ngụy trang được thực hiện với sự giúp đỡ từ Binh chủng Hóa học, toàn bộ mục tiêu quan trọng (nhà máy điện, cầu cống) được phủ kín khói. Bộ đội ta còn đưa xe thả khói ở các phố lân cận cơ sở kinh tế xã hội quan trọng khiến gió đổi hướng thì mục tiêu vẫn đảm bảo phủ kín.

Với biện pháp này, ta đã hạn chế phần nào sự nguy hiểm của bom lade, qua đó bảo vệ được các cơ sở kinh tế, cầu cống quan trọng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại