Theo bản báo cáo mới của Trung tâm An ninh Mỹ (CNAS), quân đội Mỹ có thể triển khai lực lượng hiệu quả “bởi họ có thể nắm rõ hơn điều gì đang xảy ra giữa cuộc xung đột, lực lượng của họ đang làm gì và đối phương đang làm gì”.
Điều này đạt được là nhờ mạng lưới vệ tinh quân sự của Mỹ trên quỹ đạo.
Không ngạc nhiên khi quân đội Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào không gian. Song, cũng có nhiều ý kiến đánh giá sự phụ thuộc này là xu hướng tiêu cực.
Washington chưa từng đầu tư bảo vệ cấu trúc không gian, khiến nó dễ bị tổn hại.
Một vụ phóng vệ tinh của Mỹ
Nga, Trung Quốc, thậm chí các nước với năng lực và nguồn tài nguyên khiêm tốn hơn đang tăng cường khả năng đe dọa vệ tinh Mỹ, không chỉ với tên lửa chống vệ tinh mà còn các phương pháp gây nhiễu, tấn công mạng, tấn công điện tử và một số phương thức mới.
Thứ Sáu tuần trước, trong bài phát biểu tại CNAS, Đô đốc Cecil D. Haney, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ đã mô tả “không gian” giờ đây trở nên “chật chội hơn và cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết”.
Ông Haney đồng thời nhấn mạnh rằng mối đe dọa đối với các cơ sở thiết bị của Mỹ trong không gian là “có thật” và đang lớn lên nhanh chóng.
“Khả năng mà các đối thủ của Mỹ có được để tiến hành các hoạt động thù địch trong không gian đặt ra một thách thức đa diện và những mối đe dọa tiềm tàng đối với sự sống còn và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia” – ông Haney nói.
Ông Haney đặc biệt lưu ý tới chương trình không gian đang phát triển nhanh chóng của Bắc Kinh.
Cuối năm 2015, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa đẩy đưa cùng lúc 20 vệ tinh siêu nhỏ vào quỹ đạo. Bên cạnh đó, nước này có tiến hành thành công vụ thử nghiệm lần 6 vũ khí siêu vượt âm và các cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh.
Những bước phát triển này đã thúc đẩy các nhà phân tích CNAS nhận ra rằng “kỷ nguyên thống trị không gian của Mỹ đã chấm dứt”.