Su-27SM - Sức mạnh mới trên những cánh bay cũ
Su-27 là dòng tiêm kích thế hệ 4 hiện đại đa của không chỉ Nga mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Qua gần 30 năm tung cánh và lập rất nhiều kỷ lục về tính năng bay, các máy bay Su-27 đã dần trở nên lạc hậu nếu không được nâng cấp.
Chính vì thế, nhằm duy trì sức mạnh của Không quân Nga, Tập đoàn Sukhoi đã tiến hành những gói nâng cấp hiện đại nhằm tạo ra sức mạnh mới trên những cánh bay Su-27 đã cũ, có tính đến tiềm năng xuất khẩu.
Đó chính là Su-27SM với một số phiên bản khác nhau, tất cả đều vượt trội so với Su-27 nguyên bản. Các máy bay này đều có buồng lái kính thực sự với các màn hình đa năng, radar mới kèm phầm mềm điều khiển và máy tính số tiên tiến.
Các máy bay Su-27SM mới được Không quân Nga triển khai ở bán đảo Crime, trong đó có chiếc mang số hiệu 81 (đỏ). Ảnh: RIANovosti.
Nhờ vậy, Su-27SM (sau này là SM2/SM3) qua nâng cấp có hiệu suất chiến đấu tăng hơn gấp rưỡi, mang được hầu hết các loại vũ khí đối không, đối đất và đối hải của Nga.
Điển hình như tên lửa không đối đất Kh-29T/TE/L, Kh-59M/ME/MK/MK2, bom thông minh KAB-500KR/1500KR, tên lửa chống radar Kh-31P, tên lửa chống hạm Kh-31A, đặc biệt là tên lửa không đối không tầm xa R-77M1 có tầm bắn lên đến 175 km.
Động cơ mới AL-31FM1 có tuổi thọ cao hơn trong khi chi phí bảo đảm kỹ thuật thấp và tiết kiệm hơn.
Su-30M2 - để đào tạo phi công Su-35S và Su-27SM
Su-30M2 là phiên bản tiêm kích đa năng 2 chỗ ngồi, được thiết kế để có khả năng đối không, đối hải và tiến công mặt đất rất tốt trong mọi điều kiện thời tiết, đồng thời được dùng để đào tạo các phi công bay trên Su-27SM và Su-35S của Không quân Nga.
Có một số nguồn tin cho rằng 4 chiếc Su-30M2 đầu tiên của Không quân Nga được chế tạo trên cơ sở khung thân máy bay Su-30MK2 vốn đã được chuẩn bị sẵn chỉ cần hoàn thiện và bán cho Việt Nam hoặc một số quốc gia có nhu cầu về dòng máy bay này.
Chiếc Su-30M2 số hiệu 30 (đỏ) của Không quân Nga.
Tuy nhiên, có lẽ vì tiến độ đặt hàng Su-30MK2 của các khách hàng chậm hơn dự tính trong khi nhu cầu đào tạo phi công Su-27SM và Su-35 ngày càng nhiều mà Không quân Nga lại chưa có loại máy bay phù hợp nên Sukhoi đã tận dụng khung thân của Su-30MK2.
Cho dù chưa có thông tin chính thức về các loại vũ khí, khí tài lắp trên Su-30M2, nhưng chắc chắn dòng máy bay này có nhiều điểm tương đồng với 2 loại tiêm kích kể trên và vượt trội hơn so với Su-30MK2 dành cho xuất khẩu.
Từ 4 chiếc ban đầu, đến nay số lượng Su-30M2 có trong biên chế Không quân Nga đang ngày càng nhiều, chỉ riêng trong năm 2015, đã có 5 máy bay loại này được hoàn thiện và chuyển giao.
Chiếc Su-27SM số hiệu 81 (đỏ) được trưng bày tại buổi lễ. Ảnh: KnAAPO.
Tại sao Su-27SM và Su-30M2 lại sơn cả cờ Việt Nam?
Thực ra, 2 chiếc máy bay trên được KnAAPO trưng bày hồi tháng 7/2015, trong buổi lễ Kỷ niệm của Nhà máy và Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Pavel Osipovich Sukhoi (1895-1975), một trong những huyền thoại hàng không quân sự Nga.
Ông chính là công trình sư thiết kế nhiều loại máy bay tiêm kích nổi tiếng của Nga và là người sáng lập Văn phòng thiết kế Sukhoi.
Qua nhiều thập kỷ, Pavel Osipovich Sukhoi đã cùng với các nhà công trình sư hàng đầu của Văn phòng Thiết kế Sukhoi cho ra đời nhiều dòng máy bay mang lại sức mạnh của Không quân Nga từ Su-7 tới Su-17, từ Su-24/25 tới Su-27/30/33 và sau này là Su-34/35,...
Chiếc Su-30M2 số hiệu 30 (đỏ) được trưng bày tại buổi lễ. Ảnh: KnAAPO.
2 chiếc máy bay này đại diện cho 2 dòng máy bay nổi tiếng do KnAAPO sản xuất, đó là Su-27 và Su-30, vốn đang được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Đã có nhiều lá cờ được sơn lên máy bay, mỗi lá cờ đại diện cho một quốc gia đã, đang có trong biên chế các máy bay Su-27 và/hoặc Su-30, trong đó Không quân Việt Nam sở hữu cả 2 dòng máy bay này.
Lưu ý, khi nhìn vào phiên bản Su-27SM và Su-30M2 (có cần tiếp dầu) được trưng bày, không nên suy diễn rằng Việt Nam đã mua 1 trong 2 hoặc thậm chí cả 2 dòng tiêm kích hiện đại này của Nga. Đây thuần túy chỉ phục vụ một buổi lễ trang trọng mà thôi.