Nga hú vía, Mỹ suýt lâm nguy vì tình báo quân sự Triều Tiên

Nhật Huy |

Chỉ chậm một chút nữa thôi, ít nhất 20 chuyên gia tại viện nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Nga đã lên đường tới Triều Tiên...

Một trong những câu hỏi thường được đặt ra khi nói đến ngành công nghiệp quốc phòng Triều Tiên là: Tại sao một nước được xem là “làm không đủ ăn” lại phát triển thành công nhiều loại công nghệ quân sự mà nhiều nước khác không thể.

Trên thực tế, một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp quốc phòng nước này chính là các hoạt động tình báo, thu thập thông tin công nghệ quân sự từ các nước khác.

Nga suýt mất hàng chục chuyên gia tên lửa

Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ là "mục tiêu" yêu thích của tình báo Triều Tiên. Trường hợp đáng chú ý nhất xảy ra vào năm 1993, khi Triều Tiên suýt tuyển mộ thành công cả một viện nghiên cứu công nghệ quân sự của Nga.

Theo cuốn "The Dead Hand: The Untold Story of the Cold War Arms Race and Its Dangerous Legacy" của tác giả David Hoffman:

Vào thời điểm Liên Xô vừa sụp đổ, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Các viện, cơ sở nghiên cứu gần như không được cấp ngân sách. Kết quả là hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư hàng đầu phải vật lộn để kiếm sống.

Theo ước tính, khi đó Nga có khoảng 60.000 người thuộc biên chế các cơ sở thiết kế - phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và những hệ thống vũ khí có liên quan.

Đây cũng là mục tiêu lôi kéo hàng đầu của những nước có tham vọng về công nghệ quốc phòng như Iraq, Lybia và Triều Tiên.

Thông qua một người trung gian, Triều Tiên đã liên hệ và mời những chuyên gia thuộc viện nghiên cứu và phát triển V. P. Makeyev (trụ sở tại thành phố Miass, gần Chelyabinsk) đến Bình Nhưỡng.

Đây là cơ sở chuyên về các loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Những chuyên gia này tưởng rằng công việc của họ tại Triều Tiên sẽ là thiết kế tên lửa đẩy dùng để phóng vệ tinh dân sự vào không gian.

Yuri Bessarabov - một người trong số này - kể với phóng viên tờ Moscow News rằng mức lương của mình tại Nga thậm chí còn thấp hơn một công nhân, trong lúc đó Triều Tiên sẵn sàng trả đến 1.200 USD/ tháng.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thành công. An ninh Nga kịp chặn khoảng 20 chuyên gia cùng gia đình của họ tại sân bay khi đang chuẩn bị rời Moscow vào tháng 12/1993.

“Đó là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện ra âm mưu đánh cắp công nghệ tên lửa của Triều Tiên” - một sĩ quan an ninh về hưu kể lại sự việc trên trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau đó.

Người này cũng cho biết thêm rằng các chuyên gia trên có chuyên môn bao trùm toàn bộ các thành phần của một tên lửa, từ phần động cơ đẩy cho đến đầu tên lửa, hệ thống dẫn đường…

Triều Tiên sẽ có tên lửa vươn tới Mỹ nếu...

Theo hãng thông tấn Yonhap News (Hàn Quốc), vào tháng 6/2012, tòa án ở Ukraine đã tuyên án 8 năm tù cho 2 người Triều Tiên vì tội danh xâm phạm bí mật công nghệ tên lửa của nước này.

Ryu Song-chul và Lee Tae-kil bị bắt khi đang tìm cách thu thập thông tin mật từ Viện nghiên cứu Yuzhnoye, đặt tại Dnipropetrovsk, nơi chuyên phát triển các tên lửa đẩy và vệ tinh.

Đây cũng là nơi sản xuất tên lửa đạn đạo chiến lược đa đầu đạn R-36M, với tầm bắn 11.000 km, trong thời kỳ Liên Xô.


Tên lửa đạn đạo R-36

Tên lửa đạn đạo R-36

Hai người Triều Tiên này làm việc tại văn phòng đại diện thương mại Triều Tiên ở Minsk, Belarus, song đã tìm cách bắt liên lạc với một chuyên gia đang làm việc tại Yuzhnoye.

Chuyên gia này sau đó đã báo cáo với cơ quan an ninh Ukraine và giúp sắp đặt kế hoạch bắt giữ lúc 2 thủ phạm đang chụp ảnh các tài liệu mật.

Những thông tin mà 2 người Triều Tiên nhắm đến chủ yếu liên quan đến các động cơ tên lửa dùng nhiên liệu lỏng. Một số chuyên gia Ukraine cho biết, nếu Triều Tiên nắm được công nghệ này, họ có thể chế tạo tên lửa đủ sức vươn tới Mỹ.

Con tàu bí mật chở công nghệ Nhật Bản

Ngoài Nga và những nước thuộc Liên Xô cũ, Triều Tiên còn bí mật thu thập công nghệ quốc phòng của Nhật Bản.

Đóng vai trò đầu mối cho các hoạt động tình báo trên là Tổng hội người Triều Tiên tại Nhật Bản (Chongryon). Đây là một trong hai tổ chức chính của cộng đồng người Triều Tiên đang sinh sống tại Nhật và có liên hệ chặt chẽ với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, tổ chức thứ hai, Hội liên hiệp người Triều Tiên tại Nhật Bản (Mindan), lại thân với chính quyền Seoul.

Theo một phóng sự điều tra năm 2003 của tờ Weekly Post (Nhật Bản), Chongryon điều hành nhiều trường học Triều Tiên tại Nhật.

Trong đó có cả một trường đại học và sử dụng chúng như phương tiện để tuyển mộ - đào tạo các đặc vụ ngầm chuyên đánh cắp các công nghệ dân sự lẫn quân sự của Nhật.

Những sinh viên xuất sắc nhất và chứng minh được lòng trung thành với lãnh tụ Triều Tiên sẽ được tuyển chọn và đào tạo cho nhiệm vụ này. Một trong số họ đã kể cho phóng viên Weekly Post về những hoạt động của mình.

Các trường do Chongryon điều hành sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Triều Tiên
Các trường do Chongryon điều hành sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Triều Tiên

Bên trong một lớp học treo ảnh các lãnh tụ của Triều Tiên

Bên trong một lớp học treo ảnh các lãnh tụ của Triều Tiên

“Sau khi tốt học Đại học Triều Tiên, tôi được yêu cầu vào làm việc tại một công ty máy tính có liên hệ với Chongryon. Công ty này có quan hệ làm ăn với các nhà sản xuất máy tính và thiết bị điện tử lớn tại Nhật.

Ngoài thực hiện các công việc hàng ngày như một nhân viên thông thường, tôi còn được giao nhiệm vụ bí mật thu thập các thông tin liên quan đến công nghệ điều khiển tự động.

Khi các công ty đối tác cho tôi xem tài liệu quan trọng và không cho phép sao chụp lại, tôi sẽ cố gắng ghi nhớ thông tin trên tài liệu đó và báo cáo lại cho tổ chức.

Một lần, khi nhận được chỉ thị từ tổ chức yêu cầu cung cấp một số thiết bị điện tử, tôi đã liên hệ công ty đối tác và yêu cầu gửi sản phẩm mẫu của những thiết bị này, sau đó giao chúng lại cho tổ chức.

Những thiết bị đó có thể được sử dụng để phát triển tên lửa đạn đạo và đã bị cấm xuất khẩu sang Triều Tiên”.

Những thông tin, thiết bị lấy được sau đó được đưa về Triều Tiên trên con tàu mang tên Mangyongbong-92.

Trên danh nghĩa, con tàu này dùng để phục vụ việc đi lại giữa Nhật và Triều Tiên của cộng đồng người Triều Tiên. Song bên cạnh đó, nó còn có vai trò chuyên chở người và hàng hóa cho tình báo Triều Tiên.

Thế nhưng, Nhật Bản đã cấm con tàu trên vào vùng biển của mình từ năm 2006. Bên cạnh đó, số học sinh theo học các trường Triều Tiên của Chongryon đã giảm mạnh từ 46.000 trong những năm 1970 xuống còn 10.000 trong năm 2009.

Những yếu tố trên đã làm suy giảm hiệu quả các hoạt động tình báo công nghệ quân sự của Triều Tiên tại Nhật Bản.

Ngoài ra, nhiều công nghệ chuyển về Triều Tiên nhanh chóng trở nên vô dụng vì thiếu công cụ, vật liệu, và quy trình cần thiết để hiện thực hóa những công nghệ này.

Con tàu Mangyongbong-92 hiện đang neo đậu tại Triều Tiên
Con tàu Mangyongbong-92 hiện đang neo đậu tại Triều Tiên

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại