Việt Nam có nên tiếp nhận tàu chiến loại biên của Hàn Quốc?

Ly Vy |

Tiếp nhận các chiến hạm cũ của Hàn Quốc có tác dụng nhanh chóng bổ sung số lượng tàu mặt nước và tăng cường khả năng tuần tra trên biển cho Hải quân Việt Nam.

Hàn Quốc loại biên số lượng lớn tàu chiến

Vào ngày 31/12/2015 tại căn cứ Jinhae, Hải quân Hàn Quốc đã tổ chức lễ loại biên 6 tàu chiến bao gồm 1 khinh hạm hạng nhẹ, 1 tàu hộ tống và 4 tàu tuần tra tấn công nhanh lớp Chamsuri.


6 tàu chiến vừa được Hải quân Hàn Quốc loại biên hôm 31/12/2015

6 tàu chiến vừa được Hải quân Hàn Quốc loại biên hôm 31/12/2015

ROKS Seoul (FFG 952) là khinh hạm hạng nhẹ thuộc lớp Ulsan, tàu có chiều dài 102 m, lượng giãn nước 1.500 tấn, đã phục vụ được 34 năm. Theo thông báo từ Hải quân Hàn Quốc (ROKN), ROKS Seoul sẽ chuyển đổi thành nơi phục vụ cho công tác giáo dục quốc phòng.

Khinh hạm lớp Ulsan bắt đầu hoạt động từ năm 1981, đây là một phần của chương trình chế tạo tàu chiến nội địa nhằm đóng vai trò tàu mặt nước chủ lực của Hàn Quốc, cho đến khi loạt tàu khu trục KDX vào biên chế từ cuối thập niên 1990.

Hải quân Hàn Quốc cũng đồng thời loại biên tàu hộ tống Kim Chon (PCC 761) lớp Po Hang. Con tàu có chiều dài 88 m, lượng giãn nước 1.200 tấn này vào biên chế từ năm 1986 và sắp tới vẫn được sử dụng nhưng là công cụ huấn luyện hoặc chuyển giao cho nước khác.

Hai tàu Po Hang loại biên trước đó đã được chuyển giao cho Hải quân Philippines (tàu Mokpo - PCC 759) và Hải quân Peru (tàu Kyong Ju - PCC 758).

Bốn tàu lớp Chamsuri vừa "nghỉ hưu" mang số hiệu 283, 285, 288 và 291 dường như thuộc phiên bản có chiều dài 33 m, lượng giãn nước 147 tấn. Tương lai của các tàu này vẫn vô định, mặc dù đã có vài chiếc được chuyển giao cho hải quân nước khác.

Hiện tại Hải quân Hàn Quốc còn duy trì 7 khinh hạm lớp Ulsan 18 tàu lớp Po Hang và 60 chiếc Chamsuri trong hạm đội.


Tàu hộ tống Kim Chon khi còn hoạt động

Tàu hộ tống Kim Chon khi còn hoạt động

Việt Nam có nên tiếp nhận những con tàu này?

Như vậy ngoại trừ khinh hạm Seoul (FFG 952) đã có tương lai được quyết định, 5 tàu còn lại phía Hàn Quốc đều sẵn sàng chuyển giao cho nước ngoài. Trong đó tàu hộ tống Kim Chon lớp Po Hang có kích thước lớn và trang bị hỏa lực mạnh nhất.

Vũ khí nguyên bản trên tàu Kim Chon gồm 2 pháo hạm Oto Melara 76 mm/62 bản Compact, 2 pháo nòng đôi Otobreda 40 mm/70, 2x3 ống phóng ngư lôi cỡ 324 mm, 2 ray thả bom chìm Mk.9, 1 bệ phóng tên lửa phòng không vác vai Mistral.

Có thể thấy rằng nếu Việt Nam dự định tiếp nhận con tàu này thì phương án khả dĩ nhất là hoán cải thành tàu pháo tuần tra xa bờ và loại bỏ khả năng chống ngầm của nó.

Lý do là bởi pháo Oto Melara cũng như Otobreda chúng ta có thể tiếp tục sử dụng hoặc thay thế bằng các loại pháo khác.

Trong khi đó, hệ thống chống ngầm như sonar và ngư lôi đều thuộc hệ Mỹ, mặc dù Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí trên biển với Việt Nam, nhưng việc tiếp tục sử dụng sẽ không dễ dàng cũng như gặp khó khăn trong đồng bộ và vận hành nên buộc phải loại bỏ.

Hiện nay trong biên chế Hải quân Việt Nam, các tàu pháo chủ yếu thuộc lớp Svetlyak và TT-400TP có lượng giãn nước hơn 400 tấn, kích thước khá nhỏ và khả năng hoạt động dài ngày trên biển còn thấp.

Nếu tiếp nhận và hoán cải một tàu hộ tống có lượng giãn nước 1.200 tấn như Kim Chon sẽ giúp tăng cường năng lực tuần tra dài ngày ở các vùng biển xa bờ như Trường Sa.

Còn với các tàu tuần tra cao tốc lớp Chamsuri, đây sẽ là sự bổ sung hợp lý cho đội tàu tuần tra ven bờ cũng như dùng cho Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân (nơi quản lý vùng biển kín có nhiều đảo nhỏ).

Việc thay đổi vũ khí với lớp tàu này cũng dễ dàng hơn do đặc điểm nguyên bản là pháo có người điều khiển, không phải phụ thuộc vào thiết bị cũng như radar dẫn bắn.

Do vậy, nếu được phía Hàn Quốc quyết định trao tặng thì Hải quân Việt Nam hoàn toàn có thể đưa những con tàu này vào biên chế để tiếp tục sử dụng thêm một thời gian nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại