Xe tăng T-54 tới T-90 đi ngầm dưới nước thế nào?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Các xe tăng được chế tạo từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay như T-54B, T-55,... hay T-80 và T-90 vẫn có thể vượt các con sông sâu đến 5 mét và chiều rộng không quá 700 mét.

Để làm được điều đó, các dòng xe tăng này phải dựa vào một thứ rất đặc biệt. Đó là Bộ thiết bị lội ngầm.

Bộ thiết bị lội ngầm gồm những gì?

Ống cung cấp không khí: Được lắp vào vị trí kính quan sát của chiến sĩ nạp đạn, có tác dụng cung cấp không khí cho người và động cơ xe tăng hoạt động.

Van ống xả: Là loại van một chiều lắp vào miệng cửa xả của động cơ có tác dụng chỉ cho khí xả động cơ đi qua và ngăn nước vào động cơ.

Các thiết bị làm kín: bao gồm vải bạt, vòng cao su, gioăng, đệm v.v... để bịt kín các cửa, lỗ, khe hở trên thân xe, tháp pháo nhằm ngăn nước chảy vào xe và không khí lọt ra ngoài.

Máy bơm nước: Dùng để bơm nước bị rò rỉ vào xe ra ngoài.

Máy dẫn đường: Thường dùng kiểu con quay, có tác dụng giữ hướng vận động cho xe khi không quan sát được đường. Công tắc ngực loại có dây dài để lái xe liên lạc với bên ngoài.

Áo bơi và mặt nạ: Trang bị cho các thành viên sử dụng trong tình huống xe bị chết máy dưới nước.

Ngoài ra, để phục vụ cho huấn luyện còn có ống ra vào: Ống được lắp vào cửa nạp đạn, có đường kính lớn và bậc lên xuống để các thành viên có thể leo ra vào xe.

Quá trình chuẩn bị, lắp ráp thiết bị cho xe tăng lội ngầm mất khoảng 30 phút. Sau khi lắp xong phải tiến hành thử độ làm kín của xe.


Xe tăng T-90 vừa kết thúc đoạn đi ngầm và bò lên mặt đất.

Xe tăng T-90 vừa kết thúc đoạn đi ngầm và bò lên mặt đất.

Phương pháp thử thông dụng nhất là ngâm xe ở các độ sâu khác nhau cho đến độ sâu tối đa 5 mét. Khi phát hiện sự rò rỉ phải lập tức khắc phục ngay.

Sau khi lắp đặt, kiểm tra xong lái xe sẽ dóng hướng chuẩn từ trên bờ, khởi động và điều chỉnh máy dẫn đường và từ khi xuống nước sẽ căn cứ vào máy dẫn đường để lái.

Khi lội ngầm chỉ được cho xe đi số 1 với vòng quay động cơ từ 1.500 đến 1.700 vòng/ phút, đồng thời thường xuyên giữ liên lạc với chỉ huy trên bờ và thực hiện mọi mệnh lệnh của chỉ huy.


Một chiếc xe tăng T-80 của Nga đang vượt sông.

Một chiếc xe tăng T-80 của Nga đang vượt sông.

Xe chết máy kíp lái xử trí thế nào?

Trong trường hợp xe bị “chết máy” không khởi động lại được hoặc gặp sự cố không thể khắc phục các thành viên trong xe phải hết sức bình tĩnh, đeo mặt nạ rồi tháo nước vào xe cho đến khi nước vào đầy xe mới mở cửa và thoát ra ngoài.

Sở dĩ là do khi còn không khí trong xe sẽ không thể mở được cửa do áp lực của nước.

Vì đây là một nội dung hoạt động khá phức tạp, nhiều rủi ro và nguy hiểm nên khi tổ chức lội ngầm cần phải chú ý một số điểm sau:

Trước hết, cần phải kiểm tra chất lượng đường lội ngầm dưới đáy sông có đảm bảo cho xe tăng vượt qua được hay không? Trên cơ sở đó quyết định có cho lội ngầm hay không hoặc phải có biện pháp khắc phục.

Thứ hai, là phải huấn luyện thật thành thục kỹ năng lái xe vượt ngầm cho lái xe cũng như các thành phần khác như chỉ huy, bảo đảm... để giảm thiểu đến mức thấp nhất các sự cố xẩy ra. Khi tình huống xảy ra phải bình tĩnh xử trí theo quy trình, quy tắc đã được học.

Thứ ba, để tổ chức lội ngầm cần phải có kế hoạch thật chặt chẽ, khoa học và được luyện tập, diễn tập thường xuyên. Đồng thời phải chú ý đầy đủ đến công tác bảo đảm các mặt - nhất là bảo đảm an toàn, cứu hộ - cứu nạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại