Đúng vào ngày đầu tiên của năm mới 2014, chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên của Việt Nam mang số hiệu HQ-182 đã được tàu hạng nặng Rockdoll Sea vận chuyển về đến quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Đây là chiếc đầu tiên trong loạt 6 tàu ngầm Việt Nam đặt mua từ Nga trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2009.
Tàu ngầm Kilo Hà Nội trên khoang tàu vận tải Rolldock Sea ở vịnh Cam Ranh
Việc chuyển giao chiếc tàu ngầm đầu tiên này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước tiếp theo trong quá trình hiện đại hóa lực lượng hải quân.
Lực lượng hải quân của Việt Nam trước đây vốn phân tán và nghèo nàn về trang thiết bị và chỉ có khả năng bảo vệ các vùng biển gần bờ. Sau khi có thêm 2 khinh hạm Gepard cùng 6 tàu ngầm Kilo, khả năng tác chiến và răn đe của lực lượng hải quân chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể. Đó là chưa kể tới hợp đồng đóng 2 chiến hạm lớp Sigma giữa hải quân Việt Nam và Hà Lan, vốn mang trong mình nhiều công nghệ vũ khí tiên tiến của phương Tây.
Tàu ngầm lớp Kilo được coi là con bài răn đe mang tính chiến lược cao, đặc biệt tại vùng biển nông như biển Đông. Trong bộ trang bị của tàu ngầm có các tổ hợp tên lửa hành trình chống tàu Klub-S có khả năng diệt hàng không mẫu hạm (tàu sân bay). Tính năng độc đáo của các tàu ngầm này là tiếng ồn cực thấp, gây khó khăn tối đa cho các phương tiện theo dõi thủy âm học của đối phương.
Không ngẫu nhiên mà các chuyên viên phương Tây đã ví loại tàu ngầm này là những "hố đen trong lòng đại dương". Như giáo sư Carl Thayer đã nhận xét, việc tiếp nhận các tàu Kilo sẽ giúp Việt Nam thay đổi cán cân hải quân ở khu vực, tăng cường sức mạnh răn đe và trên hết là nâng cao quyền lực quốc gia.
Hiện đại hóa hải quân đối với Việt Nam sẽ luôn được coi là một chính sách đúng đắn, trong bối cảnh căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ tăng cao và tình trạng lạc hậu của hải quân cần phải được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Thế nhưng nếu xét trên tương quan lực lượng cũng như tiềm lực kinh tế quốc phòng giữa Việt Nam với các chủ thể khác tại khu vực, con số 6 quả thật rất nhỏ nhoi.
Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện có ít nhất 5 tàu ngầm nguyên tử và 49 tàu ngầm diesel - điện (trong đó có 12 tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga). Con số này cao hơn toàn bộ tàu ngầm của các nước Đông Nam Á cộng lại. Có thể hơi khập khiễng nếu so sánh toàn bộ số tàu ngầm tại ba hạm đội của Trung Quốc với con số 6 tàu ngầm của hải quân Việt Nam, tuy nhiên chỉ riêng hạm đội Nam Hải cũng đang sở hữu khoảng 8 tàu ngầm lớp Minh được nước này tự đóng.
Tàu ngầm Kilo Trung Quốc
Hạm đội 7 - hạm đội lớn nhất của hải quân Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh khu vực Thái Bình Dương sở hữu 3 chiếc tàu ngầm tấn công chạy động cơ hạt nhân lớp Los Angeles. Los Angeles được trang bị năng lượng hạt nhân và hệ thống ngư lôi, tên lửa tân tiến, có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu dưới mặt biển, trên mặt biển và trên đất liền (ở khoảng cách cực xa).
Các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có những hạm đội tàu ngầm đông đảo và quan trọng hơn hết là các nước này có thể tự đóng được tàu ngầm cho riêng mình. Singapore, Indonesia và Malaysia là những nước Đông Nam Á sở hữu tàu ngầm và họ cũng đã có kinh nghiệm lâu năm vận hành và khai khác loại khí tài này.
Xét trên bối cảnh như vậy, 6 tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đặt mua có thể là nhiều, nhưng rõ ràng là không cân xứng nếu so sánh với những quyền lực khác trong khu vực. Đặc biệt là Trung Quốc, nước có tranh chấp trực tiếp với Việt Nam tại biển Đông.
Nhận xét trên không thể hiện quan điểm chối bỏ hay đánh giá thấp chính sách tăng cường hiện đại hóa của hải quân Việt Nam. Sẽ có rất nhiều thành phần ủng hộ quân đội cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình hiện đại hóa, đặc biệt tập trung vào mô thức chiến tranh không biển và chống tiếp cận...
Tuy nhiên, mục tiêu tối thượng của Việt Nam hiện nay là làm sao để xung đột không được xảy ra. Mặc dù mua sắm vũ khi cũng mang tính chất phòng ngừa nhất định, nhưng trong điều kiện chênh lệch lực lượng quá lớn, tính chất phòng ngừa này không mang lại nhiều tác dụng. Trong khi Trung Quốc mỗi năm hạ thủy hàng chục tàu chiến tàu ngầm đủ loại thì Việt Nam phải cần một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vũ khí với những hợp đồng kéo dài hàng năm trời.
Hiện đại hóa hải quân là cần thiết, nhưng đừng để niềm vui mừng nhất thời làm khuất lấp đi một sự thật rằng Việt Nam là nước nhỏ và nước nhỏ thì cần áp dụng tổng hòa các biện pháp ngoại giao phù hợp với vị thế của mình. Hiện đại hóa quân đội rõ ràng chỉ là bước đi phụ, và để phòng ngừa rủi ro xung đột ở biển Đông thì Việt Nam cần những bước đi chính sách thực chất và mang tính mềm dẻo hơn theo đúng nghĩa đen.
Nền tảng cho các chính sách như vậy chính là việc “xây dựng lòng tin chiến lược” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tại Đối thoại Shangri-la vừa qua. Xây dựng lòng tin rõ ràng không thể bằng chạy đua hiện đại hóa quân đội, mà là bằng những cơ chế phù hợp giúp hai bên hiểu nhau hơn. Phòng ngừa rủi ro thông qua lòng tin như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đề cập, là thiết kế lòng tin một cách chân thành thông qua gắn kết lợi ích chiến lược chung. Không một nước nào muốn xung đột xảy ra.
Nhưng, lòng tin không phải thứ chỉ nói suông là có thể đạt được, nó cần quá trình và cố gắng từ cả hai phía. Các nước ASEAN đã “chìa tay” bằng việc đề xuất xây dựng một cơ chế với mục tiêu giải quyết các tranh chấp tại biển Đông: Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Trung Quốc cũng đã bước đầu đồng ý chấp nhận đối thoại. Việc thể chế hóa tranh chấp biển Đông, sử dụng những quy tắc và chuẩn mực quốc tế trong việc điều hóa và giải quyết tranh chấp chính là bước đi tất yếu để xây dựng lòng tin.
Trung Quốc, với tư cách là một nước lớn, nếu cứ sử dụng các cách tiếp cận cố hữu như thời gian vừa qua, thì lòng tin là thứ xa vời. Và việc hiện đại hóa quân đội của các nước nhỏ hơn sẽ vẫn liên tục tiếp diễn. Lòng tin sẽ là một nhân tố quyền lực quan trọng. Với quyền lực lòng tin, Trung Quốc mới có thể xóa bỏ được thuyết về mối đe dọa Trung Quốc đối với các nước láng giềng, thứ mà Bắc Kinh tốn bao công sức để khẳng định điều ngược lại.
Tự hào khi Việt Nam lần đầu tiên sở hữu tàu ngầm đúng nghĩa. Nhưng hãy tự hỏi rằng tại sao Việt Nam lại phải gấp rút sở hữu những vũ khí mạnh mẽ như vậy, nếu không phải là an ninh quốc gia đang bị đe dọa và nguy cơ xung đột đang hiện hữu vì thiếu lòng tin?