Hôm 6/2/2016, hãng tin Interfax-AVN cho biết, máy bay vận tải hạng nặng An-124-100 Ruslan đã vận chuyển 2 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK2 có số khung 88520 và 88521 sang bàn giao cho Không quân Việt Nam.
Đây là 2 chiến đấu cơ cuối cùng nằm trong khuôn khổ hợp đồng mua sắm 12 máy bay loại này được ký kết giữa Việt Nam và Liên bang Nga từ tháng 8/2013, với giá trị ước tính nằm trong khoảng 450 - 600 triệu USD.
Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân nhân dân Việt Nam
Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, Không quân Việt Nam đang có trong biên chế tổng cộng 36 chiếc Su-30MK2 (4 chiếc đầu tiên nhận năm 2004, 8 chiếc tiếp theo trong giai đoạn 2010 - 2011 và 12 chiếc sơn rằn ri xanh lá tiếp nhận trong năm 2010 thuộc đợt thứ ba).
Ngoài việc vươn lên trở thành quốc gia có phi đội tiêm kích hạng nặng đông đảo nhất khu vực Đông Nam Á với 47 chiếc Flanker (bao gồm 11 Su-27SK/UBK cùng với 36 Su-30MK2), Việt Nam còn chính thức trở thành nước đang vận hành nhiều Su-30MK2 nhất thế giới.
Cụ thể, Không quân Venezuela đã mua 24 chiếc Su-30MK2, Không quân Indonesia là 5 chiếc, 8 chiếc khác đang phục vụ trong Không quân Uganda.
Trong khi đó, Không quân Trung Quốc (PLAAF), lực lượng đứng đầu châu Á và thứ hai thế giới mặc dù sở hữu tới 100 máy bay Su-30 nhưng cũng chỉ có 24 chiếc thuộc biến thể MK2.
Tiêm kích Su-30MKK của Không quân Trung Quốc
Vào năm 1999, Trung Quốc đã đặt hàng lô chiến đấu cơ Su-30MKK đầu tiên, 38 chiếc này được giao trong giai đoạn 2000 - 2001, giá trị hợp đồng ước tính 1,5 - 2 tỷ USD.
Ngay trong năm 2001, họ lại ký hợp đồng 2 tỷ USD mua thêm 38 chiếc Su-30MKK nữa, việc giao hàng diễn ra trong hai năm 2002 và 2003.
Đơn hàng mua Su-30 cuối cùng là để trang bị cho Không quân Hải quân Trung Quốc (PLANAF), hợp đồng ký năm 2003, PLANAF đã nhận đủ 24 chiếc vào năm 2004.
Đây chính là biến thể nâng cấp Su-30MK2 tối ưu hóa cho tác chiến không đối hải, cấu hình được cho là tương tự Su-30 Nga bán cho Việt Nam.
Tiêm kích J-16 - Bản sao của Su-30MK2 do Trung Quốc thực hiện
Cũng như trường hợp Su-27, sau khi làm chủ quy trình thiết kế ngược, Trung Quốc đã nhanh chóng cho ra đời "Su-30MK2 nội địa".
Tháng 4/2014, nước này chính thức thành lập một trung đoàn không quân được trang bị 24 chiếc J-16 - loại máy bay chế tạo dựa trên nền tảng tiêm kích J-11BS với một vài sửa đổi theo tiêu chuẩn Su-30.
Mặc dù được coi là bản copy của Su-30MK2 nhưng J-16 vẫn có nhiều khác biệt ở khung thân hay hệ thống điện tử, trong đó đáng chú ý là radar quét mảng pha chủ động (AESA) lắp trên J-16 được đánh giá tiên tiến hơn N001 VEP (PESA) của Su-30MK2.
Nếu gộp cả Su-30MKK, Su-30MK2 lẫn J-16 đang hoạt động trong PLAAF cũng như PLANAF thì con số này lên tới 124 chiếc, nhưng nếu chỉ tính riêng số lượng Su-30MK2 "xịn" thì Trung Quốc vẫn xếp sau Việt Nam.