Phi công Việt Nam khai thác điểm yếu của B-52 như thế nào?

Sớm dự đoán B-52 sẽ vào đánh Hà Nội, Không quân Việt Nam đã sẵn sàng "đọ sức" với siêu pháo đài bay từ nhiều năm trước.

Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Đất Việt đã có buổi trao đổi với Đại tá phi công Nguyễn Văn Nghĩa, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - nguyên Bí thư Đảng ủy sư đoàn Không quân 370, nguyên Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam, về công tác chuẩn bị đánh B-52 của bộ đội Không Quân trong chiến dịch này.

Bắn hạ B-52 không hề bất ngờ

Ngay từ những năm 1960 Bác Hồ đã quan tâm đến việc nghiên cứu, chuẩn bị cách đánh B-52. Năm 1967, Người khẳng định “sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Ở Việt nam Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Vì vậy, công tác nghiên cứu, chuẩn bị đánh B-52 đã được bộ đội Phòng không – Không quân nghiên cứu, chuẩn bị kỹ từ nhiều năm trước, Không quân đã sẵn sàng  “đọ sức” với B-52.

Kết từ khi ra đời, B-52 được Mỹ quảng bá rầm rộ là "siêu pháo đài bay". Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi B-52 được bảo vệ bằng hệ thống gây nhiễu dày đặc. Mỗi máy bay B-52, trang bị hàng chục máy gây nhiễu tích cực lẫn tiêu cực.

Cùng với đó là áo giáp nhiễu bên ngoài do các máy bay máy bay trinh sát/đấu tranh điện tử RB- 66, EC-121 bao bọc. Do đó, việc phát hiện B-52 hết sức khó khăn. Và ngay cả khi tiếp cận, phi công Việt Nam chưa chắc đã hạ gục được chúng bằng tên lửa (dẫn đường bằng radar) trong điều kiện nhiễu mạnh. Không chỉ vậy, đội hình bảo vệ B-52 hết sức hùng hậu với hàng tá tiêm kích các loại mỗi tốp.

Dù vậy, nhiệm vụ bắn hạ B-52 vẫn là một yêu cầu cấp thiết, một tiếng gọi thiêng liêng. Cùng với lực lượng phòng không, lực lượng không quân của ta đã bắt tay tìm phương án đánh B-52 từ rất sớm, nghiên cứu kỹ điểm mạnh và điểm yếu của B-52. Đồng thời, phi công Việt Nam với quyết tâm cao khai thác triệt để tính năng kỹ chiến thuật của MiG-21 để nắm chắc thời cơ tiêu diệt B-52 khi có cơ hội.

Với kết quả nghiên cứu kỹ như vậy và việc bay  tập luyện ứng dụng chiến đấu nhuần nhuyễn, lực lượng  phi công MiG-21 rất tự tin việc đánh thắng B-52.  Sự kiện phi công Vũ Đình Rạng bắn bị thương B-52 vào ngày 20/11/1971 đã đúc kết được nhiều vấn đề về tiếp cận và đánh B-52, cho thấy, B-52 hoàn toàn không hề “bất khả xâm phạm “ như những gì mà Mỹ tuyên bố với thế giới.

"Việc chuẩn bị kỹ lưỡng này đồng nghĩa với chiến thắng oanh liệt của quân và dân Thủ đô nói chung và bộ đội phòng không không quân nói riêng là tất nhiên, không phải bất ngờ, càng không phải vô tình", Đại tá Phi công Nguyễn văn Nghĩa nhớ lại.

Công tác nghiên cứu, chuẩn bị, huấn luyện tác chiến với B-52 đã được Không quân Việt Nam tiến hành từ nhiều năm trước khi diễn ra chiến dịch Linebacker-II.

Về phía Mỹ, cựu Tổng thống Richard Nixon với ảo tưởng, bằng lực lượng không quân khổng lồ để tiêu diệt không quân tiêm kich MiG-21 Việt Nam, hòng đưa Hà Nội “trở về thời kỳ đồ đá" Đây có thể coi là “chiêu bài” cuối cùng của Nixon trong chiến tranh Việt Nam.

Do tính chất quan trọng của chiến dịch Linebacker-II, Không quân Mỹ cũng chuẩn bị kỹ lưỡng mọi phương án. Trong chiến dịch Linebacker-II, Mỹ huy động hơn 1.000 máy bay các loại, trong đó có 193 pháo đài bay B-52 chiếm gần 50% số B-52 của Mỹ trong biên chế.

Trong đó, khoảng 1.077 máy bay chiến thuật bảo vệ và hỗ trợ cùng với 6 hạm đội tàu sân bay trực chiến. Với lực lượng khổng lồ như vậy, phía Mỹ tưởng chừng sẽ áp đảo đối phương, buộc Việt nam phải khuất phục.

Tuy nhiên, điều mà Mỹ không ngờ tới là những điểm yếu của B-52 bị phía Việt nam khai thác triệt để.

Không quân Việt Nam đã sẳn sàng để hạ gục B-52 trên bầu trời Hà Nội trong chiến dịch Linebacker-II. Ảnh minh họa

Trước chiến dịch, quyết tâm của Quân chủng Phòng không-Không quân là phải bắn hạ được từ 7-10% trong tổng số B-52 sử dụng trong chiến dịch, bắt sống giặc lái, đồng thời giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về khí tài sản và con người, để chứng minh với thế giới rằng Việt Nam đã đánh thắng B-52.

Ngoài ra, thắng lợi trong cuộc chiến này có ý nghĩa quyết định đối với cục diện trên chiến trường Miền Nam. "Do đó, bộ đội Phòng không - Không quân nói chung và Không quân nói riêng chuẩn bị rất kỹ về kỹ năng tác chiến, ý chí rất sục sôi, rất tự tin và tràn đầy quyết tâm đánh thắng Không quân Mỹ", đại tá Nguyễn Văn Nghĩa hồi tưởng.

Nhiệm vụ của Không quân trong 12 ngày đêm là phối hợp chặt chẽ với hỏa lực phòng không mặt đất bẽ gãy cuộc tập kích đường không quy mô lớn nhất, chưa từng có của Mỹ kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ 2.

Pháo đài bay B-52 không phải là bất khả xâm phạm như Mỹ vẫn công bố, trái lại rất dễ bị tổn thương.

Phát huy tối đa điểm mạnh MiG-21, khai thác triệt để điểm yếu B-52

Công tác huấn luyện chiến đấu với B-52 và đội hình tiêm kích bảo vệ đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ trước. Đương nhiên là các tiêm kích của ta không thể hiên ngang bay ở độ cao 10km để tiếp cận B-52 được vì như vậy chúng sẽ phát hiện sớm.

Tiêm kích đánh chặn MiG-21 của ta thường bay ở độ cao thấp hơn, rồi bất ngờ lấy độ cao, giữ tốc độ lớn tấn công B-52. Đây là điểm mạnh kỹ thuật của MiG-21 được không quân ta khai thác triệt để.

Tuy nhiên, việc bất ngờ lấy tốc độ lên cao cũng đòi hỏi phải vận dụng rất khéo léo, nếu vận dụng không khéo chúng ta sẽ bị vướng ngay vào đội hình tiêm kích bảo vệ và như vậy chúng ta mất đi cơ hội đánh B-52.

Để chọn thời điểm lấy tốc độ lên cao tấn công B-52 cần có sự hỗ trợ từ đài chỉ huy mặt đất về tốc độ bay của đội hình đối phương, cự ly đội hình cũng như kinh nghiệm của phi công.

Ngoài ra, hiệp đồng tác chiến cũng phải rất linh hoạt và chặt chẽ, từ nhiệm vụ nghi binh thu hút sự chú ý của các tiêm kích bảo vệ, đến lực lượng làm nhiệm vụ tấn công B-52. Để phát hiện và tấn công B-52 có thể bằng radar trên MiG-21, tuy nhiên do Mỹ sử dụng các biện pháp gây nhiễu mạnh nên radar của MiG-21 gặp nhiều khó khăn trong việc bắt mục tiêu.

Vì vậy việc phát hiện B-52 bằng mắt thường cũng là một giải pháp cho phi công MiG-21. Ban ngày việc phát hiện mục tiêu bằng mắt thường thuận lợi hơn nhưng trong điều kiện đêm tối thì gặp nhiều khó khăn hơn.

Tuy nhiên, có một điểm yếu của B-52 bay trong đội hình biên đội buộc phải sử dụng đèn hàng hành làm tín hiệu. Dù khi báo động có MiG-21, B-52 thường tắt đèn tín hiệu, nhưng do bay đội hình nên không thể tắt được lâu.

Các phi công của ta thường dựa vào đèn tín hiệu để phát hiện và nhắm mục tiêu trong điều kiện đêm tối. Hai chiếc B-52 bị bắn hạ vào đêm 27, 28/12/1972 của phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều đều căn cứ vào đèn tín hiệu để tấn công B-52 bằng máy ngắm cơ học.

Do yếu tố có tính chất quyết định của chiến dịch, được ví như là một trận “chung kết” chỉ có thắng hoặc thua chứ không hề có chuyện cầm hòa.

Đại tá Nghĩa nhớ lại: Khi diễn ra chiến dịch Linebacker-II, Bộ chính trị đã nhận định và đánh giá về khả năng bắn hạ pháo đài bay B-52 của quân và dân ta. Câu hỏi được đặt ra là “Chúng ta bắn rơi bao nhiêu B-52 thì Mỹ buộc phải chấm dứt chiến dịch?" Con số được dự tính toán là khoảng 5% tức khoảng 8-9 chiếc trong tổng số B-52 được điều động. Nhưng thực tế, chúng ta đã bắn rơi tới 34 B-52, chiếm đến 17% tổng số B-52 tham chiến. Điều đó khiến Mỹ buộc phải chấm dứt chiến dịch.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm, bộ đội Không quân đã bắn hạ được 7 máy bay trong đó có 2 chiếc B-52 góp phần cùng toàn quân, toàn dân lập nên kỳ tích chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy địa cầu, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris rút quân về nước. Đại tá phi công Nguyễn văn Nghĩa sinh ngày 3/5/1946 tại Quảng Ngãi.

Ngày 1/7/1965, ông trúng tuyển phi công tiêm kích. Từ tháng 9/1956-4/1968, ông học lái MiG-21 tại Liên Xô.

Sau khi tốt nghiệp, ông về nước nhận nhiệm vụ tại đại đội 2 Trung đoàn tiêm kích 921 đoàn Sao Đỏ.

Từ năm 1973-1975 ông là phi đội trưởng các phi đội 3, 9, 11 Trung đoàn tiêm kích 927, đoàn Lam Sơn.

Ông là phi công Việt Nam đầu tiên lái máy bay MiG-21 số hiệu 5033 hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng vào năm 1975.

Ông cũng là phi công Bắc Việt Nam đầu tiên cất cánh trên tiêm kích F-5 của Mỹ thu được sau chiến tranh, sau đó ông đã huấn luyện cho một số phi công khác sử dụng máy bay F-5 tham gia trong chiến dịch biên giới Tây Nam.

Từ năm 198,2 ông chuyển lên làm cán bộ Sư đoàn Không quân 370 với cương vị bí thư Đảng ủy. Từ năm 1992 ông giữ chức Hiệu trưởng Trường Hàng Không Việt Nam, ông là người có công lớn trong việc xây dựng Học viện hàng không Việt Nam và cũng là giám đốc đầu tiên của học viện.

Từ tháng 4/2007, ông nghỉ hưu. Tháng 8/2007, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng không Việt Nam cho đến nay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại